BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đổi mới hệ thống chính trị mới tinh giảm được bộ máy, biên chế

15/11/2024 11:01

Trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” mới đây, Tổng Bí thư yêu cầu Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. Không tinh gọn bộ máy không phát triển được.

Vậy tinh gọn như thế nào? Đó là vấn đề mà VietTimes đã đặt ra với TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Tổng thư ký Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.


TS. Thang Văn Phúc nói cải cách hành chính là câu chuyện dài, không phải bây giờ chúng ta mới nói tới, mới nhấn mạnh là “khâu đột phá” trong tháo gỡ thể chế. Không phải Đảng và Nhà nước không có quyết tâm chính trị. Không phải chúng ta không triển khai. Vấn đề này được thể hiện rất rõ ở các Nghị quyết của Đảng.

Ngay từ Đại hội Đảng VI (năm 1986), khi tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế theo thể chế thị trường, chúng ta đã ý thức được là đi kèm với đổi mới kinh tế phải đổi mới bộ máy nhà nước. Chúng ta đã chỉ ra được đối tượng cần cải cách là thể chế hành chính, bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ công chức và từng bước hiện đại hóa nền hành chính.

Nghị quyết của Đảng cũng nêu 7 vấn đề cốt lõi của công cuộc cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, như vấn đề “cởi trói” cho doanh nghiệp, vấn đề đầu tư, hội nhập quốc tế, vấn đề đất đai, hộ khẩu, hộ tịch, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu … Tức là những vấn đề gì liên quan đến công dân, doanh nghiệp thì đều đã được vạch ra. Bắt đầu từ năm 1994 công cuộc cải cách này được triển khai.

Chính phủ đã có hẳn một dự án cải cách hành chính do ông Phan Ngọc Tường (lúc đó là Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ) làm Giám đốc dự án do Liên hợp quốc tài trợ, và mời cả chuyên gia nước ngoài tham gia. Chúng ta lấy cải cách thủ tục hành chính làm khâu đột phá.

"Tôi là người theo từ đầu: từ xây dựng ý tưởng, thiết lập chương trình tổng thể có tính chiến lược, đến triển khai thực hiện, nhưng đến năm 2024 chúng ta vẫn còn phải tuyên bố cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá.

Như vậy là sau gần 40 năm đổi mới và 30 triển khai cải cách hành chính, mọi thứ lại bắt đầu làm lại từ đầu hay sao? Thực ra chúng ta cũng đã đặt ra nhiệm vụ cải cách thể chế, đổi mới hệ thống chính trị bao gồm cả hệ thống đoàn thể giai đoạn 2001-2010, sau nhiều năm chuẩn bị khá công phu từ khảo sát, đánh giá thực trạng nền hành chính từ Trung ương đến 64 tỉnh, thành phố cả nước lúc bấy giờ (1997-2000), có cả sự tham gia của Liên hợp quốc, UNDP, của các tổ chức quốc tế khác, nhưng rồi mọi thứ vẫn như chưa được làm quyết liệt, đồng bộ, đến nơi đến chốn", TS Thang Văn Phúc nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ hơn nữa là 40 năm trước, chúng ta đã ý thức được, đã triển khai, đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ, đã tham gia hội nhập sâu rộng: gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, tham gia WTO... Đó là những “thời cơ vàng” đột phá về cải cách hành chính để phù hợp với xu thế phát triển mới của thời đại. Tuy nhiên, chúng ta đã làm chưa thật hiệu quả và làm rất chậm.

- Theo ông, nguyên nhân vì sao chúng ta lại triển khai chậm như vậy, nếu không muốn nói là quá chậm?

- Nguyên nhân bao trùm là do cải cách thể chế. Đúng như Tổng bí thư Tô Lâm nói đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Hệ thống chính trị của chúng ta do Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối đã rất thành công trong tiến trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nền kinh tế có bước phát triển khá ấn tượng, lĩnh vực ngoại giao có những bước tiến vượt bậc, các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga... chúng ta đều nâng lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, và đã thiết lập quan hệ với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường (theo định hướng XHCN) có những quy luật của nó, chúng ta phải tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị: vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, sự quản lý của Nhà nước để khai thác được tối đa nguồn lực và cơ hội phát triển đất nước, nhất là trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của CNTT 4.0, nhất là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thế giới thay đổi nhanh chóng.


