Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Tham gia Đoàn kiểm tra có đại diện lãnh đạo và chuyên viên: Văn phòng Bộ, Vụ Cải cách hành chính, Vụ Tổ chức - Biên chế, Vụ Công chức - Viên chức; đại diện các bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Tư pháp và Văn phòng Chính phủ. Về phía tỉnh Bắc Giang có Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Ngọc Sơn; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Công chức, chuyên viên chuyên trách về cải cách hành chính (CCHC) thuộc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng nêu rõ, công tác CCHC được Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai qua nhiều năm đạt được những kết quả tích cực góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nội dung CCHC bao trùm tất cả các lĩnh vực của nền hành chính. Để tiến hành CCHC một cách có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, đạt được kết quả đề ra thì công tác kiểm tra là nhiệm vụ quan trọng nhằm nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được sau một chu kỳ nhất định theo kế hoạch đã ban hành. Đồng thời, thông qua kiểm tra để phát hiện những vướng mắc, khó khăn, tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền có ý kiến chỉ đạo, giải pháp điều chỉnh, khắc phục.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang Bùi Ngọc Sơn trình bày Báo cáo công tác cải cách hành chính của tỉnh tại buổi làm việc
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện xây dựng, cụ thể hóa cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, ban hành một số quyết định cải cách cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực như: đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, giao thông, tài nguyên và môi trường… Năm 2017, tỉnh đã thu hút được tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung quy đổi được 2,23 tỷ USD (thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh đứng thứ 8/63 về số dự án và thứ 11/63 tỉnh thành về vốn đăng ký), có 1.255 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 59,3% so với năm 2016.
Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành; từ năm 2017 đến nay, Hội đồng nhân dân, UBND các cấp ban hành 102 văn bản (cấp tỉnh 80 văn bản, cấp huyện 22 văn bản). Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp huyện, thành phố đã thực hiện tốt công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc Hội đồng nhân dân, UBND các cấp đã thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật tại địa phương, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật được thực thi và đi vào cuộc sống. Từ năm 2017 đến nay, đã rà soát, kiểm tra 144 văn bản quy phạm pháp luật (cấp tỉnh 97 văn bản, cấp huyện 47 văn bản) tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như: tài chính - thuế; tài nguyên và môi trường; y tế; lao động, thương binh và xã hội; các văn bản liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động của doanh nghiệp; cơ chế chính sách, khuyến khích đầu tư; hội nhập quốc tế… đã kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 106 văn bản có nội dung không còn phù hợp.
Về cải cách thủ tục hành chính, tỉnh thực hiện rà soát, đánh giá 19 TTHC riêng lẻ và 02 nhóm TTHC thuộc 08 lĩnh vực: giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, tài chính, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội, tài nguyên và môi trường, tư pháp, y tế, thông qua phương án đơn giản hóa 16 nhóm TTHC. Thực hiện số hóa, mẫu hóa với 281 TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ, thủ tục phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong đó: cấp tỉnh 191 thủ tục, cấp huyện 70 thủ tục, cấp xã 20 thủ tục. Năm 2018, tỉnh thực hiện mẫu hóa, số hóa TTHC, bảo đảm đạt tỷ lệ 30% số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành.
Về công bố, công khai TTHC, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 23 quyết định công bố TTHC áp dụng trên địa bàn tỉnh. Tổng số TTHC trên địa bàn toàn tỉnh là 2.145 TTHC (cấp tỉnh là 1.504 TTHC, cấp huyện là 439 TTHC và cấp xã là 202 TTHC). Tất cả các TTHC sau khi công bố được cập nhật, công khai đầy đủ, kịp thời trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Trang thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương, niêm yết công khai tại Trung tâm hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã theo quy định. UBND tỉnh đã triển khai và duy trì hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua số điện thoại 0204.3829.005, địa chỉ email: thutuchanhchinh@bacgiang.gov.vn. Các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã công khai số điện thoại, đường dây nóng của lãnh đạo và địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp khi gặp vướng mắc trong giải quyết TTHC.
Thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; ban hành quy định về danh mục, thời gian giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, 100% cơ quan, địa phương thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh (20/20 sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, 10/10 huyện, thành phố, 230/230 xã, phường, thị trấn) và ứng dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung vào giải quyết các TTHC. Kết quả từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.570.884 hồ sơ TTHC (trong đó Trung tâm hành chính công tiếp nhận 142.107 hồ sơ TTHC). Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, UBND tỉnh đã công bố 344 TTHC thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Tính đến tháng 6/2018, đã thực hiện được 195.596 hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Qua việc thực hiện, đã tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại của tổ chức, công chức; giảm áp lực cho bộ phận một cửa các cấp, đồng thời là cơ sở để triển khai dịch vụ công ức độ 3, mức độ 4.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, từ đầu năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 03 quyết định quy định, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 04 sở, ngành; 10/10 huyện, thành phố ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các phòng chuyên môn trực thuộc đảm bảo theo hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương.
