Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo
Dự Hội thảo có chuyên gia của một số Viện nghiên cứu; đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Ban của Đảng; đại diện lãnh đạo cấp Vụ và công chức phụ trách cải cách hành chính (CCHC) của 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ; đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo, Trưởng phòng Cải cách hành chính và công chức trực tiếp làm công tác CCHC Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng nhấn mạnh, thời gian gần đây Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật quy định đánh giá thi đua, khen thưởng cho tổ chức; phân loại hệ thống các tổ chức cũng như có các quy định về phân loại cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức… Tuy nhiên, vẫn chưa có một quy định cụ thể nào đánh giá toàn diện chất lượng hoạt động, đánh giá theo kết quả… đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, các Sở, ngành chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, nghiên cứu, xây dựng phương pháp đánh giá và đưa vào áp dụng bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao chất lượng của tổ chức trên các phương diện: hoạt động, đội ngũ nguồn nhân lực, kết quả đạt được, tác động đầu ra và chất lượng dịch vụ mà tổ chức đó cung cấp.
Trong những năm vừa qua, công tác CCHC nói chung, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như các quy định, chính sách khác được ban hành nhằm từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Nhiều mô hình quản lý chất lượng đã được nghiên cứu, áp dụng tại các cơ quan nhà nước, như: Hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng TCVN 9001:2008; quản lý theo kết quả; về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức; quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học; tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện; quy định về đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ; Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh, Chỉ số năng lực cạnh tranh… Bên cạnh đó, Chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được triển khai áp dụng từ năm 2012 và trở thành công cụ đánh giá quá trình triển khai CCHC, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Mặc dù vậy, hoạt động của từng cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, vẫn chưa có sự phân định rành mạch về chức năng, nhiệm vụ, về kết quả đạt được của tổ chức, cũng như sự rõ ràng về các nội dung phân công, phân nhiệm, phối hợp trong hoạt động. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ của tổ chức chưa có động lực phấn đấu, chưa cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao để góp phần xây dựng và phát triển tổ chức.
Một trong những điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước. Xã hội hiện đại đòi hỏi các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý và cung cấp các dịch vụ công một cách có hiệu quả và trách nhiệm cao. Ngoài ra, một nền công vụ hiệu quả cần đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo bài bản, chuyên sâu để thực thi các quyết định chính trị. Việc đạt được các mục tiêu tùy thuộc nhiều vào chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và việc hình thành các cơ chế đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống quản lý nhà nước, dự báo xu hướng vận hành của bộ máy là những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.
Mục đích của Hội thảo lần này là tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương để hoàn thiện dự thảo Đề án trình Lãnh đạo Bộ Nội vụ phê duyệt theo quy định. Vụ trưởng Phạm Minh Hùng đề nghị trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm những nội dung chính của Đề án như: mục tiêu, yêu cầu, phạm vi và đối tượng đánh giá; phương pháp, quy trình, thang điểm đánh giá; tổ chức thực hiện việc đánh giá và đặc biệt là các nhóm tiêu chí, tiêu chí thành phần của đánh giá…
Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Ngô Quang Phát giới thiệu tóm tắt Đề án
Tại phần giới thiệu tóm tắt của Đề án, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Ngô Quang Phát đã chỉ ra sự cần thiết phải đánh giá tổ chức hành chính nhà nước và một số nội dung chính của Đề án. Theo đó, phạm vi và đối tượng, Đề án tập trung đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ chức hành chính nhà nước trên phạm vi cả nước từ Trung ương đến địa phương trong giai đoạn 2017 - 2020 là các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đề án đưa ra 5 nhóm tiêu chí, cụ thể: (1) Đánh giá về các yếu tố bảo đảm chất lượng; (2) Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ; (3) Đánh giá về cung ứng dịch vụ công; (4) Đánh giá về mức độ hài lòng của người dân và tổ chức; (5) Đánh giá của các cá nhân, tổ chức hành chính có liên quan và thang điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó, điểm tự đánh giá đối với các tiêu chí 1 và 2 là 60/100 điểm, điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 40/100 điểm đối với các tiêu chí 3, 4 và 5.
Tại Hội thảo, với các tham luận của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành trung ương và địa phương, các nhà chuyên gia thể hiện nhất trí và đánh giá cao sự cần thiết của việc xây dựng Đề án; đồng thời, tập trung thảo luận xoay quanh việc làm rõ các nội dung của Đề án, như: mục tiêu đánh giá, yêu cầu đánh giá, phạm vi và đối tượng đánh giá; các tiêu chí và tiêu chí thành phần của đánh giá; phương pháp đánh giá; quy trình đánh giá và các giải pháp thực hiện…
Kết luận Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng trân trọng cám ơn, đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến đóng góp, trao đổi thẳng thắn của các đại biểu tại Hội thảo. Vụ trưởng Phạm Minh Hùng đề nghị tổ Thư ký ghi nhận đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu, Ban Soạn thảo Đề án tiếp thu và tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án trình lãnh đạo Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án theo quy định.
Đại biểu dự Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Anh Cao