BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2021

16/10/2019 16:23

Ngày 14/10, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2021.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn chủ trì Hội nghị thẩm định Đề án của tỉnh Nghệ An.

Tham dự Hội nghị có đại biểu Quốc hội Phạm Trí Thức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương có liên quan; Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Cao Thị Hiền; Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện có liên quan của tỉnh Nghệ An.

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý trình bày tóm tắt Đề án của tỉnh Nghệ An.

Báo cáo Đề án tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An Lê Đình Lý cho biết,
 tỉnh Nghệ An hiện có 21 đơn vị hành chính cấp huyện (17 huyện, 01 thành phố thuộc tỉnh và 03 thị xã), trong đó không có đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện thuộc diện chưa đạt 50% theo quy định của 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. 

Trong số 480 ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh (gồm 431 xã, 32 phường và 17 thị trấn), số lượng ĐVHC cấp xã có 02 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 17 ĐVHC cấp xã (14 xã và 03 thị trấn).

Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Nghệ An tiến hành sắp xếp 14 xã và 02 thị trấn do chưa đạt 50% của 02 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, gồm:

Tại huyện Quế Phong: Điều chỉnh diện tích tự nhiên, dân số của Bản Bon thuộc xã Tiền Phong và diện tích tự nhiên, dân số của Bản Hồng Phong, bản Thái Phong, bản Cỏ Nong thuộc xã Mường Nọc để mở rộng thị trấn Kim Sơn lên 23,44 km2 diện tích tự nhiên, với dân số là 7.897 người. Xã Tiền Phong sau khi điều chỉnh còn lại 138,83 km2 diện tích tự nhiên, dân số là 10.076 người.

Tại huyện Tương Dương: Điều chỉnh diện tích tự nhiên, dân số của 7 bản của xã Thạch Giám vào thị trấn Hòa Bình và đổi tên thành thị trấn Thạch Giám, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 69,3 km2, dân số 7.600 người. Điều chỉnh diện tích tự nhiên của bản Thạch Dương thuộc xã Thạch Giám vào xã Xá Lượng, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 123,42 km2, dân số 6.030 người. Sáp nhập phần còn lại của xã Thạch Giám vào xã Tam Thái, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 123,88 km2, dân số 4.770 người.

Tại huyện Thanh Chương: Sáp nhập xã Thanh Tường với xã Thanh Văn và xã Thanh Hưng để thành lập xã mới, lấy tên là xã Đại Đồng, sau khi sắp xếp có diện tích tự nhiên 15,83 km2, dân số 13.300 người.

Tại huyện Diễn Châu: Sáp nhập xã Diễn Minh với xã Diễn Bình và xã Diễn Thắng để thành lập xã mới, lấy tên là xã Minh Châu, sau khi sắp xếp có diện tích tự nhiên 17,15 km2, dân số là 11.600 người.

Tại huyện Nghi Lộc: Sáp nhập xã Nghi Hợp với xã Nghi Khánh để thành lập xã mới, lấy tên là xã Khánh Hợp có diện tích tự nhiên 7,91 km2, dân số là 9.100 người.

Tại huyện Nam Đàn: Sáp nhập xã Nam Phúc với xã Nam Trung và xã Nam Cường để thành lập xã mới, lấy tên là xã Trung Phúc Cường, sau khi sắp xếp có diện tích tự nhiên 20,46 km2, dân số là 14.100 người. Điều chỉnh diện tích tự nhiên và dân số của xóm Đại Đồng thuộc xã Nam Thượng nhập với xã Nam Tân và xã Nam Lộc để thành lập xã mới, lấy tên là Thượng Tân Lộc, sau sắp xếp xã mới có diện tích tự nhiên 31,2 km2, dân số 11.300 người.

Tại Thị xã Thái Hòa: Sáp nhập xã Nghĩa Hòa với phường Long Sơn để thành lập phường mới, lấy tên là phường Long Sơn, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 16,3 km2, dân số là 7.200 người.

Tại huyện Nghĩa Đàn: Sáp nhập xã Nghĩa Tân với xã Nghĩa Thắng và xã Nghĩa Liên để thành lập xã mới lấy tên là xã Nghĩa Thành, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 25,29 km2, dân số là 9.100 người.

Tại huyện Hưng Nguyên: Sáp nhập xã Hưng Xá với xã Hưng Long để thành lập xã mới lấy tên là xã Long Xá, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 7,9 km2, dân số là 9.000 người. Sáp nhập xã Hưng Lam với xã Hưng Xuân để thành lập xã mới lấy tên là xã Xuân Lam, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 11,1 km2, dân số là 7.700 người. Sáp nhập xã Hưng Phú với xã Hưng Khánh để thành lập xã mới lấy tên là xã Hưng Thành, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 7,5 km2, dân số 4.500 người. Sáp nhập xã Hưng Nhân với xã Hưng Châu để thành lập xã mới lấy tên là xã Châu Nhân, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 11,1 km2, dân số 7.700 người. Sáp nhập xã Hưng Tiến với xã Hưng Thắng để thành lập xã mới lấy tên là xã Hưng Nghĩa, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 8,4 km2, dân số là 6.900 người.

Cùng với đó, tỉnh Nghệ An đồng thời sắp xếp 04 xã theo diện khuyến khích, gồm 02 xã thuộc huyện Quế Phong và 02 xã thuộc huyện Nam Đàn:

Tại huyện Quế Phong: Sáp nhập phần còn lại sau khi điều chỉnh của xã Mường Nọc với xã Quế Sơn để thành lập xã mới lấy tên là xã Mường Nọc, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 50,78 km2, dân số là 6.627 người.

