Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các bộ ngành, địa phương, tổ chức hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Sáng ngày 07/11, tiếp tục phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội dành nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về vấn đề xây dựng vị trí việc làm và thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.
Xem xét chuyển 7.000 viên chức thành công chức
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cho biết, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời sẽ sớm giải quyết tình trạng một số cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng chưa được giao biên chế công chức.
“Xin hỏi Bộ trưởng với trách nhiệm của mình, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã có ý kiến đề xuất gì để giải quyết vấn đề nêu trên? Việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho đội ngũ này như thế nào trong thời gian tới?", đại biểu Nguyệt nêu câu hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay đang tồn tại một số cơ quan quản lý nhà nước nhưng biên chế viên chức.
Theo bà Trà, sự tồn tại này thuộc các khối như lực lượng kiểm lâm của các vườn quốc gia, thanh tra giao thông, kiểm dịch động vật… Điều này tồn tại trước khi có Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010.
“Tổng số viên chức này đến thời điểm ngày 31/12/2022 là hơn 7.000 người. Thực chất khi báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, chúng tôi đã báo cáo thực trạng này. Đây là sự tồn tại của lịch sử, cần phải chuyển vị trí viên chức để trở thành công chức, để sau này bảo vệ quyền lợi và chế độ cho họ”, bà Trà nói.
Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ, Báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế liên quan vấn đề này. Hiện nay, Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đang xem xét để điều chuyển số viên chức đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước để trả lại là công chức nhằm thực hiện đúng chính sách cho họ.
“Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị Ban Chỉ đạo của Trung ương về quản lý biên chế để chúng ta bảo đảm được việc thực hiện chính sách tiền lương đối với công chức khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các cơ quan trên”, bà Trà chia sẻ.
Xây dựng vị trí việc làm để cải cách chính sách tiền lương
Nêu vấn đề tại hội trường, theo đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông), việc xây dựng vị trí việc làm rất quan trọng để thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Tuy nhiên, việc này đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu Phạm Thị Kiều, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng vị trí việc làm để chuẩn bị cho chính sách cải cách tiền lương cũng như việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và xác định trách nhiệm công vụ là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Theo bà Trà, đến thời điểm này đã hoàn thành xong danh mục vị trí việc làm. Đối với cơ quan tổ chức hành chính có 866 vị trí, đơn vị sự nghiệp 615 vị trí và cán bộ công chức cấp xã là 17 vị trí.
Đặc biệt, trong các chức danh vị trí lãnh đạo, đến nay có kết luận số 35 của Bộ Chính trị. Cụ thể, chức danh, chức vụ lãnh đạo có tổng số lượng lãnh đạo là 232 vị trí từ trung ương đến cấp xã.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, từ năm 2016 đến nay, theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế của Bộ Chính trị thì cơ bản các bộ ngành, địa phương đã xây dựng vị trí việc làm. Tuy nhiên, chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo khoa học và căn cơ…
“Việc xây dựng vị trí việc làm để chúng ta thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, đáp ứng được tinh thần của chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói và đề nghị các bộ ngành, địa phương và tổ chức sớm xây dựng xong vị trí việc làm để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.