Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên Võ Đức Thơ trình bày tóm tắt Đề án
Báo cáo Đề án tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên ông Võ Đức Thơ cho biết, toàn tỉnh Phú Yên có 09 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện. Tỉnh Phú Yên không có ĐVHC cấp huyện nào thuộc diện có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định.
Số lượng ĐVHC cấp xã có 112 đơn vị (88 xã, 16 phường và 08 thị trấn); trong đó, có 02 đơn vị có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định (xã An Hải thuộc huyện Tuy An và xã Xuân Hòa thuộc thị xã Sông Cầu).
Tỉnh Phú Yên xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập nguyên trạng xã An Hải và xã An Hòa liền kề, cùng thuộc huyện Tuy An, thành xã An Hòa Hải (xã mới); sắp xếp, sáp nhập xã Xuân Hòa với xã Xuân Cảnh liền kề, thuộc thị xã Sông Cầu, thành xã Xuân Cảnh (xã mới).
Các xã mới thành lập sau khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập đảm bảo có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt trên 100% theo quy định. Như vậy, sau khi sắp xếp, tỉnh Phú Yên giảm 02 đơn vị trong số 112 ĐVHC cấp xã.
Về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp, ông Võ Đức Thơ cho biết, số đại biểu HĐND của các xã cũ sau khi sáp nhập sẽ tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ; Thường trực HĐND xã mới (xã loại 1) có 01 Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch; UBND xã gồm Chủ tịch và 02 Phó Chủ tịch; cán bộ, công chức xã loại 01 bố trí tối đa 23 người; số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã bố trí tối đa 14 người; đồng thời thực hiện đề án bố trí công an chính quy về xã. Trong quá trình bố trí lại các chức danh của hệ thống chính trị tại các xã mới, tỉnh Phú Yên sẽ tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại để tiếp tục bố trí, sử dụng những cán bộ, công chức đủ năng lực chuyên môn; tiến hành đào tạo lại những người chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, những người còn thiếu các tiêu chuẩn theo quy định; những vị trí dôi dư có thể chuyển về các đơn vị hành chính khác hoặc thực hiện giải quyết chế độ, tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của đại biểu HĐND tại ĐVHC cấp xã được hình thành sau khi sắp xếp thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. UBND cấp huyện điều động, bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức của các xã, phường được sắp xếp, sáp nhập theo quy định ngay khi có Nghị quyết sáp nhập ĐVHC cấp xã của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành.
Về phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại xã An Hòa Hải và xã Xuân Cảnh (mới), tỉnh Phú Yên sáp nhập Đảng bộ các xã cũ thành lập Đảng bộ xã mới, chuyển toàn bộ đảng viên của Đảng bộ xã cũ được sáp nhập về Đảng bộ xã mới; các Chi bộ trực thuộc tùy theo điều kiện, tính chất hoạt động có thể được giữ nguyên hoặc thay đổi theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Đức Thơ khẳng đinh, việc sắp xếp, sáp nhập cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên đảm bảo theo các quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của địa phương. Đây là công việc mới, cần thực hiện có hiệu quả, thận trọng; nơi nào thuận lợi thì tổ chức thực hiện ngay; qua đó, đánh giá, rút bài học kinh nghiệm để mở rộng thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Phương án sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức dôi dư; các chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã cũng được tỉnh Phú Yên xây dựng lộ trình cụ thể.
Xã An Hải và xã An Hòa thuộc huyện Tuy An, sau khi sáp nhập có tổng số cán bộ, công chức là 46 người (trong đó có 02 người theo Đề án 500 của Trung ương) và 38 người hoạt động không chuyên trách; theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, xã mới (xã loại 1) được bố trí tối đa 23 cán bộ, công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách. Do đó, số công chức dôi dư là 23 người và số người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 24 người.
Xã Xuân Hòa và xã Xuân Cảnh thuộc thị xã Sông Cầu, sau khi sáp nhập có tổng số cán bộ, công chức là 48 người và 37 người hoạt động không chuyên trách; theo quy định đối với xã loại 1, được bố trí tối đa 23 cán bộ, công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách. Do đó, số công chức dôi dư là 25 người và số người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 23 người.
Huyện Tuy An và Thị xã Sông Cầu có kế hoạch, lộ trình và phương án cụ thể về việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, cố gắng hoàn thành trong vòng 05 năm kể từ khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quang cảnh Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Nguyễn Hữu Thành cho rằng, tỉnh Phú Yên đã xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo đúng các nội dung quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hướng dẫn tại Văn bản số 2115/BNV-CQĐP ngày 16/5/2019 của Bộ Nội vụ.
Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Phú Yên được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục quy định. Tất cả các ĐVHC cấp xã được lấy ý kiến cử tri đều tán thành với việc sắp xếp, đạt tỷ lệ theo quy định.
Nội dung trong hồ sơ, Đề án đã thể hiện rõ hiện trạng, phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã; phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và kế hoạch, lộ trình giải quyết đối với những người dôi dư sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã; đánh giá tác động của việc sắp xếp và định hướng, giải pháp để phát triển đối với các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp; phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành của tỉnh để triển khai thực hiện sắp xếp.
Số cán bộ, công chức dôi dư có 48 người, cần có phương án sắp xếp cụ thể, hoàn thành trước năm 2021. UBND tỉnh Phú Yên cần tập trung, bố trí nguồn lực hợp lý để ĐVHC mới phát triển tốt sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại Hội nghị, thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Phú Yên rà soát lại các số liệu trong Đề án, cần chú thích đầy đủ về nguồn số liệu sử dụng, đồng thời lấy những số liệu mới nhất của cơ quan có thẩm quyền công bố. Đề nghị có phương án cụ thể đối với việc quản lý và sử dụng tài sản công sau sắp xếp các ĐVHC cấp xã.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cơ bản thống nhất với phương án sắp xếp của tỉnh Phú Yên, tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị cần quan tâm đến phương án sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, đảm bảo chế độ, chính sách và thời gian hoàn thành trước năm 2021.
Ngoài ra, Hội đồng thẩm định cũng đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện để các ĐVHC mới được thành lập sau sắp xếp ổn định, phát huy thế mạnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội.