Thủ tướng lo ngại gia tăng số lượng công chức, viên chức
Ngày 29/12, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ lo ngại về việc số lượng cán bộ công chức, viên chức ngày càng gia tăng trong khi vẫn đang tiến hành các biện pháp để tinh giản biên chế.
Thủ tướng chỉ rõ: “Trong khi chúng ta kêu gọi tinh giản biên chế mà viên chức lại tăng lên rất mạnh. Cả nước có 55.851 đơn vị sự nghiệp, 2 triệu viên chức. Bây giờ cả Trung ương, cả hệ thống chính trị có 300.000 người, chưa kể công an, quân đội”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng, thời gian qua chúng ta buông lỏng, quản lý không chặt chẽ các đơn vị sự nghiệp.
 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ lo ngại về việc càng tinh giản biên chế thì số lượng cán bộ công chức, viên chức ngày càng tăng do việc quản lý không chặt chẽ. |
Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết đến nay trong số 63 tỉnh thành thì có tới 11 tỉnh thành sử dụng biên chế vượt chỉ tiêu chính phủ giao.
“Đề nghị các tỉnh tự giải quyết để đảm bảo ổn định, kỷ cương về biên chế” - Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Nội vụ khẳng định đến năm 2015, chỉ có 27 đơn vị sự nghiệp của tỉnh, thành phố có trao đổi để Bộ Nội vụ thống nhất thẩm định, còn lại các địa phương thì làm theo cách cũ, không đúng Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhận định, tinh giản biên chế ở các đơn vị sự nghiệp là việc cực kỳ khó và phải tập trung, quyết liệt.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, qua 5 năm thực hiện Nghị định 132 của Chính phủ về tinh giản biên chế, đến cuối năm 2012, tổng số biên chế cán bộ, công chức (CBCC) từ Trung ương đến cấp huyện tăng thêm 388 – 480 người và CBCC cấp xã tăng hơn 14.000 biên chế).
Tổng biên chế cả nước năm 2013 cũng tăng hơn năm 2012. Riêng Hà Nội, tổng biên chế năm 2013, so với trước khi có chủ trương tinh giản biên chế tăng 4.704 người. Nhiều tỉnh có số biên chế rất cao, như Nghệ An 18.000 người, Thanh Hóa 17.300 người, nhiều hơn cả CBCC ở TP. Hồ Chí Minh - nơi có số dân đông nhất và nhiều cơ quan hành chính công.
Điều đáng nói, trong khi các nỗ lực cắt giảm biên chế đang thực hiện thì nhiều bộ, ngành, địa phương tiếp tục có văn bản đề nghị xin thêm biên chế.
Theo Nghị định 36 của Chính phủ, số Thứ trưởng ở mỗi bộ không vượt quá 4 người, nhưng thực tế đại đa số các bộ hiện nay đều có số Thứ trưởng nhiều hơn nghị định, trong đó có 1 bộ có đến 9 Thứ trưởng, 4 bộ có 7 Thứ trưởng, 9 bộ có 6 Thứ trưởng, 7 bộ có 5 Thứ trưởng. Tại Văn phòng Quốc hội, có đến 836 cán bộ, đông hơn cả văn phòng Chính phủ, trong số này có 214 người không có kỹ năng chuyên môn về công tác văn phòng.
Những mục tiêu, nhiệm vụ mới trong năm 2016
Cũng tại Hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành nhiều thời gian để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu trong năm 2015 và nêu nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2016.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành xử lý theo thẩm quyền, trách nhiệm trong phạm vi quản lý; vấn đề vượt thẩm quyền thì phải báo cáo với tinh thần cùng nhau tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để đạt mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra cho năm 2016.
Nhìn lại một năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, dù tình hình kinh tế, chính trị, an ninh của thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, trong nước còn nhiều hạn chế, yếu kém nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và nỗ lực của cộng đồng, doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực cả về kinh tế, giáo dục, y tế, việc làm.
Theo Thủ tướng những kết quả đạt được tạo tiền đề thuận lợi để chúng ta có quyết tâm đạt kết quả tốt hơn, cao hơn, vững chắc hơn trong năm 2016 cũng như 5 năm tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng trong 2 ngày làm việc, kiến nghị của một số địa phương đều liên quan đến cơ chế, chính sách, những quy định từ văn bản pháp quy, vì vậy theo Thủ tướng để phát triển, đầu tư hiệu quả thì việc quản lý chặt chẽ là đúng nhưng cũng phải tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong làm ăn sinh sống, phát triển sản xuất kinh doanh.