- Thưa ông, khi nói đến bài toán tổng thể mang tính bao trùm về cải cách, đổi mới hệ thống chính trị, chúng ta cần minh định Đảng lãnh đạo như thế nào, Nhà nước làm gì, người dân làm gì. Nhà nước càng “nhỏ”, xã hội càng “lớn” thì mới dễ tháo gỡ điểm nghẽn về thế chế. Đó là khái niệm mà dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt được gọi là “Nhà nước nhỏ, xã hội lớn”. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Cải cách hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị hướng đến mục tiêu “Nhà nước nhỏ, xã hội lớn” là xu thế chung ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường thì thể chế phải cấu trúc lại các mối quan hệ trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị cho phù hợp với sự vận động của nó.

Xã hội vận hành theo hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, phải phân định mạch lạc: Nhà nước làm gì và người dân làm gì. Nhà nước làm chức năng quản lý, quản trị tốt, giám sát xã hội và thu thuế. Còn người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Nhà nước chỉ làm những gì mà người dân không muốn làm và không làm được.

Vì đặc thù của Việt Nam là Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối mọi hoạt động của xã hội, nên phải minh định rõ: Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối, giám sát cán bộ, đảng viên của Đảng thực hiện tốt vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Đảng lãnh đạo Nhà nước, và bằng nhà nước chứ không làm thay Nhà nước. Quốc hội không làm việc của Chính phủ. Chính phủ không làm các công việc thuộc về đoàn thể. Tổng bí thư Tô Lâm nói cán bộ trong hệ thống chính trị cần phải “đúng vai, thuộc bài” là như thế.

Ở một số nước như Anh, Bắc Ailen, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Chính phủ trao quyền tự quyết (phân quyền) cho chính quyền địa phương, đồng thời tăng cường xã hội hóa, chuyển giao việc thực hiện dịch vụ công cho các đơn vị khác, cho xã hội.

- Về lý thuyết thì là như vậy, nhưng việc triển khai như thế nào để hệ thống chính trị vận hành được như ông nói mới là vấn đề cần bàn?

- Sao lại chỉ là lý thuyết? Vấn đề này đã được triển khai rồi. Chúng ta từng xây dựng Chương trình “Đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam giai đoạn 2001-2010” do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Đình Hoan làm Chủ nhiệm. Phía Chính phủ có đồng chí Nguyễn Khánh, khi ấy là Phó thủ tướng và một số đồng chí khác nữa, trong đó có tôi đại diện cho Bộ Nội vụ.

Khi đã đưa ra các vấn đề rất cụ thể như Đảng đổi mới vai trò lãnh đạo ra sao; Quốc hội, Chính phủ, chính quyền trung ương, địa phương đổi mới như thế nào. Rồi đổi mới hoạt động tư pháp ra sao; đổi mới hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể như thế nào… Tôi được giao chủ nhiệm đề tài “Đổi mới hoạt động của MTTQVN và các tổ chức Đoàn thể”. Tiếc là sau đó đồng chí Trần Đình Hoan qua đời và mọi việc đã không được triển khai đến nơi, đến chốn.

Rồi cả việc tách các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi bộ chủ quản cũng được triển khai. Các bộ phải quay về với chức năng quản lý nhà nước, không “ôm” các doanh nghiệp. Nhưng rồi chúng ta lại cứ loay hoay với những việc cụ thể như thế mãi nên Chính phủ chưa dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển, tìm thị trường nữa.

Một quan chức nước ngoài tham gia dự án cải cách hành chính từng hỏi tôi: “Các ngài làm gì mà bận thế? Suốt ngày thấy đi họp. Đáng ra các ngài phải làm chiến lược, tạo ra thị trường, tìm kiếm các mối quan hệ để tạo cơ hội cho doanh nhân, doanh nghiệp họ làm ăn, thì các ngài lại đi mít tinh, festival, phát động phong trào này kia…”

Khi còn đương chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, có một năm tôi xếp tất cả các giấy mời họp vào một chỗ. Cuối năm đếm được hơn 400 cái. Đó là chưa kể mời họp bằng điện thoại, mời miệng. Nếu cuộc nào cũng dự thì quanh năm chỉ có họp. Thế thì còn đâu thời gian mà tư duy, nghiên cứu cái gì nữa. Đó là lỗi rất lớn trong hệ thống của chúng ta”.


