Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã xác định chủ trương “thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực”. Thể chế hóa quy định này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 đã bổ sung quy định “thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của Luật này. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả” và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Khó bảo đảm tính khả thi
Tháng 2/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, có hiệu lực thi hành từ tháng 4/2023. Tại Điều 12 Nghị định (Điều khoản chuyển tiếp) quy định kể từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định; khoản 2 Điều 13 Nghị định bãi bỏ quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP (về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức), bao gồm các quy định liên quan đến tổ chức thi vòng 1 (môn Kiến thức chung, Ngoại ngữ, Tin học) và trình tự, thủ tục tổ chức thi vòng 1, kể từ ngày 1/8/2024.
Thực hiện Nghị định số 06, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 17/2023/TT-BNV quy định nội quy và quy chế tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan ban hành danh mục tài liệu dùng cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi và đáp án phục vụ kiểm định chất lượng đầu vào công chức và các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Cuối tháng 11/2023, Bộ Nội vụ đã tổ chức Kỳ thi thử nghiệm kỹ thuật kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm đánh giá chất lượng câu hỏi kiểm định được xây dựng; mức độ phù hợp của câu hỏi và đáp án đáp ứng yêu cầu kiểm định theo quy định của Nghị định số 06 (phạm vi đánh giá và mức độ cân bằng giữa năng lực tư duy, kiến thức và hiểu biết chung; tương quan giữa độ khó của câu hỏi và thời gian làm bài của thí sinh...); mức độ đáp ứng của các điều kiện đảm bảo, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ kiểm định. Từ đó, có cơ sở điều chỉnh cách thức, các tiêu chí xây dựng câu hỏi, đáp án, hiệu chỉnh hệ thống công nghệ thông tin và bổ sung kinh nghiệm thực tế triển khai tổ chức kiểm định. Kỳ thi này có trên 100 sinh viên năm cuối của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Hành chính Quốc gia (là các trường có nhiều kinh nghiệm tổ chức đánh giá năng lực và đang trực tiếp tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi và đáp án kiểm định) đăng ký làm tình nguyện viên.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho biết, quá trình thực hiện phát sinh một số khó khăn về kinh nghiệm tổ chức, thủ tục thực hiện chủ trương đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào. Quy mô và phạm vi tổ chức tương đối lớn, do đó khối lượng công việc thực hiện là rất lớn, cần có thêm thời gian để thực hiện bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Các công việc cần thực hiện từng bước, có lộ trình và bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tuyển dụng của bộ, ngành, địa phương.
“Nếu giữ quy định kể từ ngày 1/8 năm nay chỉ thực hiện tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định sẽ khó bảo đảm tính khả thi, ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyền lợi của người dự tuyển”, Bộ Nội vụ nêu rõ.
Đề xuất bỏ quy định từ ngày 1/8 chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc này, trung tuần tháng 3 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến về việc sửa đổi quy định về thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Sau khi nhận được văn bản thống nhất của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho phép sửa đổi quy định về thực hiện Nghị định số 06.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có ý kiến chỉ đạo Bộ Nội vụ báo cáo, làm rõ việc đề xuất để Chính phủ xem xét, quyết định, làm căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương thống nhất thực hiện và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quá trình áp dụng.
Từ các ý kiến này và thực tế triển khai các quy định liên quan đến thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào, Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ cho phép bãi bỏ Điều 12 và khoản 2 Điều 13 Nghị định số 06. Đồng thời, bổ sung quy định cho phép thí sinh dự thi nếu đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức còn trong thời hạn thì không phải dự thi vòng 1.
Để kịp thời giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong tuyển dụng công chức, Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 theo thủ tục rút gọn. Nội dung sửa đổi, bổ sung sẽ được quy định tại Điều 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2020/NĐ- CP (hiện Bộ Nội vụ đang đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Nghị định 138).
Theo Bộ Nội vụ, việc bỏ quy định nêu trên phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức tiếp tục thực hiện đầy đủ thẩm quyền tuyển dụng theo quy định. Theo đó, các cơ quan chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng, tổ chức tuyển dụng và vẫn tổ chức thi vòng 1 theo quy định hiện hành, không phụ thuộc vào việc thí sinh phải có kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức mới được tham dự kỳ tuyển dụng.
Đồng thời, Bộ Nội vụ vẫn tiếp tục thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo đúng chủ trương đã được đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII và quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, thực hiện đúng yêu cầu thống nhất kiểm định theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.