Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lương, Phó Ban soạn thảo (trái) và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết (phải) chủ trì Hội thảo.Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Bộ, cơ quan Trung ương: Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đại diện UNFPA; đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại diện Sở Nội vụ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Trung - Tây Nguyên; các chuyên gia về thanh niên và đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết nhấn mạnh, trên cơ sở 7 chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành có liên quan tiến hành xây dựng dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Đồng thời, đã tổ chức rà soát 25 luật và pháp lệnh có liên quan đến thanh niên để làm cơ sở xây dựng các chính sách riêng của Nhà nước đối với lứa tuổi Thanh niên, nhất là việc tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của thanh niên, phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để tránh chồng chéo với các chính sách mà các Luật chuyên ngành khác đã quy định.
Để Hội thảo đạt được kết quả như chương trình, kế hoạch đã đề ra, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tuyết đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề: 1- Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh niên (sửa đổi). 2- Việc thể chế hóa quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên theo quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp năm 2013. 3- Các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên được quy định trong dự thảo Luật. Những quy định cần bổ sung làm rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên. 4- Trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với thanh niên. 5- Các quy định về tổ chức thanh niên nhằm phát huy vị trí, vai trò trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên. 6- Quản lý nhà nước về thanh niên, các quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nhằm phát triển thanh niên và các vấn đề khác có liên quan đến thanh niên.

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ Doãn Đức Hảo
trình bày tóm tắt dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)
Phát biểu thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất đối với sự cần thiết xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) để đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của thanh niên cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với thanh niên trong thời đại mới.
Bà Phan Thị Lê Mai, cán bộ chương trình UNFPA cho rằng, dự thảo đã được cập nhật nhiều ý kiến góp ý của các tổ chức Liên hợp quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần được nghiên cứu và xem xét lại để bổ sung như: khái niệm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của thanh niên; đối thoại thanh niên và tham vấn thanh niên; chính sách về thanh niên di cư, khái niệm về thanh niên di cư và các hỗ trợ của nhà nước đối với thanh niên di cư; bổ sung khái niệm tệ nạn xã hội vào dự thảo; quyền, nghĩa vụ của thanh niên cần làm rõ hơn, những quyền của thanh niên sẽ phải tương thích với quy định về trách nhiệm của pháp luật; quy định về thanh niên khởi nghiệp và quyền giám sát, phản biện chính sách của thanh niên.
Bà Phan Thị Lê Mai, cán bộ chương trình UNFPA phát biểu tại Hội thảo
Theo đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, bố cục của dự thảo cần phải sắp xếp lại, tại các ý nhỏ như quyền, nghĩa vụ của thanh niên chưa có sự tương đồng với chính sách và quy định về trách nhiệm của nhà nước; quyền của thanh niên không cần quy định chi tiết mà nên đưa vào thành nhóm: nhóm về học tập, nhóm về hôn nhân và gia đình; bổ sung khái niệm quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Phần chính sách cũng nên nhóm lại và có chính sách chung cho thanh niên, như chính sách về học nghề; về phổ cập giáo dục cần nghiên cứu và tương thích với quy định của Luật Giáo dục sửa đổi; cần có quy định về chính sách cụ thể đối với thanh niên vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; quy định về chính sách ưu tiên trong thi tuyển vào công chức cần chỉnh sửa lại cho phù hợp với quy định của Nhà nước.
Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, có 2 vấn đề cần quan tâm là quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách, trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên. Luật Thanh niên cần quy định tương xứng giữa trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên và ngược lại quyền, nghĩa vụ của thanh niên đối với Nhà nước; chính sách, trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo có sự chênh lệch tương đối cao với khu vực đô thị; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, tổ chức chính trị - xã hội đối với thanh niên và ngược lại trách nhiệm của thanh niên trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội cần phù hợp với Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; cần nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên trong việc phòng, chống vi phạm và tội phạm.
Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, về bố cục của dự thảo cần bổ sung thêm một Chương về tập hợp và giáo dục thanh niên, nguyên tắc tập hợp, phương thức tập hợp và giáo dục thanh niên. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thanh niên cần thực hiện theo pháp luật, tự nguyện và mở rộng quan hệ phối hợp. Về phạm vi điều chỉnh, cần bổ sung thêm trách nhiệm và quan hệ giữa Đoàn Thanh niên với các tổ chức Đảng, đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc. Về đối tượng áp dụng, cần quy định cho ngắn gọn hơn và nghiên cứu quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc. Nghiên cứu bổ sung vai trò của thanh niên trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội; quy định về phòng, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên di cư…
Về quan điểm xây dựng luật cũng cần cụ thể vì đây là luật mang tính tổng hợp, nếu dự thảo mang tính chung chung thì không phải là luật; mà dự thảo cụ thể thì rất khó và có thể trùng lắp, khó thực hiện và nhanh lỗi thời. Do đó, cần có quan điểm rõ ràng trong việc chỉ đạo xây dựng; phải chấp nhận ở mức chung chung, mang tính định hướng, không thể quy định cụ thể vì các luật chuyên ngành đã có quy định. Tuy nhiên, cần rà soát những vấn đề còn thiếu để đưa vào dự thảo. Đề cương dự thảo luật cần có quy định nhằm khơi gợi sáng tạo cho thanh niên khởi nghiệp.
