| Ảnh minh họa |
Hàng năm UBND thành phố Đà Nẵng giao Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố chủ trì xây dựng báo cáo phân tích về Chỉ số PCI của thành phố Đà Nẵng, trong đó tập trung vào việc phân tích các trục và chỉ số thành phần còn khiếm khuyết của thành phố. Bảng số liệu dưới đây được trích từ Báo cáo phân tích Chỉ số PCI năm 2016 của thành phố Đà Nẵng, trong đó chỉ ra các trục thành phần có sự biến động lớn so với năm 2015, cụ thể là: - 06 Chỉ số thành phần tăng điểm số và tăng hạng là: Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố; chất lượng đào tạo lao động; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định nhà nước; Thiết chế pháp lý; Cạnh tranh bình đẳng. - Chỉ số thành phần "Tính minh bạch và tiếp cận thông tin" giữ vững được thứ hạng dẫn đầu, tuy nhiên điểm số giảm đến 0,11 điểm so với kết quả PCI 2015. - Chỉ số thành phần tăng điểm số nhưng thứ hạng bị sụt giảm là "Chi phí gia nhập thị trường" - Chỉ số thành phần tăng thứ hạng nhưng điểm số giảm là "Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất" - Chỉ số thành phần vừa bị giảm điểm vừa bị tụt hạng là "Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp" |
Trên cơ sở Báo cáo phân tích Chỉ số PCI của Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố, UBND thành phố hàng năm tổ chức Hội nghị đánh giá về Chỉ số PCI với sự tham gia của tất cả các sở, ban, ngành có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp nhằm chỉ ra các điểm hạn chế và phương hướng khắc phục trong năm tiếp theo. Từ năm 2016 trở lại đây, nội dung phân tích về Chỉ số PCI được lồng ghép trong Hội nghị đối thoại doanh nghiệp do Thành ủy, UBND thành phố chủ trì. Vào năm 2015, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã tổ chức khen thưởng chuyên đề, tặng bằng khen đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc duy trì, giữ vững thứ hạng cao về Chỉ số PCI ba năm liên tiếp từ 2013 đến 2015. Bên cạnh đó, thông qua các đề xuất của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh qua Chỉ số PCI, UBND thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, điều chỉnh chính sách. Các vấn đề cộng đồng doanh nghiệp đề nghị tiếp tục quan tâm, cải thiện trong năm chủ yếu gồm: - Cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian xử lý, nâng cao trình độ chuyên môn, hiệu quả xử lý công việc, phẩm chất cán bộ, công chức. - Hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. - Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, công khai minh bạch chính sách, thông tin. - Hoàn thiện chính sách thuế theo hướng khuyến khích doanh nghiệp phát triển - Bảo vệ môi trường hơn, kiên quyết đối với các doanh nghiệp gây ảnh hướng môi trường Bên cạnh chỉ số PCI, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) là công cụ theo dõi và đánh giá hiệu quả thực thi chính sách liên quan đến quản trị và hành chính công, đo lường mức độ hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Việt Nam. Phương pháp xây dựng Chỉ số của PAPI là thông qua điều tra, khảo sát, phản ánh trải nghiệm của người dân khi tương tác với chính quyền hay khi sử dụng dịch vụ công cũng như việc tham gia và quản trị công. Chỉ số PAPI được thể hiện ở 06 trục thành phần và tính điểm, xếp hạng các địa phương trong cả nước theo từng trục thành phần. Tại thành phố Đà Nẵng, Chỉ số PAPI được quan tâm nhiều ở các trục về thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Các phân tích về Chỉ số PAPI của thành phố Đà Nẵng chủ yếu tập trung vào 02 trục này nhằm cải thiện các vấn đề còn tồn tại trong Chỉ số PAPI. Việc