BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm mô hình trung tâm hành chính đầu tiên trên cả nước

07/05/2016 08:32

Cải cách hành chính là khâu đột phá để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của Việt Nam. Các tổ chức đánh giá của quốc tế đã nhìn nhận rằng Việt Nam đang cố gắng nỗ lực cải thiện hình ảnh trong con mắt giới đầu tư của khu vực và thế giới, bối cảnh toàn cầu hóa...

Ảnh minh họa: internet

Một bộ máy hành chính cồng kềnh và kém hiệu quả sẽ không đáp ứng những đòi hỏi khắt khe từ thực tế cuốc sống sinh động. Chính vì vậy, Cải cách hành chính đã được Chính phủ xây dựng một chương trình tổng thể bằng Nghị quyết 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 với mục đích tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong giai đoạn trước, đồng thời đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính trong giai đoạn mới (2011-2020).

Là một trong tỉnh đặc biệt quan trọng, nằm trong tam giác phát triển trọng điểm kinh tế Bắc Bộ (Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh), với lợi thế sẵn có về tài nguyên, Quảng Ninh đang gắn cho mình những trọng trách lớn vừa là thúc đẩy kinh tế vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Đó chính là nhiệm vụ đầu tàu trong phát triển kinh tế tạo thành trục kéo các địa phương biên giới phía Bắc phát triển theo.

Do vậy, Cải cách hành chính đã được lãnh đạo Tỉnh đặc biệt chú trọng, nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế Vùng mỏ tăng tốc. Với mục tiêu Quảng Ninh “Cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ theo hướng hiện đại vào năm 2015” và trong tương lai 10 năm nữa Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp, trung tâm du lịch của Việt Nam, khu vực và thế giới.

Xác định cải cách TTHC, trong đó có việc đơn giản hoá TTHC là việc làm thường xuyên, liên tục để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh đã chủ động, sáng tạo tìm ra các giải pháp mới trong xu thế hội nhập quốc tế toàn cầu, với những trăn trở, đột phá và tiên phong đi đầu cả nước. Năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án Chính quyền điện tử Quảng Ninh giai đoạn 2012-2014 (theo Quyết định số 2449/QĐ-UBND ngày 28/9/2012). Thành lập Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và Trung tâm HCC (Số 997-QĐ/TU ngày 06/3/2013) do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban). Đồng thời tỉnh đã quyết định thành lập và đưa mô hình các Trung tâm HCC tỉnh và 14/14 Trung tâm HCC cấp huyện đi vào hoạt động. Đây thực sự là bước đột phá, đi đầu trong cả nước về công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính được Chính phủ và các Bộ, ngành, Trung ương ghi nhận và đánh giá rất cao về tinh thần dám nghĩ, dám làm của tỉnh Quảng Ninh trong công tác CCHC. Các Trung tâm của tỉnh hình thành và chính thức đi vào hoạt động đã thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc hướng tới một nền hành chính hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại, tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong xu thế hội nhập và phát triển. Với những kết quả đạt được gần 2 năm triển khai mô hình Trung tâm HCC tỉnh Quảng Ninh ngày 28/10/2015 Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định 1831/QĐ-TTg về thí điểm thành lập Trung tâm HCC tỉnh Quảng Ninh – mô hình thí điểm đầu tiên trên cả nước.

Bước ngoặt lớn

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu học tập mô HCC ở các nước phát triển như: Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Singapore và Trung tâm dịch vụ HCC tại Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc ... đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn của tỉnh, Ngày 28-9-2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh và xây dựng 15 trung tâm HCC (01 Trung tâm HCC cấp tỉnh, 14 Trung tâm HCC cấp huyện). Trung tâm HCC từ cấp tỉnh đến cấp huyện được thành lập nhằm mục đích chủ yếu là nâng cao hiệu lực của quản lý nhà nước trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ. Trung tâm HCC cấp tỉnh là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực, có đầy đủ thẩm quyền, chức năng, vị trí để thực hiện nhiệm vụ trong cải cách hành chính của nhà nước. Vì thế, việc thành lập trung tâm HCC được coi là một bước quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính nhà nước của Quảng Ninh.

