Tham dự Hội thảo, về phía Cộng hòa Pháp có ông Bertrand LORTHOLARY, Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; bà Martine LAQUIEZE, Phó tỉnh trưởng L'Haÿ-les-Roses và một số nhân viên Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, có đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và đại diện một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo và công chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức bộ máy tinh gọn, phù hợp, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng Chính phủ và chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Nội vụ triển khai nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số vấn đề quan trọng trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, đó là: Vấn đề phân công, phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền cần tiếp tục hoàn thiện và làm rõ. Một số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cần tiếp tục được quy định rõ ràng. Xác định rõ những đặc thù của tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở nông thôn, ở đô thị và hải đảo. Xác định lại số lượng cấp phó trong các thiết chế của chính quyền địa phương, kể cả trong các cơ quan chuyên môn một cách khoa học theo hướng giảm số lượng cấp phó. Xác định lại vấn đề thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân và việc bầu các thành viên của Ủy ban nhân dân các cấp trong mối quan hệ với việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan chuyên môn…
Thứ trưởng khẳng định, Hội thảo này rất cần thiết và mong muốn nhận được những chia sẻ của các chuyên gia Cộng hòa Pháp, các nhà quản lý, các nhà khoa học Việt Nam về xu hướng cải cách chính quyền địa phương quốc tế và kinh nghiệm xây dựng Luật chính quyền địa phương của Cộng hòa Pháp, cũng như những tư tưởng, nội dung cơ bản của Luật này. Qua đó, giúp Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và cá nhân Ngài đại sứ Bertrand LORTHOLARY trong việc sửa đổi, bổ sung để các luật của Việt Nam để thực sự đem lại hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Ông Bertrand LORTHOLARY phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bertrand LORTHOLARY nhấn mạnh, năm 2018 là năm đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp, đặc biệt với chuyến thăm, làm việc tại Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tại Việt Nam. Đó là minh cho mối quan hệ sâu sắc, thắm tình hữu nghị giữa hai nước.
Bên cạnh đó, năm 2019, cũng sẽ có những chuyến viếng thăm, làm việc tại Pháp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và chuyến thăm, làm việc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Việt Nam; cùng nhau tổ chức Hội thảo hợp tác phi tập trung…
Ông Bertrand LORTHOLARY cũng cho biết, trước đó, Pháp đã ký kết hợp tác với Bộ Nội vụ Việt Nam trong các lĩnh vực về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; quản lý nguồn nhân lực và cải cách chính quyền địa phương. Hiện nay, Pháp đang triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết nhằm đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa hai nước.
Bà Martine LAQUIEZE chia sẻ kinh nghiệm về cải cách chính quyền địa phương tại Pháp
Tại Hội thảo, bà Martine LAQUIEZE đã chia sẻ chuyên đề cải cách chính quyền địa phương tại Pháp; quan hệ giữa nhà nước Trung ương và chính quyền địa phương. Theo đó, đã khái lược các mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ năm 1789 đến nay. Với mô hình tổ chức tập trung được áp dụng trong thời gian dài (từ cách mạng Pháp năm 1789 đến đầu những năm 1980), đã thành lập đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh, có đặc điểm là một nhà nước Trung ương mạnh; thành lập thiết chế tỉnh trưởng là đại diện của nhà nước ở địa phương, có đủ mọi quyền lực; thiết lập một cơ chế đặc biệt trong thực hiện chi tiêu công, trao cho các chuyên viên kế toán thẩm quyền riêng, độc lập với hệ thống hành chính, được kiểm soát bởi một tòa án chuyên biệt.