Tỉnh ủy đã thông qua Đề án sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai và chỉ đạo tổ chức thực hiện, kết quả đến nay đã rà soát hơn 1.304 đơn vị, sắp xếp, giảm 39 đơn vị sự nghiệp. Ngoài ra, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; theo đó, số lượng chức danh giảm từ 21 chức danh xuống còn 17 chức danh, số người hoạt động không chuyên trách cấp xã giảm từ 22 người xuống còn 9 người đối với xã loại I, II; giảm xuống còn 6 người đối với cấp xã loại III; năm 2017 tiến hành sáp nhập 28 trường tiểu học và THCS thành 14 trường, năm 2018 sáp nhập 56 trường thành 28 trường (giai đoạn từ năm 2018 đến 2020 dự kiến sẽ sáp nhập 130 thành 65 trường); bố trí, sắp xếp lại 451 cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y cơ sở từ nay đến hết năm 2020.
Việc rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy bước đầu đã nâng cao chất lượng, tinh giản biên chế, bảo đảm gọn nhẹ, hoạt động thiết thực, có hiệu quả, phù hợp điều kiện của từng ngành, từng cấp; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan được xác định rõ hơn, không chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ, tạo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản của cấp trên và phù hợp với thực tiễn của địa phương. Năm 2017, UBND tỉnh đã kiểm tra 8 sở, 04 huyện (đạt 100% kế hoạch), 6 tháng đầu năm 2018 kiểm tra 05 sở, 04 huyện về quản lý tổ chức bộ máy và biên chế. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tinh giản được 1.054 công chức, viên chức. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh tinh giản biên chế theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, xác định rõ tỷ lệ tinh giản biên chế từng năm đến năm 2021.
Từ năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành quy định về tiêu chín, cách đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố và được sửa đổi, bổ sung 3 lần cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Ngoài việc thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu (5 nhiệm vụ chung, 5 nhiệm vụ riêng), từ năm 2017 đến nay, người đứng đầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBDN cấp huyện và người đứng đầu một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh còn phải thực hiện từ 2 đến 3 nhiệm vụ có tính trọng tâm, trọng điểm do Chủ tịch UBND tỉnh giao thêm. Cách đánh giá, xếp loại có nhiều điểm mới nhằm đánh giá kết quả sát với thực tế, qua đó tạo phong trào thi đua và cơ chế giám sát giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị. Năm 2017, tổng số nhiệm vụ đăng ký của các cơ quan, địa phương, đơn vị là 759 nhiệm vụ, nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh giao là 77 nhiệm vụ, tỷ lệ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 92,6%.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc
Về đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến nay, toàn tỉnh có 2.121 cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, trong đó trình độ đại học trở lên là 2.047 người (96,5%); cán bộ, công chức cấp xã là 4.970 người, trong đó, cán bộ cấp xã là 2.305 người, công chức cấp xã là 2.665 người, cơ bản số cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định. Năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của 20 sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, 10 huyện, thành phố với tổng số 1.085 danh mục vị trí việc làm, 2.045 biên chế công chức (tính đến năm 2021), giảm so với biên chế giao năm 2015 là 222 chỉ tiêu, đạt 10%.
Công tác tuyển dụng có nhiều đổi mới, đã thực hiện xác định cơ cấu tuyển dụng theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh có số dư trong công tác tuyển dụng, chú trọng tuyển dụng người có tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị. Kết quả năm 2017 tổ chức tuyển dụng được 648 viên chức giáo viên ngành giáo dục, 75 viên chức y tế và 49 công chức cấp xã; năm 2018 tổ chức tuyển dụng 714 giáo viên các bậc học, cấp học trong chỉ tiêu biên chế để bổ sung cho các trường học chuẩn bị vào năm học mới.
Đối với thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã tổ chức 83 lớp bồi dưỡng cho 9.149 học viên, trong đó ưu tiên bồi dưỡng nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn đối với lãnh đạo cấp phòng; kiến thức quản lý hành chính nhà nước; bồi dưỡng cán bộ chính quyền cơ sở; kiến thức quản lý tài chính trong các dự án đầu tư xây dựng cấp xã… Về tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ đầu năm 2017, toàn tỉnh đã tuyển chọn được 64 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập (42 cấp trưởng và 22 cấp phó).
Trong cải cách tài chính công, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo việc triển khai thực hiện giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp, đến nay đã thực hiện quy định về cơ chế tự chủ đối với 1.002 đơn vị sự nghiệp công lập do địa phương quản lý, trong đó: tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động là 25 đơn vị, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động là 405 đơn vị, số đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động là 572 đơn vị. Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định giao tài sản nhà nước cho 18 đơn vị sự nghiệp theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp, trong đó có 11 bệnh viện, 01 đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ và 06 đơn vị sự nghiệp khác.
Về hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-UBND phê duyệt khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin; tăng cường sử dụng các phần mềm ứng dụng liên thông trong cơ quan nhà nước.
