BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


ĐBQH khóa XIII Đặng Đình Luyến: Lựa chọn nội dung cần thiết và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin tới người dân

08/04/2022 10:32

Đồng tình với việc phải sớm ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, ông Đặng Đình Luyến - ĐBQH khóa XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời góp ý một số nội dung cụ thể liên quan đến quy định về nội dung, hình thức, thời điểm công khai thông tin,…

Ông Đặng Đình Luyến - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ông Đặng Đình Luyến cho rằng, việc sớm ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các Nghị quyết  khác có liên quan của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và thực tiễn thực hiện trong những năm qua.

Góp ý vào dự thảo Luật, ông Đặng Đình Luyến tán thành cần công khai các nội dung có liên quan đến người dân để Nhân dân biết, tham gia ý kiến, quyết định và thực hiện. Tuy nhiên, các nhóm nội dung nêu tại Điều 10 của dự thảo luật là quá nhiều, có nhiều nội dung quy định tại các khoản 2 (liên quan ngân sách của cấp xã), khoản 3 (Dự án công trình đầu tư và tình hình triển khai…), khoản 4 (về nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức …), khoản 8 (liên quan đến nghĩa vụ quân sự, công an), v v …là không thực sự cần thiết phải công khai để mọi người dân cần biết; nếu công khai tất cả sẽ rất khó bảo đảm tính khả thi trong thực tế. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lựa chọn những nội dung thực sự cần thiết có liên quan đến người dân để công khai.

Về các hình thức, thời điểm công khai, ông Đặng Đình Luyến kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ khoản 2 Điều 11 của dự thảo Luật, bởi khoản 2 này thực chất là sao chép lại quy định của khoản 2 Điều 18 của Luật Tiếp cận thông tin 2016 là không phù hợp với quy định khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hơn nữa quy định này không phù hợp với các hình thức công khai thông tin ở cấp cơ sở.

Liên quan đến hình thức công khai, theo ông Đặng Đình Luyến chỉ cần giữ lại khoản 1 Điều 11 của dự thảo Luật là đủ. Cụ thể, các nội dung quy định tại Điều 10 của Luật này được công khai bằng một hoặc một số hình thức sau đây: niêm yết công khai thông tin tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã và nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, điểm sinh hoạt cộng đồng; Đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã (Nơi có thì thực hiện, còn không có thì thực hiện như nào?); Công khai thông tin trên hệ thống truyền thanh của cấp xã và các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.…. Ngoài 7 hình thức nêu trên, nếu cơ quan soạn thảo thấy có hình thức công khai cụ thể khác thì bổ sung vào khoản 1 Điều 11 của dự thảo luật.

Liên quan đến quy định về thời điểm công khai thông tin, ông Đặng Đình Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ thời điểm công khai được áp dụng theo điều, khoản nào của Luật tiếp cận thông tin để tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm điều, khoản của luật để thực hiện, bảo đảm việc áp dụng thống nhất.

Mặt khác cũng cân nhắc lại nếu quy định như dự thảo luật, tức là sẽ áp dụng khoản 4 Điều 18 của Luật tiếp cận thông tin 2016: “Thời điểm công khai thông tin đối với từng lĩnh vực được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp pháp luật chưa có quy định thì chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày tạo ra thông tin, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải công khai thông tin”. Thời điểm công khai thông tin trong Luật tiếp cận thông tin là áp dụng đối với việc công khai thông tin ở phạm vi cả nước, nhất là công khai các văn bản pháp luật của Trung ương thì phù hợp, nên lấy quy định của Luật tiếp cận thông tin áp dụng cho thời điểm công khai ở cấp cơ sở thì không phù hợp. Vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc vấn đề này.

Về Công khai bằng hình thức đăng tải trên trang, cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã: Khoản 1 Điều 13 của dự thảo Luật quy định “Tại nơi đã thiết lập trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử cấp xã, chính quyền địa phương cấp xã có trách nhiệm đăng tải trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã nội dung thông tin quy định tại Điều 10 của Luật này”.

Thực tiễn hiện nay ở hầu hết các xã vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo …. là chưa thiết lập trang, cổng thông tin điện tử cấp xã, cho nên chưa thể áp dụng hình thức công khai này được. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ trong trường này thì áp dụng hình thức công khai nào để thay thế hình thức công khai trên trang, cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã. Tham khảo Luật Tiếp cận thông tin có quy định rõ: “Trường hợp cơ quan nhà nước chưa có cổng thông tin điện tử và trang thông tin điện tử, căn cứ vào điều kiện thực tế, có trách nhiệm công khai thông tin bằng hình thức thích hợp khác”.

Đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ: trường hợp công khai trên trang, cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã, thì dự thảo Luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan đã công khai thông tin trên trang, cổng thông tin điện tử phải có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ, tài liệu đã được nhập vào danh mục và phải xếp loại theo cách thức, hình thức tạo thuận lợi cho việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; bảo đảm thông tin có thể được lưu trữ điện tử, phải được số hóa trong một thời hạn thích hợp và được để mở cho mọi người tiếp cận; …..

Về tổ chức thực hiện nghị quyết của Cộng đồng dân cư: Khoản 1 Điều 21 của dự thảo Luật quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức thực hiện Nghị quyết của cộng đồng dân cư.”

Dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện nghị quyết của Cộng đồng dân cư là không đúng, không phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã. Vì vậy, đề nghị sửa lại khoản 1 này theo hướng: Người đứng đầu Cộng đồng dân cư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác tổ chức việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Cộng đồng dân cư. Đồng thời quy định rõ Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Cộng đồng dân cư và báo cáo với Hội đồng nhân dân về việc thực hiện Nghị quyết của Cộng đồng dân cư tại kỳ họp gần nhất.

Về Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ; làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành: Khoản 1 Điều 27 của dự thảo Luật quy định: “Trước khi ký ban hành quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ; làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành, trừ quyết định hành chính có nội dung thuộc bí mật nhà nước và quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: …..”  

Theo dự thảo Luật, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân được quyền ban hành quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ; làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của cá nhân là không không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định khoản 1 Điều 27 của dự thảo Luật.

Về giám sát của Nhân dân: Khoản 2 Điều 29 của dự thảo Luật quy định “Nhân dân thực hiện giám sát thông qua hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”.

Quy định như dự thảo Luật là không rõ ràng, không rõ quy trình nhân dân sẽ tham gia giám sát thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân như thế nào? bởi vì Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và  Hội đồng nhân dân 2015 chỉ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và của Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân. Hơn nữa, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân mang tính quyền lực nhà nước, còn giám sát của Nhân dân mang tính nhân dân. Trong các quy trình, thành phần giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân không quy định sự tham gia của Nhân dân. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ khoản 2 Điều 29 của dự thảo luật. 

Ngoài ra, ông Đặng Đình Luyến cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo làm tính khả thi, tính hiệu quả của quy định cuối khoản 1 Điều 12 của dự thảo Luật quy định “Những nội dung quy định tại các khoản 2, 6, 7, 8, 10 và 12 Điều 10 Luật này được công khai …. hoặc gửi trực tiếp bằng văn bản đến Nhân dân”. Nếu thực hiện thì thực hiện như thế nào? Gửi trực tiếp văn bản đến từng người dân hay cho những người dân nào?;…

 

Nguồn: quochoi.vn

Tìm kiếm