sử dụng Chỉ số PAPI tại thành phố Đà Nẵng có nhiều hạn chế hơn so với Chỉ số PCI, chủ yếu tập trung vào các trục về thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công. Việc theo dõi Chỉ số PAPI được UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Nội vụ thành phố thực hiện và tham mưu lồng ghép cải thiện các nội dung còn hạn chế vào Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của thành phố. Thực tế, Chỉ số PAPI đóng vai trò là thước đo đối với các chính sách, giải pháp của thành phố đã thực hiện. Phân tích cụ thể hơn về PAPI, thông qua khảo sát các thủ tục quan trọng và có tần suất thực hiện cao nhất đối với người dân bao gồm "dịch vụ chứng thực, xác nhận; cấp giấy phép xây dựng; đất đai và thủ tục hành chính tại phường, xã", mức độ hài lòng của người dân tại Đà Nẵng ở mức cao nhất cả nước. Sự ghi nhận này thể hiện những nỗ lực của thành phố trong nhiều năm qua khi liên tục thực hiện tổng thể nhiều giải pháp nhằm đem lại chất lượng cung ứng thủ tục hành chính một cách tốt nhất và cũng cần hiểu rằng việc cải thiện chất lượng cung ứng thủ tục hành chính cần một thời gian dài đầu tư một cách tổng thể về nhân sự, hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin và các tiện ích hỗ trợ. Cụ thể, từ năm 2009, thành phố đã đầu tư xây dựng mô hình quận điện tử và hoàn thành ở tất cả 07 quận huyện vào năm 2011, tiếp đến là thí điểm mô hình phường, xã điện tử và tiến đến mở rộng đến tất cả các phường, xã vào cuối năm 2016. Mô hình quận, phường điện tử được đầu tư với mục tiêu đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dân khi đến làm việc tại các cơ quan nhà nước với cơ sở hạ tầng được đầu tư một cách hiện đại và toàn diện. Có thể nói, việc mang lại các tiện ích tốt nhất như: máy điều hòa, ghế ngồi thoải mái và hạ tầng hiện đại sẽ góp phần mang đến sự hài lòng của người dân trong quá trình giao dịch tại các phường, xã. Đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Đà Nẵng, có gần 90% số người khảo sát cho biết chỉ đến một đầu mối để thực hiện thủ tục cấp giấy. Điều này một lần nữa chứng minh cho sự thành công của mô hình Văn phòng đăng ký đất đai một cấp mà thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm vào năm 2012. Mô hình này tập trung đầu mối tất cả quy trình xử lý về Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện. Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng một quy trình chặt chẽ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo đó người dân chỉ nộp hồ sơ tại duy nhất Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện, quy trình liên quan đến các cơ quan thuế, xây dựng, đo đạc, UBND quận, huyện sẽ do Văn phòng đăng ký đất đai chủ động phối hợp, thực hiện cho người dân. Vậy chỉ số PCI và PAPI có mối liên hệ mật thiết như thế nào? Có thể nói, mặc dù đối tượng khảo sát, đánh giá của Chỉ số PAPI và PCI là hoàn toàn khác nhau (người dân và doanh nghiệp), giữa PAPI và PCI vẫn có những nội dung, tiêu chí đánh giá, khảo sát gần giống nhau và mang lại những kết quả tương đồng để phân tích, so sánh nhất định. Việc so sánh này được thực hiện nhằm kiểm chứng mức độ chính xác của các Chỉ số tại thành phố Đà Nẵng cũng như đem lại góc nhìn toàn diện hơn đối với việc điều hành của thành phố. Trước hết, trong lĩnh vực đất đai, PAPI tập trung làm rõ việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá đất. Mặc dù Đà Nẵng thuộc nhóm địa phương cao trong cả nước về Chỉ số thành phần này (khoảng 1.8 điểm so với điểm cao nhất là 2) nhưng nhìn chung Chỉ số này là thấp nếu tính trên thang 3. Trong mức độ tương