Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về tôn giáo; các nhà quản lý nhà nước về tôn giáo; Tổng Giám mục, giám mục, linh mục, tu sỹ Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Trước khi chính thức Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thành kính dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng khẳng định, Thư của Giáo hoàng Phanxicô năm 2023 được coi là một dấu mốc lịch sử trong quan điểm, đường lối, chủ trương của Tòa thánh Vatican, Giáo hội Công giáo Việt Nam đối với quan hệ Việt Nam - Vatican nhân dịp công nhận thỏa thuận về Quy chế Đại diện Thường trú của Tòa thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.
Hội thảo nhằm làm rõ hơn những giá trị thực tiễn đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, đối với xã hội và đất nước Việt Nam trong mối quan hệ hòa hợp và hiệp hành, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Công giáo Việt Nam trong cộng đồng xã hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm trong vai trò là người Công giáo tốt; đồng thời, là người công dân tốt theo chỉ dẫn của Giáo hoàng Phanxicô qua Thư gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Hiện nay, Công giáo Việt Nam có mặt ở 63/63 tỉnh, thành phố, với 03 giáo tỉnh, 27 giáo phận, khoảng trên 3.000 giáo xứ, trên 7,2 triệu tín đồ. Thời gian qua, với đường hướng hoạt động “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo đã đồng hành cùng chính quyền các cấp, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất tại địa phương, góp phần vào sự phát triển, ổn định kinh tế xã hội, của đất nước, nổi bật là công tác bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục.
Hội thảo đã nhận được 21 bài tham luận và các ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, các giám mục, linh mục, tu sỹ và các nhà quản lý nhà nước về tôn giáo với các nội dung chủ yếu tập trung vào việc phân tích mục đích, ý nghĩa của nội dung Thư của Giáo hoàng Phanxicô gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam trong bối cảnh tình hình quan hệ hai bên phát triển; những chuyển biến trong mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội, những bước tiến trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican trong thời gian vừa qua.
Các tham luận cũng làm rõ đường hướng tốt đẹp và đóng góp của Giáo hội Công giáo Việt Nam qua chỉ dẫn của Giáo hoàng, Thư Chung 1980 trong các hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, tấm gương điển hình trong đoàn kết yêu nước của Công giáo Việt Nam; những trao đổi về những tiến triển trong quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh Vatican, đóng góp của Công giáo Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hai bên, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp đối với các cấp chính quyền nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho Công giáo tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện xã hội,…
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng ghi nhận và đánh giá cao các tham luận tại Hội thảo về những nội dung, giá trị trong Thư của Giáo hoàng Phanxicô và những đóng góp của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Với những ý nghĩa, giá trị thiết thực của Thư Chung, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng mong muốn mỗi chức sắc, tu sỹ Công giáo sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa cộng đồng Công giáo và dân tộc Việt Nam; đồng thời, lan tỏa giá trị Thư của Giáo hoàng để động viên đồng bào Công giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; phát huy nguồn lực của Công giáo trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
Đối với các cấp chính quyền, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật về tôn giáo; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, triển khai thông tin đối ngoại lĩnh vực tôn giáo, nhất là thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Vatican và chuyến viếng thăm của Giáo hoàng theo lời mời của Chủ tịch nước. Đồng thời, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật, hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.
Thứ trưởng cũng đề nghị Giáo hội Công giáo Việt Nam và chính quyền các cấp nhất là cấp cơ sở địa phương cần phối hợp chặt chẽ, kiên trì và hiệu quả hơn nữa để cùng nhau quán triệt, lan tỏa tinh thần Thư Chung 2023 của Giáo hoàng Phanxicô một cách sâu rộng trong quần chúng để củng cố tạo thêm sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.