Đại diện nhóm tư vấn Luật Thanh niên (sửa đổi) đề nghị, cần làm rõ cơ chế đối thoại và tiếp nhận ý kiến của thanh niên; quyền tham gia giám sát của thanh niên; bổ sung khái niệm về quyền, nghĩa vụ của thanh niên di cư; đề xuất làm rõ cơ chế tham gia giám sát, phản biện xã hội. Tại Hội thảo, đại diện nhóm tư vấn đưa ra một số khuyến nghị cần bổ sung vào dự thảo luật: thanh niên có quyền tham gia thảo luận về chính sách pháp luật; đối thoại với thanh niên cần được tổ chức thường niên và phải thực chất; thanh niên tham gia về dân cử, bầu cử; bảo đảm bình đẳng trong giáo dục; rà soát lại chỉ tiêu tuyển sinh mang tính phân biệt đối với thanh niên là nữ; bình đẳng giới, đồng tính, song tính và chuyển giới; lao động và việc làm đối với thanh niên ở các khu vực khó khăn, đảm bảo các giải pháp về việc làm; giáo dục kỹ năng sống cho thanh niên.
Đại diện Trung tâm Thanh thiếu niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề xuất, cần giải thích rõ quyền, nghĩa vụ của thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với thanh niên; hợp tác quốc tế về thanh niên cần quy định nguyên tắc, không nên quy định cụ thể, chi tiết; nghiên cứu, bổ sung quy định, cơ chế khuyến khích thanh niên đề xuất và làm chủ các sáng kiến thanh niên của mình; quy định nghĩa vụ của thanh niên trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự; hệ thống các cơ sở giáo dục cần lồng ghép các chương trình về thanh niên vào trong chương trình đào tạo; chính sách hỗ trợ cho trường hợp thanh niên sàng lọc sức khỏe trong, trước, sau sinh; nghiên cứu tách nhóm thanh niên khuyết tật riêng ra so với thanh niên nhiễm HIV và thanh niên sau cải tạo được quy định trong dự thảo.
Toàn cảnh Hội thảo
Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho rằng, về trách nhiệm của thanh niên và trách nhiệm của cơ quan nhà nước cần có Hội thảo chuyên đề để lấy ý kiến các chuyên gia, các cơ quan nhà nước về một nội dung cụ thể, sau đó tổng hợp và xin ý kiến một cách tổng quát về dự thảo Luật. Tinh thần xây dựng Luật đảm bảo tính khái quát, không nên ban hành luật quá chi tiết; cần làm rõ phạm trù nguồn lực trong dự thảo; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam với Hội Liên hiệp thanh niên tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, của cơ quan nhà nước, gắn liền với các chỉ tiêu phát triển thanh niên với phát triển kinh tế - xã hội; kêu gọi sự tham gia của thanh niên và của các doanh nghiệp. Về đối thoại, đây là chính sách cần thiết, việc tạo ra diễn đàn để thanh niên nói lên tiếng nói của mình, luật cần quy định cụ thể hơn: trách nhiệm đối thoại của ai, nội dung đối thoại, đối tượng đối thoại.
Đại diện Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, cần có cách tiếp cận một cách khái quát để hoàn thiện dự thảo Luật; không nên quy định quá chung chung nhưng cũng không quy định một cách chi tiết và không nên cầu toàn quá vì như vậy sẽ rất khó. Những quy định đã được quy định rồi thì trong luật không nên quy định chi tiết, còn những vấn đề, nội dung gì chưa được quy định trong các văn bản khác thì trong luật cần quy định cụ thể hơn.
Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lương,
Phó Ban soạn thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Ban soạn thảo cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) đã tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức Đảng, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên các cấp. Qua nhiều lần thảo luận và Trung ương Đoàn lấy ý kiến, tinh thần mấu chốt trong quá trình xây dựng luật vừa có điểm chung, vừa có điểm cụ thể, tuy nhiên cũng phải lựa ra được những nội dung cụ thể, đặc thù riêng cho đối tượng của luật là thanh niên để đảm bảo tính ổn định tương đối. Trong dự thảo luật này, giữa quyền của thanh niên và trách nhiệm của Nhà nước trong xác lập chính sách cũng có những điểm chưa thống nhất cần được rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết ghi nhận và đánh giá cao các đại biểu đã trao đổi sôi nổi, thẳng thắn góp ý những ý kiến mới phù hợp với Hiến pháp năm 2013 vào nội dung dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Đồng thời, ông Nguyễn Văn Tuyết đề nghị tổ Tổ biên tập, Thư ký và Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, chỉnh sửa, bổ sung, sớm hoàn thiện dự thảo: 1) Nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu, những ý kiến hợp lý thì bổ sung vào dự thảo luật, ý kiến nào chưa hợp lý thì tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo luật trình cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định. 2) Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mới mà các đại biểu đưa ra để đưa vào trong dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi. 3) Tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Anh Cao