 |
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng phát biểu tại Hội thảo |
Tới dự Hội thảo có: đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra; công chức theo dõi công tác CCHC và tham gia xây dựng báo cáo tự đánh giá, chấm điểm của các tỉnh, thành phố; các chuyên gia phản biện: TS. Đặng Đức Đạm, Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; TS. Bế Trung Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học Hành chính và Công nghệ thông tin, Học viện Hành chính Quốc gia và chuyên viên của UNDP Nguyễn Thị Ngọc Hân.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng nhấn mạnh: sau 02 năm triển khai kết quả xác định chỉ số CCHC cho thấy bước đầu chỉ số CCHC đã đi vào thực tiễn, mang tính định lượng tương đối khách quan, đã phản ánh toàn diện kết quả đạt được trong CCHC hàng năm của các bộ, ngành, địa phương và trở thành công cụ quản lý quá trình CCHC. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai cho thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn CCHC.Tại Hội nghị công bố Chỉ số CCHC ngày 5/9/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Nội vụ cùng với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện lại Chỉ số CCHC để từng bước đưa Chỉ số bám sát thực tiễn, phản ánh khách quan kết quả CCHC đạt được hàng năm. Trên tinh thần đó, tại Hội thảo lần này, đồng chí Phạm Minh Hùng mong muốn các đại biểu dưới góc độ thực tiễn CCHC và khoa học sẽ có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất; từ đó, tạo cơ sở để từng bước tiếp tục hoàn thiện bộ Chỉ số CCHC trong thời gian tới.
Cũng tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng trình bày Dự thảo Báo cáo sơ kết 02 năm triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Báo cáo).
Báo cáo khái quát tình hình triển khai xác định Chỉ số CCHC; đồng thời cũng đưa ra kết quả có so sánh Chỉ số CCHC giữa 2 năm 2012 và 2013. Về cơ bản, việc triển khai kế hoạch PAR Index qua các năm theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian. Trong quá trình triển khai, Bộ Nội vụ đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai kế hoạch xác định Chỉ số CCHC có nhiều thuận lợi do các bộ, các tỉnh đã đúc rút được kinh nghiệm triển khai của năm trược. Đặc biệt là nhận thức về vai trò ý nghĩa của PAR Index trong quản lý quá trình CCHC đã được nâng lên, do vậy kế hoạch được triển khai bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian quy định. Việc tổ chức công tác tự đánh giá, chấm điểm được các bộ, các tỉnh tiến hành nghiêm túc, khách quan, tương đối chính xác, việc chấm các tiêu chí dựa trên các căn cứ, tài liệu kiểm chứng bảo đảm độ tin cậy cao. Công tác thẩm định được tổ chức khẩn trương, nghiêm túc, phát huy được sự tham gia của các bộ, ngành trong việc đề xuất ý kiến, tham mưu để Bộ trưởng Bộ Nội vụ có cơ sở quyết định điểm đánh giá đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC của các bộ, các tỉnh một cách khách quan, công bằng. Đặc biệt là trong qua trình tiến hành rà soát, thẩm định kết quả tự chấm điểm của các bộ, các tỉnh để xác định PAR Index 2013, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Tổ Thư ký, Hội đồng thẩm định thực hiện các bước một cách chặt chẽ, khoa học, có sự trao đổi, thống nhất với các bộ, các tỉnh nhằm phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong đánh giá để bảo đảm kết quả đạt được khách quan, công bằng, phản ánh chính xác kết quả CCHC đạt được. Công tác điều tra xã hội học để lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau về kết quả CCHC của các bộ, các tỉnh phục vụ cho việc tính toán PAR Index được tổ chức chặt chẽ, hệ thống và trong thời gian triển khai tương đối ngắn đã thu được số lượng phiếu cao so với mục tiêu đề ra. Sự đổi mới, tăng cường công tác theo dõi, giảm sát của Bộ Nội vụ và các bộ ngành, địa phương đối với quá trình tổ chức điều tra xã hội học đã góp phần làm cho kết quả điều tra xã hội học đạt được có tính khách quan, sát với thực tế hơn.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng tổng hợp những nội dung đề xuất, kiến nghị của các bộ, các tỉnh để hoàn thiện Chỉ số CCHC và đề ra định hướng trong thời gian tới, cụ thể: (1) Xác định Chỉ số CCHC là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong suốt quá trình triển khai Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Vì vậy, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tuc triển khai phổ biến, tuyên truyền về kết quả Chỉ số CCHC năm 2012, 2013 để nâng cao trách nhiệm của các cấp các ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong CCHC và việc xác định Chỉ số CCHC hàng năm. Ngoài ra, phải tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp và xã hội hiểu về Chỉ số CCHC để nâng cao trách nhiệm của người dân, xã hội trong việc tham gia đánh giá hoạt động của cơ quan hành chính. (2) Trong Quý IV năm 2014 hoàn thiện nội dung, phương pháp xác định Chỉ số CCHC để kết quả Chỉ số CCHC hàng năm ngày càng phản ánh chính xác, khách quan kết quả triển khai CCHC của các bộ, các tỉnh và trở thành công cụ quản lý quá trình CCHC một cách thiết thực, hiệu quả. (3) Trên cơ sở rút kinh nghiệm 02 năm triển khai, xây dựng kế hoạch và triển khai xác định Chỉ số CCHC năm 2014 để công bố Chỉ số CCHC vào đầu Quý I năm 2015.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với nội dung của Báo cáo, đánh giá cao kết quả Chỉ số CCHC và khẳng định Chỉ số CCHC thực sự là công cụ hữu hiệu phục vụ việc theo dõi, đánh giá thực tế triển khai Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Các ý kiến đại biểu tập trung kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí, tiêu chí thành phần trong Bộ tiêu chí đánh giá, bộ phận quan trọng nhất trong bộ công cụ xác định PAR Index để phù hợp với tình hình thực tế của từng bộ, từng địa phương. Theo TS. Đặng Đức Đạm – Chuyên gia phản biện của Hội thảo cho rằng: “Việc điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí, tiêu chí thành phần trong Bộ tiêu chí đánh giá, bộ phận quan trọng nhất trong bộ công cụ xác định PAR Index là cần thiết, tuy nhiên cần thực hiện sau vài năm nữa bởi khi so sánh PAR Index theo thời gian cần Bộ tiêu chí đánh giá phải tương đối ổn định trong thời gian so sánh để kết quả so sánh thực sự ý nghĩa. Qua hai lần xác định PAR Index chưa cho chúng ta đủ thực tế để có thể điều chỉnh, bổ sung Bộ tiêu chí xác định PAR Index một cách cơ bản”.
Phát biểu Kết luận Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng đã cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp thiết thực, trách nhiệm và khoa học của các đại biểu; đồng chí Phạm Minh Hùng khẳng định sẽ nghiêm túc rà soát, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, qua đó có tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ để sớm sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế tại các bộ, các tỉnh trong thời gian tới.
.jpg) |
Quang cảnh Hội thảo |