BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội nghị phổ biến và triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng

09/07/2014 12:01

Sáng ngày 09/7/2014, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phổ biến và triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (Hội nghị).

Thứ trưởng Trần Thị Hà, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ chủ trì Hội nghị và trực tiếp phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

thứ trưởng trần thị hà, trưởng ban ban thi đua – khen thương trung ương, ủy viên ban cán sự đảng bộ bộ nội vụ phổ biến luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi đua, khen thưởng
Thứ trưởng Trần Thị Hà, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo, công chức, viên chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; Văn phòng Đảng ủy, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Bộ.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Thứ trưởng Trần Thị Hà trình bày khái quát pháp Luật về Thi đua, Khen thưởng từ năm 1945 đến trước khi ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003; tình hình triển khai Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 trên 4 nội dung: (1) Luật Thi đua, Khen thưởng là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng và tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. (2) Luật Thi đua, Khen thưởng quy định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành và lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, nâng cao trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (3) Luật Thi đua, Khen thưởng quy định đối tượng, nguyên tắc, phạm vi, nội dung, hình thức các danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định khen thưởng và đề nghị khen thưởng, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng… tạo cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua và công tác khen thưởng; là cơ sở pháp lý tạo sự thống nhất, bình đẳng trong công tác khen thưởng, khắc phục bệnh thành tích, nâng cao rõ rệt chất lượng khen thưởng. (4) Luật Thi đua, Khen thưởng đã kế thừa và phát huy truyền thống thi đua yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, xây dựng nền văn hóa, lịch sử lâu đời của dân tộc; đồng thời có tác dụng to lớn nhằm động viên, giáo dục, nêu gương trong các tầng lớp nhân dân; đáp ứng yêu cầu hợp tác phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế…

Bên cạnh đó, Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 cũng bộc lộ một số hạn chế: (1) Nội dung của Luật chủ yếu tập trung điều chỉnh đối với các cơ quan, tổ chức khu vực nhà nước và cán bộ, công chức. Vì vậy, khi triển khai thực hiện việc khen thưởng cho công nhân, nông dân và người lao động trực tiếp còn nhiều hạn chế; khen thưởng nhiều cho cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. (2) Tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng chưa hợp lý, dẫn đến việc khen thưởng bị trùng lắp, chồng chéo và có nhiều vướng mắc trong mối quan hệ về thẩm quyền khen thưởng giữa quản lý nhà nước theo ngành nghề, với quản lý nhà nước theo địa phương, lãnh thổ. (3) Luật chưa mở rộng thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng phù hợp ở các cấp, các ngành để có cơ sở tổ chức phát động phong trào thi đua rộng khắp trong cả nước; một mặt đảm bảo khen thưởng kịp thời, mặt khác tránh tình trạng khen thưởng dồn lên cấp nhà nước và đảm bảo nguyên tắc hình thức khen thưởng càng cao, số lượng càng giảm. (4) Việc đề nghị các hình thức khen thưởng cấp nhà nước đang được thực hiện theo quy trình, thủ tục từ cấp cơ sở lên, qua nhiều cấp, thủ tục hành chính nặng nề, phát sinh nhiều kẽ hở trong quản lý và khó kiểm soát đánh giá được thành tích thực tế để khen thưởng.

Thứ trưởng Trần Thị Hà đã trực tiếp giới thiệu những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định quy định chi tiết thi hành, cụ thể như sau: Điều 1 sửa đổi, bổ sung 48 điều và tên Chương IV và Chương V của Luật Thi đua, Khen thưởng; Điều 2 quy định hiệu lực thi hành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật này. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các vấn đề cơ bản: Nâng cao tiêu chuẩn đối với danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng; Quy định riêng đối tượng và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động; Thực hiện phân cấp về thẩm quyền và bổ sung đối tượng với một số danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; Bổ sung điều 91A quy định về Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp và sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thị Hà nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, quản lý về công tác thi đua, khen thưởng, Bộ Nội vụ cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, đặc biệt là vai trò tham mưu, xây dựng chính sách thi đua, khen thưởng; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành thực hiện tốt công tác này; đồng thời, cần chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiêu biểu. Thứ trưởng đề nghị, bộ phận thường trực của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của Bộ Nội vụ nên tham mưu xây dựng các phong trào thi đua bám sát vào các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho nhằm tăng cường hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng trong Bộ.

quang cảnh hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

 

Tin, ảnh: Nguyễn Hương, Thu Hằng
Tìm kiếm