Hiện nay, Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ninh có 4 phòng chuyên môn là: Phòng Hành chính – Quản trị, Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Phòng Kiểm tra - Giám sát, Phòng Giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài 15 cán bộ chuyên trách, Trung tâm HCC tỉnh có đội ngũ trên 87 cán bộ được cử từ các sở, ngành cùng lãnh đạo sở xuống làm việc trực tiếp tại Trung tâm; 24 Sở, ban, ngành (kể cả các các cơ quan ngành dọc như Công An, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Kho Bạc...), là các cơ quan thực hiện các TTHC cấp tỉnh. CBCCVC của các sở, ban, ngành được cử đến làm việc phải từ phó Trưởng phòng và tương đương trở lên có đủ năng lực và thẩm quyền giải quyết TTHC ngay tại Trung tâm.

Trung tâm được lắp đặt các thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ công tác chuyên môn với hệ thống phần mềm kết nối tất cả các sở, ngành, phòng, ban, UBND các cấp và lãnh đạo, với quy trình khép kín, giải quyết hoàn toàn trên môi trường mạng đảm bảo TTHC được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện.Hiện nay, Trung tâm thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 1,2 là 60%; 40% thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Ngoài ra, Trung tâm đang thực hiện việc trả kết quả bằng chữ ký số (Từ ngày 01/11/2015, thực hiện áp dụng chữ ký số trong quy trình trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm HCC cấp tỉnh. Từ 01/12/2015 thực hiện áp dụng chữ ký số trong quy trình trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm HCC cấp huyện). Thực hiện việc thu phí và lệ phí một đầu mối thu tại 15/15 Trung tâm HCC.

Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại Trung tâm

Mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn 3 năm, mô hình “tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại Trung tâm” đã bước đầu thể hiện tính ưu việt vượt trội hơn so với mô hình “một cửa, một cửa liên thông”. Thời gian giải quyết hồ sơ đã giảm 40% so với trước đây. Hiện nay, 14/15 các Trung tâm HCC đã đưa 100% các TTHC vào giải quyết tại Trung tâm. Đối với Trung tâm HCC tỉnh giải quyết 1.033 (90%) TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận vào giải quyết tại Trung tâm HCC, thực hiện với quy trình khép kín theo nguyên tắc "thẩm định và phê duyệt tại Trung tâm" đạt 96%, Trong đó 15% TTHC được tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại Trung tâm; 81% sử dụng hệ thống phần mềm CNTT do bộ phận CBCCVC chuyên ngành làm việc tại Trung tâm thực hiện và phê duyệt bằng chữ ký số). 0,4% TTHC còn lại không thẩm định, phê duyệt tại Trung tâm được là các TTHC liên quan đến các Bộ, ngành Trung ương (ví dụ: Thủ tục hộ tịch có yếu tố nước ngoài của Sở Tư pháp, TTHC liên quan đến tổng cục du lịch, liên quan đến việc trình TTg CP...).

Môi trường làm việc công khai, minh bạch

Trung tâm có hệ thống camera giám sát toàn bộ quá trình hoạt động cùng với bộ phận kiểm soát, giám sát độc lập, chặt chẽ tại Trung tâm HCC tỉnh: là công chức thuộc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức của các Sở, ban, ngành làm việc tại Trung tâm, kịp thời phản ánh, báo cáo những vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân.

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động

Mục tiêu của Trung tâm HCC là “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động”. Đến với Trung tâm HCC người dân sẽ được thụ hưởng về thái độ phục vụ, văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Tổ chức, công dân đến Trung tâm HCC được đón tiếp và hướng dẫn chu đáo, lịch sự, môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp. Các TTHC tiếp nhận và xử lý hồ sơ tại Trung tâm được thực hiện theo nguyên tắc thuận lợi, nhanh gọn, đúng hẹn.

Việc thực hiện đánh giá xếp hạng CBCCVC làm việc tại Trung tâm và xác định chỉ số hài lòng của tổ chức, công dân đã góp phần khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà. Hiện tại, Trung tâm xây dựng phần mềm tích điểm đối với các TTHC giải quyết trước hẹn cho tổ chức, công dân. Kết quả đánh giá dựa trên 03 phương pháp chính (qua website, qua kết quả thực hiện tại Trung tâm và thông qua bộ phận Kiểm tra, giám sát, thông qua thiết bị đánh giá cán bộ, công chức tại các quầy giải quyết TTHC tại Trung tâm). Đến thời điểm 12/4/2016 đạt tỷ lệ 99,4% tổ chức, cá nhân hài lòng.

Với những kết quả khả quan đó, Ngày 28/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1831/QĐ-TTg của về việc thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm trực thuộc UBND tỉnh, Đây là mô hình Trung tâm HCC trực thuộc UBND cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước.

ThS. Nguyễn Thị Hương - Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh

Theo: http://thanhnienviet.vn
Tìm kiếm