BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tản quyền Thủ tướng xuống các bộ, địa phương

07/12/2021 10:36

Việc xây dựng và ban hành một luật sửa tám luật nhằm phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục trong đầu tư, kinh doanh…

Ngày 3-12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ các nội dung dự kiến trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ sáu, diễn ra từ ngày 8-12.

Một trong những nội dung quan trọng của phiên họp là xem xét, thẩm tra sơ bộ dự luật sửa tám luật mà Chính phủ trình ngày 1-12.

Tám luật được trình sửa đổi, bổ sung gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Tản quyền Thủ tướng xuống các bộ, địa phương - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày dự luật. Ảnh: QH

Thủ tướng chỉ quyết định dự án nhóm A

Xếp hàng đầu trong danh sách sửa đổi, bổ sung lần này là Luật Đầu tư công. Tờ trình của Chính phủ nêu: Các chương trình, dự án nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thường có số lượng nhiều, quy mô không lớn. Nếu theo đúng quy trình thì sẽ phải trình Thủ tướng ba lần, dẫn đến nhiều dự án bị chậm thực hiện và giải ngân, thậm chí phải gia hạn hiệp định.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm để phân quyền quyết định chủ trương đầu tư từ Thủ tướng cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh.

Các chủ thể này được quyền quyết định chủ trương các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; đồng thời quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Để đảm bảo điều này, quy định được bổ sung vào Luật Đầu tư công theo hướng: “Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) trong phạm vi tổng số kế hoạch vốn trung hạn được QH quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn”.

Nếu phân cấp như vậy, Chính phủ chỉ giữ nguyên thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A cho Thủ tướng như Luật Đầu tư công hiện hành.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng này: Thủ tướng sẽ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh được phân quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Khơi thông nguồn lực

Kỳ họp thứ hai vừa qua, QH đã đưa ra các gợi mở cải cách thể chế nhằm khơi thông nguồn lực. Điều này sẽ giải quyết được các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.

Yêu cầu ấy cũng chính là nguyên nhân để QH dự tính một kỳ họp bất thường để giải quyết vấn đề cấp bách, trong đó có một luật sửa tám luật.

ÔngVŨ HỒNG THANH,Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế

Theo https://plo.vn/
Tìm kiếm