BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Xóa bỏ sự bất hợp lý của hệ thống hộ khẩu sẽ mang lại lợi ích cho người dân

19/06/2016 08:26

Muốn xin hộ khẩu mất rất nhiều tiền, khoảng 2,2% người tạm trú phải nộp phạt hoặc hối lộ, lót tay liên quan đến hộ khẩu, 53% người tạm trú muốn chuyển sang hộ khẩu thường trú là kết quả khảo sát tại 5 tỉnh, thành là Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đà Nẵng và Đắk Nông. Đó là những con số được đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo Nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam, do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng thế giới công bố sáng 16-6.

Những rào cản liên quan đến hộ khẩu

Trình bày nghiên cứu về hệ thống hộ khẩu ở Việt Nam – đặc điểm và cách tiếp cận dịch vụ, ông Vũ Hoàng Linh, chuyên gia kinh tế Ngân hàng thế giới cho biết, từ sau đổi mới, vai trò của hộ khẩu đã giảm đi. Đến khi Luật Cư trú 2006 ra đời đã có thay đổi quan trọng và nới lỏng về quản lý hộ khẩu, khẳng định quyền tự do cư trú của công dân như qui định của Hiến pháp. Tuy nhiên, khi Luật Cư trú sửa đổi 2013 lại thắt chặt hơn qui định về thường trú với các TP trực thuộc Trung ương (từ 1 năm lên 2 năm cư trú liên tục), còn Luật Thủ đô thì qui định điều kiện để thường trú ở Hà Nội là 3 năm tại các quận nội thành.

Qua khảo sát cho thấy, tại 5 tỉnh, thành là Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đà Nẵng và Đắk Nông, có 5,8 triệu người không có hộ khẩu, trong đó hầu hết là tạm trú dài hạn (1 năm trở lên) với 60% cư dân ở Bình Dương, 13% tại Hà Nội và TP HCM là 22% là người tạm trú.

Đáng quan tâm, người tạm trú gặp phải phân biệt đối xử trong việc làm ở khu vực công nhưng không gặp phải trong khu vực tư. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, không có sự khác biệt về tiền lương giữa người có hộ khẩu thường trú và tạm trú. Tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đều yêu cầu hộ khẩu bắt buộc với thi tuyển công chức thông thường nhưng miễn yêu cầu này với trường hợp đặc biệt như thủ khoa, thạc sĩ, tiến sĩ loại giỏi. “Đây là một rào cản cho những người không có hộ khẩu TP muốn xin việc ở TP”, ông Linh nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm rào cản trong việc có hộ khẩu thường trú.     Ảnh: P.Thảo

1/4 số trẻ tạm trú không có thẻ bảo hiểm y tế

Kết quả khảo sát cũng cho biết, trẻ tạm trú dễ bị thiệt thòi hơn trong việc đi học ở cấp THCS và THPT và trẻ tạm trú dễ đi học trường tư hơn nhất là ở cấp mẫu giáo. Nhìn chung, các hộ gia đình tạm trú phải trả nhiều tiền hơn so với hộ thường trú cho giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, mặc dù có chính sách trên toàn quốc về việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi nhưng 1/4 số trẻ tạm trú vẫn không có thẻ bảo hiểm y tế và những người tạm trú phải chi tiêu nhiều hơn cho y tế. Các hộ gia đình tạm trú cũng ít có khả năng đưa vào danh sách hộ nghèo hơn so với hộ thường trú là 2%.

Ngoài thiệt thòi trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, xin việc làm, người tạm trú còn chịu thiệt khi phải đóng tiền điện cao hơn. Hiện, Luật Điện lực cho phép áp dụng thang giá lũy tiến với người thuê nhà không có hộ khẩu nhưng theo ông Linh, trong thực tế, điều này rất khó được vận dụng vì chủ nhà trọ thấy phức tạp, mất thời gian làm thủ tục nên không thực hiện.

Nhiều người tạm trú than phiền muốn xin hộ khẩu mất rất nhiều tiền (2%), và khoảng 2,2% phải hối lộ liên quan đến hộ khẩu. 53% người tạm trú muốn chuyển sang hộ khẩu thường trú, tuy nhiên, điều này không dễ dàng.

TS. Gabriel Demombynes, làm việc tại Ngân hàng thế giới, cho biết, qua khảo sát có 70% người dân cho rằng hộ khẩu làm hạn chế quyền của người tạm trú, hơn 50% cho rằng gây ra phân biệt đối xử và gần 60% cho rằng hộ khẩu góp phần làm tăng tiêu cực, tham nhũng. Từ kết quả khảo sát, ông Gabriel Demombynes cho rằng, cần giảm rào cản trong việc có hộ khẩu thường trú (giảm thời gian yêu cầu cư trú tối thiểu, hạn chế qui định có thể đặt ra cho người đăng ký hộ khẩu) và loại bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ giữa người có hộ khẩu thường trú và tạm trú (đảm bảo việc miễn phí bảo hiểm y tế cho tất cả trẻ dưới 6 tuổi trên thực tế và bãi bỏ qui định cần có hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, bỏ đăng ký xe máy phải có hộ khẩu…). 

Hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cơ hội cho người dân Việt Nam là nhìn nhận của ông Achim Fork, quyền GĐ quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. Ông Achim Fork cho rằng, cần có các cải cách hơn nữa để đảm bảo người nhập cư có khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như những người khác. “Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các TP và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam”, ông Achim Fork nói.

Ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, hiện có đến 20 TTHC cần xuất trình sổ hộ khẩu. Ông Anh cho rằng, hiện đã có nhiều dấu hiệu đổi mới về căn cước, cơ sở dữ liệu dân cư, nhưng phải có sự kết nối giữa các Bộ, ngành với nhau. Có những thủ tục không cần hộ khẩu mà người quản lý vẫn đòi xuất trình hộ khẩu hoặc bản sao hộ khẩu, khiến người dân mất nhiều thời gian, công sức. “Đẩy mạnh CCHC đừng quên hộ khẩu, quản lý là cần thiết, nhưng quản lý ở mức độ thuận tiện cho người dân chứ không nên đẩy việc khó cho người dân”, ông Anh nói và cho rằng, hệ thống hộ khẩu cần được thay thế bởi một công cụ hiện đại và khoa học hơn, qua đó tạo điều kiện dễ dàng và hòa nhập hơn cho cuộc sống người dân.

Theo http://phapluatxahoi.vn/
Tìm kiếm