Tại huyện Nam Đàn: Sáp nhập phần còn lại của xã Nam Thượng với xã Vân Diên và thị trấn Nam Đàn để mở rộng thị trấn Nam Đàn, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 18,7 km2, dân số là 20.600 người.

Tỉnh Nghệ An chưa đề xuất phương án sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2019-2021 đối với thị trấn Mường Xén thuộc huyện Kỳ Sơn vì một số lý do đặc thù.

Như vậy, sau khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã, tỉnh Nghệ An sẽ giảm 20 ĐVHC cấp xã.

Về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp, tỉnh Nghệ An báo cáo tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của đại biểu HĐND tại ĐVHC cấp xã được hình thành sau khi sắp xếp thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. UBND cấp huyện điều động, bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức của các xã, phường được sắp xếp, sáp nhập theo quy định ngay khi có Nghị quyết sáp nhập ĐVHC cấp xã của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành. Toàn bộ đại biểu HĐND của các xã sáp nhập cho đến khi bầu cử HĐND khóa mới.

Về phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các ĐVHC thuộc diện sắp xếp được thực hiện trong vòng 05 năm kể từ khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo quy định số lượng người tại đơn vị hành chính cấp xã loại II Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư theo quy định.

Bên cạnh việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tỉnh Nghệ An cũng xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục tại các ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập và sắp xếp, bố trí công tác đối với các viên chức.

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý khẳng đinh, việc sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo các quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của địa phương.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Nguyễn Hữu Thành phát biểu ý kiến.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Nguyễn Hữu Thành cho rằng, tỉnh Nghệ An đã xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo các nội dung quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hướng dẫn tại Văn bản số 2115/BNV-CQĐP ngày 16/5/2019 của Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên, Vụ Chính quyền địa phương đề nghị tỉnh Nghệ An giải trình thêm về trường hợp chưa sáp nhập, đồng thời có giải trình về nguyên nhân, lý do đối với một số xã sau khi sáp nhập vẫn chưa đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu ý kiến.

Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Nghệ An được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục quy định. Tất cả các ĐVHC cấp xã được lấy ý kiến cử tri đều tán thành với việc sắp xếp, đạt tỷ lệ cao.

Nội dung trong hồ sơ, Đề án đã thể hiện rõ hiện trạng, phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã; phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và kế hoạch, lộ trình giải quyết đối với những người dôi dư sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã; đánh giá tác động của việc sắp xếp và định hướng, giải pháp để phát triển đối với các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp; phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành của tỉnh để triển khai thực hiện sắp xếp.

Ủy viên Hội đồng thẩm định Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng,  phát biểu ý kiến.

Ủy viên Hội đồng thẩm định Nguyễn Thị Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, phát biểu ý kiến.

Phát biểu tại Hội nghị, thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Nghệ An rà soát lại các số liệu trong Đề án, cần lấy số liệu mới nhất của cơ quan có thẩm quyền công bố. Đề nghị giải trình, có phương án cụ thể, như: Việc quản lý và sử dụng tài sản công sau sắp xếp các ĐVHC cấp xã; Phương án bố trí công an chính quy về các xã mới sau sáp nhập; Vấn đề tăng diện tích gần 60 lần đối với thị trấn Thạch Giám (đơn vị hành chính mới) sau khi tiến hành sáp nhập xã Thạch Giám vào thị trấn Hòa Bình, vốn được thành lập từ năm 1989 nhưng đến nay chưa được công nhận Đô thị loại 5; Phương án hỗ trợ, lộ trình sắp xếp đối với cán bộ, công chức dôi dư.

Ngoài ra, Hội đồng thẩm định cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện để các ĐVHC mới được thành lập sau sắp xếp ổn định, phát huy thế mạnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Phạm Trí Thức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phát biểu ý kiến.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Trí Thức, đánh giá cao nội dung chuẩn bị Đề án của tỉnh Nghệ An, tuy nhiên, do thời gian còn ít và nhiều tỉnh chưa hoàn thiện Đề án, ông Phạm Trí Thức đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ có giải pháp sớm hoàn thành trong tháng 11/2019. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An cần hoàn thành phương án sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trước năm 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý đã tiếp thu ý kiến và giải trình các vấn đề Hội đồng thẩm định quan tâm. Thay mặt Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định, tỉnh Nghệ An quyết tâm hoàn thành phương án sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trước năm 2021, đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, chỉ đạo Sở Nội vụ Nghệ An phối hợp chặt chẽ với Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, để hoàn thiện Đề án, đảm bảo chất lượng, trình cấp thẩm quyền trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội tới đây.

Về phương án quản lý trụ sở, tài sản công sau khi tiến hành sáp nhập, ông Thái Thanh Quý cho biết, tỉnh Nghệ An có phương án bố trí trụ sở mới ở vị trí thuận lợi nhất cho người dân; đồng thời có phương án quản lý, sử dụng tài sản công một cách hiệu quả nhất.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn kết luận Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tiếp thu các ý kiến Hội đồng thẩm định, kịp thời chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu, có phương án cụ thể và quyết tâm hoàn thành công tác sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trước năm 2021.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn giao Vụ Chính quyền địa phương phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An hoàn thiện hồ sơ, Đề án theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các số liệu, bản đồ thể hiện trong Đề án cần được rà soát lại và sử dụng số liệu mới nhất do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, các bản đồ thể hiện rõ phương án sắp xếp, đảm bảo số liệu chính xác, tin cậy.

Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án của tỉnh Nghệ An.

Nam Phong

Tìm kiếm