| Nhân viên Bưu điện tỉnh thực hiện chuyển phát tài liệu, văn bản. |
Hiện nay, các hệ thống cơ bản như thư điện tử, Cổng Thông tin điện tử, quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử liên thông hiện đại đã được sử dụng trong hầu hết các cơ quan cấp tỉnh, huyện. Cùng với việc vận hành các hệ thống trên, nhu cầu trao đổi, luân chuyển văn bản trong các cơ quan Nhà nước ở tỉnh ngày càng tăng. Một vấn đề đặt ra là cần có giải pháp vừa bảo đảm an toàn thông tin, vừa đảm bảo tính chính xác nội dung thông tin được gửi nhận qua mạng. Với công nghệ phát triển như hiện nay, vấn đề này được giải quyết bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó chữ ký số là một trong những giải pháp hiện đại, an toàn, hiệu quả nhất. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai ứng dụng chứng thư chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, việc triển khai thực hiện chữ ký số tích hợp vào phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Như vậy, điều kiện cần là các cơ quan của tỉnh phải vận hành tốt phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã thực hiện ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Việc triển khai ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tại các đơn vị cơ bản đã vận hành ổn định và đem lại hiệu quả cao trong công việc; cán bộ, công chức, viên chức chủ động, thường xuyên sử dụng hệ thống để tiếp nhận và xử lý văn bản đi, đến. Một số cơ quan, đơn vị đã tích cực triển khai và sử dụng rất hiệu quả phần mềm như: Văn phòng UBND tỉnh, UBND huyện Hàm Yên, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Tuyên Quang, Sở Tư pháp... Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai ứng dụng chữ ký số trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, việc triển khai áp dụng chữ ký số trên địa bàn tỉnh được thực hiện trong 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 được thực hiện ngay trong năm 2017 sẽ cung cấp chuyển giao chứng thư số chuyên dùng cho 39 cơ quan, đơn vị (gồm: Văn phòng UBND, HĐND tỉnh; 30 sở, ban, ngành và 7 huyện, thành phố). Giai đoạn 2 thực hiện trong năm 2018, sẽ chuyển giao chứng thư số chuyên dùng cho các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện, thành phố và 141 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 3 thực hiện trong năm 2019 sẽ cung cấp chứng thư số cho cá nhân gồm các lãnh đạo, Chánh văn phòng các đơn vị: HĐND, UBND tỉnh, sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; trưởng, phó các phòng, ban chuyên môn trực thuộc các huyện, thành phố; Chủ tịch, Phó Chủ tịch 141 xã phường, thị trấn. Mục tiêu hướng tới đến năm 2020, 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ứng dụng chữ ký số trong việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước; 80% văn bản, tài liệu chính thức giữa các cơ quan Nhà nước của tỉnh được trao đổi dưới dạng điện tử và được xác thực bằng chữ ký số. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, việc ứng dụng chữ ký số, đòi hỏi người sử dụng phải thay đổi nhận thức và thói quen. Để ứng dụng triệt để chữ ký số, việc trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước phải được triển khai hoàn toàn theo hình thức điện tử. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần bảo đảm các yếu tố hạ tầng công nghệ thông tin với hệ thống mạng hoạt động ổn định, đường truyền tốc độ cao kết nối mạng truyền số liệu hoặc mạng Internet. Cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin phải có khả năng hỗ trợ người dùng tại các đơn vị. Các cơ quan, đơn vị cần ban hành các quy định, quy chế về quản lý, lưu trữ và sử dụng chữ ký số, phấn đấu từng bước xây dựng chính quyền điện tử tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức các Hội nghị, hội thảo giữa các cơ quan, tổ chức chính trị và các doanh nghiệp; đào tạo, hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho đội ngũ văn thư, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, cán bộ, công chức tại các cơ quan theo kế hoạch đề ra. Thanh Phúc |