Các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đã duy trì tốt việc gửi nhận văn bản điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tiếp tục duy trì và ứng dụng hiệu quả phần mềm một cửa điện tử, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại 20/20 sở, ngành, 10/10 huyện, thành phố và 230/230 xã, phường, thị trấn. 100% các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố sử dụng phền mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; UBND tỉnh tiến hành xây dựng thành phố Bắc Giang thông minh giai đoạn 2017 - 2020; thí điểm lập hồ sơ khám, quản lý sức khỏe cá nhân trên hệ thống điện tử tại Trung tâm Y tế huyện Yên Tế…
Đến nay, đã cấp 2.098 chứng thư số, chữ ký số cho 100% sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị trực thuộc, HĐND, UBND cấp xã và các trường học. Tỷ lệ văn bản điện tử được ký số của các sở, ngành đạt 98%, cấp huyện đạt 80%. Triển khai hệ thống họp trực tuyến từ tỉnh đến huyện và xã, đến nay toàn tỉnh có 256 điểm cầu trực tuyến (230 xã, phường, thị trấn, 10 huyện, thành phố và 16 điểm cầu ở tỉnh).
Các trang thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương đã cung cấp 100% TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 667 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (trong đó có 115 dịch vụ công phát sinh hồ sơ, năm 2017 đã tiếp hận và xử lý 1.565 hồ sơ trực tuyến); các bộ, ngành Trung ương đã triển khai đến cấp tỉnh 106 dịch vụ công mức độ 4 (năm 2017 đã tiếp nhận, xử lý 5.891 hồ sơ trực tuyến).
Hiện nay, có 48/48 cơ quan đã ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 (đạt 100%). Đã có 09 xã, phường, thị trấn áp dụng ISO 9001:2015 (tăng 04 đơn vị so với năm 2017: 02 phường của thành phố Bắc Giang, 02 xã huyện Việt Yên); 13 xã đang triển khai, gồm 12 xã, phường của thành phố Bắc Giang, 01 xã của huyện Tân Yên.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra đã phát biểu nhiều ý kiến làm rõ một số tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Bắc Giang, đồng thời cung cấp thông tin về giải pháp khắc phục cũng như kinh nghiệm của một số địa phương khác trên cả nước để các sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Giang có thể nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cải cách hành chính ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong thời gian tới.

Đại diện Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Trên cơ sở Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang và ý kiến phát biểu của các đại biểu trong Đoàn kiểm tra, ý kiến phát biểu làm rõ của lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Giang, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Hùng đã ghi nhận những kết quả tỉnh Bắc Giang đạt được trong công tác CCHC trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, năm 2017 tỉnh Bắc Giang đã đạt chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) ở thứ hạng cao, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, một số chỉ số thành phần của tỉnh Bắc Giang tương đối cao cần được tiếp tục phát huy trong 6 tháng cuối năm 2018 và các năm tiếp theo.
Trưởng phòng Thông tin và HTQT, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Hưng phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Trần Thanh Hà phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Đỗ Thái Hà phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ Cao Huy Long phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Đồng chí Phạm Minh Hùng đề nghị tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, cần tập trung trọng tâm vào công tác chỉ đạo điều hành ; đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC nhất là những TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; tiếp tục thực hiện đổi mới và sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Bộ Chính trị; về cải cách công vụ, công chức tập trung xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; tích cực tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và tỉnh cần có phương án xây dựng và triển khai thực chất, hiệu quả; tăng cường theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh Bắc Giang, bên cạnh đó sử dụng kết quả Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp do Bộ Nội vụ công bố cần được công bố công khai cho người dân, doanh nghiệp biết; tăng cường công tác, thanh tra và kiểm tra để bảo đảm tính thiết thực và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh; đồng thời, phát hiện và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; nâng cao vai trò của cơ quan thường trực cải cách hành chính của tỉnh để kết nối với các sở, ngành, các địa phương nhằm xử lý các vướng mắc trong hệ thống.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra với UBND tỉnh Bắc Giang
Trước đó, sáng ngày 08/8/2018, Đoàn kiểm tra đã có buổi kiểm tra và làm việc về công tác CCHC tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Giang, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thị trấn Bích Động, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân huyện Việt Yên và làm việc với UBND huyện Việt Yên về công tác cải cách hành chính của huyện Việt Yên trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018.
Một số hình ảnh kiểm tra công tác cải cách hành chính của Đoàn kiểm tra tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Giang, thị trấn Bích Động và UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang:
Người dân lấy số thứ tự
Người dân chờ gọi lên bàn làm thủ tục
Đoàn kiểm tra kiểm tra tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Giang
Đoàn kiểm tra kiểm tra tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại thị trấn Bích động
Đoàn kiểm tra kiểm tra tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của UBND huyện Việt Yên
Người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của UBND huyện Việt Yên
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Minh Hùng phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Việt Yên
Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Văn Phong trình bày Báo cáo kết quả CCHC của huyện Việt Yên với Đoàn kiểm tra
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn kiểm tra với UBND huyện Việt Yên
Tin, ảnh: Anh Cao