Năm 1871, Luật về chính quyền cấp tỉnh và năm 1884, Luật về chính quyền cấp xã được ban hành, đánh dấu sự ra đời của cơ chế dân chủ tại địa phương. Cấp xã và cấp tỉnh là hai cấp chính quyền địa phương gần dân nhất hiện nay. Người dân được coi là trung tâm của sự hình thành mọi quyền lực của nhà nước. Các thiết chế được thành lập đều nhằm mục đích quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đến năm 1982, Luật phân quyền được ban hành với ba trụ cột cơ bản: quyền tự quyết; trao thêm thẩm quyền mới và cơ chế quản lý nhân sự. Trong đó, quyền tự quyết đã xóa bỏ cơ chế trực thuộc quyền chỉ đạo của tỉnh trưởng nhưng vẫn duy trì sự giám sát; tùy theo từng cấp chính quyền địa phương mà trao thêm thẩm quyền mới; hình thành quy chế đại biểu dân bầu và thiết lập chế định công chức địa phương. Bên cạnh đó, Pháp cũng thiết lập đơn vị hành chính địa phương mới là cấp vùng.
Mặc dù vậy, những khó khăn dần xuất hiện trong lĩnh vực thuế và tài chính, năng lực của chính quyền cấp xã không phù hợp để tiếp nhận các thẩm quyền quản lý mới được trao. Do đó, việc hình thành các nghiệp đoàn cụm xã là một tất yếu khách quan, nhưng với mô hình tổ chức này đã làm gia tăng thẩm quyền do chính sách phân quyền và chi phí ngày càng cao, dẫn đến sự hụt hơi của mô hình nghiệp đoàn liên xã. Vì vậy, nhà nước quay lại tập trung quyền lực vào các lĩnh vực thuộc thẩm quyền tối cao.
Tuy đã rất cố gắng trong cải cách tổ chức chính quyền địa phương tại Pháp nhưng quá trình cải cách này còn dang dở cần được tiếp tục nghiên cứu, thực hiện, đặc biệt là mục tiêu giảm số lượng các nghiệp đoàn cụm xã và xóa bỏ đơn vị hành chính cấp tỉnh là rất khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Tú Thanh đề xuất một số nội dung trọng tâm sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015
Bà Nguyễn Thị Tú Thanh, Chuyên viên chính Vụ Chính quyền địa phương cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 của Việt Nam đã khắc phục được những vướng mắc, tồn tại của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, đã tạo được hành lang pháp lý để cơ quan nhà nước ở địa phương nâng cao hiệu lưc, hiệu quả hoạt động, đảm bảo việc tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương, góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, sau gần ba năm thực hiện và qua tổng hợp báo cáo của HĐND, UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND các cấp theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho thấy đã phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 với một số trọng tâm như: Hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp; khắc phục các hạn chế, bất cập từ quy định của Luật hiện hành và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương bảo đảm tinh gọn, phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính. Quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của HĐND, UBND các cấp, trong đó chú ý đến đặc điểm, đặc thù của đơn vị hành chính đô thị. Quy định rõ hơn cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp. Hoàn thiện một số quy định về hoạt động của chính quyền địa phương. Từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiên chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương. Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của nhà nước…

PGS. TS. Nguyễn Bá Chiến đề xuất một số định hướng về phân cấp, phân quyền
Nhìn từ góc độ phân cấp, phân quyền, PGS. TS. Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đề xuất một số định hướng nhằm hoàn thiện nội dung phân cấp, phân quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: Đảm bảo tính thống nhất của quản lý nhà nước về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất. Đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền. Đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả và tính phù hợp. Gắn phân cấp, phân quyền với hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ…
Quang cảnh Hội thảo
Thảo luân tại Hội thảo, các đại biểu hai bên đã tập trung trao đổi, làm rõ những vấn đề về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương; mô hình tự quản địa phương; những vấn đề về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và kiểm soát quyền lực. Các tiêu chí chia tách, sáp nhập các tổ chức, đơn vị hành chính địa phương. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng làm rõ những vấn đề về hậu kiểm, thu thuế, kế hoạch sử dụng và kiểm soát sử dụng tài chính…
Ông Phan Văn Hùng kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo, thừa ủy quyền của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng cho rằng, Hội thảo đã đặt ra cũng như giải quyết nhiều vấn đề một cách toàn diện và sâu sắc liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương của hai nước. Kết quả Hội thảo đã góp phần giúp Bộ Nội vụ Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 phù hợp với xu hướng quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam trong việc xây dựng các văn bản pháp luật, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách hành chính và các vấn đề khác hai bên cùng quan tâm./.
Thanh Tuấn