quan một cách tương đối, trục "Tiếp cận đất đai" của PCI cho thấy có sự sụt giảm đáng kể trong "Chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất" cũng như đây là một trong những trục thấp trong Chỉ số PCI của thành phố Đà Nẵng những năm gần đây. Đối với các thông tin về ngân sách, giữa người dân và doanh nghiệp có một sự đồng thuận tương đối đối với việc công khai, minh bạch các thông tin này. Theo đó, khoảng 65% người dân cho biết thu, chi ngân sách ở cấp xã, phường được công khai, minh bạch trong khi cũng hơn 65% doanh nghiệp cho biết tài liệu về ngân sách được công bố ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với việc cung ứng thủ tục hành chính, doanh nghiệp khá hài lòng với việc cung ứng thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa hiện nay với trục "Chi phí gia nhập thị trường" của PCI thành phố đạt hơn 09 điểm, gần như tiệm cận mức cao nhất. Đối với người dân, việc cung ứng thủ tục hành chính của thành phố luôn được PAPI đánh giá cao. Kết quả này cho thấy nỗ lưc cải cách hành chính của thành phố một cách đồng bộ ở cả ba cấp nhằm đem lại sự hài lòng cho cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Một điểm đáng lưu ý nữa là trục "Kiểm soát tham nhũng" của Chỉ số PAPI so với trục Chi phí không chính thức của Chỉ số PCI. Cảm nhận của người dân về sự quyết tâm của thành phố trong việc chống, kiểm soát tham nhũng trong PAPI xoay quanh mức 1,7 trên thang 3 những năm gần đây. Một cách tương ứng, cảm nhận về chi phí không chính thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng ở mức trung bình khi 50% doanh nghiệp cho biết hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến, phải trả thêm tiền cho chi phí không chính thức. Bên cạnh những ưu điểm thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong sử dụng thông tin, kết quả từ Chỉ số PCI, PAPI như: Các Chỉ số PCI, PAPI đã tạo ra các kênh tham khảo quan trọng trong quản lý nhà nước, đánh giá một cách khách quan cảm nhận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính, điều hành kinh tế, xã hội, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại địa phương. Có thể nói, những đánh giá, điểm số từ các Chỉ số trên đã và đang cùng với chỉ số xếp hạng cải cách hành chính có những đóng góp quan trọng trong việc điều chỉnh, hình thành chính sách tại thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, do phương pháp triển khai đánh giá thông qua khảo sát về cảm nhận của người dân, doanh nghiệp, các Chỉ số PAPI, PCI vẫn còn một số nhược điểm như sau: - Điểm kỳ vọng (độ lệch kỳ vọng): Đây là nhược điểm lớn trong phương pháp khảo sát diện rộng. Cụ thể cùng một vấn đề như hỗ trợ tiếp cận vay vốn, mặc dù chính sách và thủ tục có thể giống nhau nhưng mức độ kỳ vọng của người dân tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau sẽ có sự khác biệt. Mặc dù các Chỉ số đã có các bảng xếp hạng dành riêng cho từng nhóm như: Các tỉnh Tây Bắc, các thành phố trực thuộc Trung ương… Tuy nhiên, độ lệch kỳ vọng thực tế tác động đến mức độ chính xác khi so sánh giữa các tỉnh trên toàn quốc với nhau. - Số lượng phiếu khảo sát: Số lượng phiếu khảo sát thực tế chưa đủ lớn để có thể đại diện cho toàn tỉnh. Ví dụ Chỉ số PCI toàn quốc chỉ có 10.000 phiếu khảo sát, trung bình 150 phiếu đối với một địa phương. Mặc dù phương pháp lấy mẫu đã có nhiều thay đổi qua các năm (lấy số liệu doanh nghiệp đang hoạt động từ Cục thuế các địa phương, lấy mẫu theo nhóm doanh nghiệp…) nhưng số lượng phiếu khảo sát trên vẫn còn ít so với quy mô doanh nghiệp một số địa phương. Vũ Thanh Nguyên |