BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Xây dựng chính quyền điện tử: Quảng Ninh chuyên nghiệp hóa nền hành chính

29/09/2017 13:16

Ngày 28/9/2012, UBND tỉnh có Quyết định số 2459/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử giai đoạn 2012-2014. Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng: 12/12 dự án, chương trình đã hoàn thành; nhiều mục tiêu vượt chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2015, Quảng Ninh đã bước vào thực hiện giai đoạn 2 của Đề án. Đến nay, có thể khẳng định, hiệu quả từ Đề án đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, cải cách hành chính và nâng cao năng lực các chỉ số cạnh tranh của tỉnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung tâm Hành chính công TP Uông Bí, tháng 4/2016

Hoàn thiện hạ tầng cốt lõi

Triển khai thực hiện Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm, trực tiếp chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản nhằm thống nhất quan điểm, nội dung cách thức tổ chức thực hiện. Cụ thể, Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 997-QĐ/TU ngày 06/3/2013 Thành lập Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và Trung tâm HCC; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3152/QĐ-UBND ngày 28/11/2012 về việc thành lập Ban Quản lý điều hành dự án Xây dựng Chính quyền điện tử để chỉ đạo điều hành và triển khai nhiệm vụ; 14/14 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, một số địa phương như: Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả,… do đồng chí Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo để tổ chức thực hiện tại địa phương. Việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban điều hành giúp cho quá trình chỉ đạo, thực hiện Đề án được quan tâm, rõ trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ và đưa kết quả của Đề án vào cuộc sống.

Với Đề án Chính quyền điện tử, Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ sớm xây dựng và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của các cơ quan Nhà nước, lấy người dân làm trung tâm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời thực hiện đào tạo nguồn nhân lực vận hành hiệu quả hệ thống chính quyền điện tử, gắn xây dựng chính quyền điện tử với trung tâm dịch vụ hành chính công và cải cách thủ tục hành chính.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo triển khai xây dựng Chính quyền điện tử và Trung tâm HCC do đó, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đạt hiệu quả Đề án. Giai đoạn I, 22/22 mục tiêu của đã hoàn thành, nhiều mục tiêu hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra. Hạ tầng cốt lõi của Chính quyền điện tử cơ bản đã hoàn thành theo mô hình tập trung, thuận lợi trong quản lý, vận hành: Trung tâm tích hợp dữ liệu, Trung tâm mạng máy tính Văn phòng Tỉnh ủy, Mạng diện rộng kết nối thống nhất các sở ngành, địa phương, 15 Trung tâm HCC và mô hình một cửa hiện đại cấp xã làm nền tảng cho ứng dụng công nghệ thông tin.

Các hệ thống thuộc Chính quyền điện tử được triển khai trong toàn tỉnh đã tạo ra môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp. Ước tính tiết kiệm chi phí hành chính trên 10 tỷ đồng, tiết kiệm chi phí xã hội trên 80 tỷ đồng. Góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao. Hiện nay, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về việc ứng dụng công nghệ thông tin và xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố về chỉ số ICT Index, chỉ số PAPI của tỉnh qua các năm đều được nâng cao so với các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Chính quyền liêm chính, minh bạch

Quảng Ninh đã xây dựng được mô hình kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh phù hợp với hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, thuận lợi cho phát triển trong giai đoạn tiếp theo, làm cơ sở triển khai mô hình thành phố thông minh trong thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Đến nay, tổng số TTHC thực hiện tại Trung tâm HCC tỉnh là 1.146/1.238 TTHC chiếm 92,6%; 20/20 sở, ban, ngành đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu phấn đấu thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm HCC tỉnh.

Hiện 800/1.146 TTHC đã thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại Trung tâm HCC tỉnh đạt 69,8% tổng số thủ tục; 100% các địa phương đã thành lập Trung tâm HCC; 125/186 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã triển khai bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Các Trung tâm HCC và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại đi vào hoạt động đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Về thực hiện kết nối liên thông đến 186 xã, phường, thị trấn, theo báo cáo của Sở TT&TT, đến nay 100% xã, phường, thị trấn đã có internet cơ bản đảm bảo khai thác sử dụng các hệ thống thông tin của chính quyền điện tử (tuy nhiên, một số xã đảo chưa có ADSL hoặc cáp quang phải kết nối internet bằng 2G, 3G nên việc khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin của chính quyền điện tử tỉnh còn hạn chế).

Việc triển khai Đề án Chính quyền điện tử thành công đã làm thay đổi nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, chuyển từ lề lối làm việc giấy tờ sang phong cách làm việc mới trên môi trường mạng; thay đổi căn bản ý thức, cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nâng cao nguồn nhân lực lãnh đạo CNTT; cán bộ chuyên trách CNTT của các sở, ban, ngành và 14 địa phương nhằm từng bước hoàn thiện nguồn nhân lực cho việc quản lý, khai thác và vận hành hệ thống Chính quyền điện tử;...

Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng Đề án Chính quyền điện tử giai đoạn II trên cơ sở phát huy hiệu quả, kết quả của Giai đoạn I với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, gắn với cải cách hành chính và xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả cao; đồng thời là thành phần cốt lõi để triển khai mô hình thành phố thông minh, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường sống trong sạch, an toàn, nhiều tiện ích phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp và khách du lịch.

Đồng thời, tập trung xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại 186 xã, phường đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp; kết nối liên thông với Trung tâm HCC cấp huyện và tỉnh để thực hiện hiệu quả việc giải quyết TTHC từ cấp xã đến cấp tỉnh thống nhất, đồng bộ.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm HCC thông qua việc thực hiện ứng dụng hiệu quả CNTT trong giải quyết công việc, kết hợp với việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp và có kỹ năng thuần thục cùng với việc thực hiện ủy quyền tối đa, coi đây là giải pháp chiến lược, đột phá trong cải cách hành chính nói chung và chuyên nghiệp hóa nền hành chính nói riêng.

Hồng Nhung

Theo: baoquangninh.com.vn

Tìm kiếm