BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đắk Lắk: Những bước chuyển trong cải cách hành chính

26/07/2016 16:08

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chú trọng. Với sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ cùng các giải pháp đồng bộ, công tác này đã có những chuyển biến tích cực, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Những chuyển biến tích cực

Xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, người đứng đầu cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước đã ngày càng quan tâm hơn đến CCHC; nhận thức của cán bộ, công chức, đảng viên và quần chúng nhân dân về CCHC được nâng lên một cách rõ rệt. Công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện CCHC đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tính riêng năm 2015, tỉnh đã ban hành được 70 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo tiến độ; tiến hành rà soát 510 văn bản QPPL, bao gồm: 115 nghị quyết, 299 quyết định và 96 Chỉ thị (trong đó có 457 văn bản còn hiệu lực, 53 văn bản hết hiệu lực toàn bộ và 29 văn bản hết hiệu lực một phần)… Đối với công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách chế độ công vụ, công chức, tỉnh đã tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho công chức lãnh đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện cho 42 học viên; bồi dưỡng cho cấp trưởng, phó phòng cấp Sở và cấp huyện về quản lý Nhà nước với 126 học viên tham dự. Đến hết năm 2015, 100% sở, ban, ngành, 70% các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện và 30% UBND cấp xã có mạng nội bộ (LAN), kết nối internet; đối với các cơ quan khối Đảng đã có hệ thống mạng chuyên dụng kết nối Tỉnh ủy đến 15 Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và đến 105/184 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Năm 2015, đã có 66% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) cấp huyện được giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử liên thông. Đặc biệt, chỉ số PCI năm 2015 của Đắk Lắk xếp vị trí thứ 23 cả nước (tăng 7 bậc so với năm 2014) đã phần nào khẳng định những kết quả đạt được của công tác CCHC.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin)

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của năm 2015, trong 6 tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành 6 quyết định công bố ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ đối vơi 255 TTHC trong các lĩnh vực. Các bộ TTHC của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong tỉnh được niêm yết, thường xuyên cập nhật tại trụ sở làm việc, trên các website của các cơ quan đơn vị và Cổng thông tin điện tử tỉnh. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ ở 18/20 sở, ngành; 100% huyện, thị xã, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức quản lý chất lượng phục vụ của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đến nay 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã được đầu tư, xây dựng hệ thống “Một cửa điện tử cấp huyện”, 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu ở mức độ 2...

Tạo bước đột phá trong CCHC

Tại Hội nghị sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2016 vừa được tổ chức, đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cho rằng, công tác CCHC của tỉnh trong thời gian qua mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp: Trong đó đáng chú ý là một bộ phận cán bộ, công chức làm việc thiếu trách nhiệm, còn hạn chế về trình độ, năng lực. Theo khảo sát, tại một số địa phương, đơn vị mức độ hài lòng của doanh nghiệp, người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy các cấp chính quyền trong tỉnh chưa cao.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh chủ đề của CCHC năm 2016 của tỉnh là tập trung thực hiện CCHC gắn với nâng cao đạo đức công vụ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính. Do vậy, các sở, ngành, địa phương cần xác định rõ chủ đề, từ đó tập trung, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế tại địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện CCHC, bởi chỉ khi người đứng đầu có quyết tâm, nói đi đôi với làm trong thực hiện CCHC mới tạo được hiệu quả thiết thực. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở, ngành chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả CCHC của ngành, địa phương mình; các tập thể, cá nhân không thực hiện tốt công tác CCHC sẽ bị xử lý nghiêm...

Để tạo bước đột phá trong CCHC, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị yêu cầu các sở, ngành, địa phương, ngoài các chức năng, nhiệm vụ được triển khai thực hiện theo quy định, cần đẩy mạnh cải cách TTHC, nhất là TTHC thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, đầu tư... tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân nắm bắt kịp thời và tiếp cận dịch vụ công do tỉnh cung cấp. Mặc khác, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường chỉ đạo, điều hành, rà soát, kiểm tra các kết quả hoạt động theo kế hoạch CCHC năm 2016, đẩy nhanh tiến độ, thực hiện có hiệu quả và hoàn thành 100% kế hoạch đã đề ra...


Theo: baodaklak.vn

Tìm kiếm