- Khi nói về việc tinh giảm bộ máy trong hệ thống chính trị Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. Không tinh gọn bộ máy không phát triển được”. Vậy các ban của Đảng có cần tinh gọn hơn không, thưa ông? Nhìn lại thì từ tháng 4/2007 đến tháng 12/2012: Bộ Chính trị hợp nhất Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng thành Văn phòng Trung ương Đảng. Nhưng sau đó, một số ban lại được tái lập…

- Như tôi đã nói, năm 1999, khi xây dựng Chương trình “Đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam giai đoạn 2001-2010”, chúng ta đã làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng để không trùng chéo với sự quản lý của Nhà nước. Vì nếu chồng lấn sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước. Còn khi xây dựng Nghị Quyết hội nghị Trung ương 7 khóa 8 (1999) về công tác tổ chức cán bộ cũng đã làm rõ hơn vấn đề này.

Thậm chí đã đưa ra phương án nhất thể hóa chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Tuy nhiên khi triển khai thì được kết luận là “chưa chín muồi”. Các ban của Đảng được sáp nhập, lồng ghép chỉ còn 5 ban, giảm được 3 đầu mối. Như vậy là bộ máy Đảng bớt cồng kềnh mà hiệu quả lãnh đạo của Đảng được tập trung và nâng cao hơn.

- Vậy còn hệ thống Ban cán sự, Đảng ủy các khối thì sao, thưa ông?

- Năm 2007, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương trên cơ sở tổ chức lại 7 đảng bộ khối trực thuộc Trung ương và Ban Cán sự Đảng Ngoài nước, bao gồm tổ chức đảng trong các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức xã hội ở cả trong và ngoài nước.

Cũng năm 2007 Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương hay còn gọi là Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương cũng được thành lập. Lúc đó do chúng ta suy nghĩ là nếu tách các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi các bộ chủ quản thì phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan tổ chức Đảng.

Thời điểm ấy các bộ “ôm” doanh nghiệp nhiều lắm. Ví dụ như Bộ Thương mại (sau này là Bộ Công thương) có tới gần 300 doanh nghiệp trực thuộc. Lúc ấy cũng có ý kiến cho rằng hệ thống Đảng lãnh đạo đã có từ chi bộ, rồi đảng bộ cơ sở, đảng bộ trên cơ sở đến Ban chấp hành Trung ương rồi, nên có cần thiết thành lập các Đảng bộ khối nữa không?


- Chính phủ nước ta hiện nay có 30 đầu mối, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Trong khi đó, một nước đông dân như Trung Quốc cũng chỉ có 25 bộ, Đức có 14 bộ, Nhật bản chỉ có 12 bộ. Chính phủ của chúng ta có 30 đầu mối, liệu như vậy có nhiều quá không?

- Trong 10 năm tôi làm Thứ trưởng (1998-2008), chúng ta đã cải cách rất nhiều, đã giảm các đầu mối của Chính phủ, có lúc lên đến 76 đầu mối, bao gồm bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ. Đến nay Chính phủ (từ khóa XIV) còn 30 đầu mối.

Muốn Chính phủ thực sự “gọn gàng”, tất yếu phải giảm số lượng các bộ, nói chính xác hơn là phải giảm số lượng các bộ đơn ngành, đơn lĩnh vực, tăng cường các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Theo tôi, Chính phủ nên tinh gọn hơn nữa, còn khoảng 15-16 bộ là hợp lý. Hiện nay tất cả các quốc gia hiện đại nhất, giàu có nhất họ cũng chỉ có khoảng 10-12 bộ.

Điều quan trọng là trong bộ máy Chính phủ cũng phải phân định được rõ ràng là Thủ tướng làm gì, các thành viên Chính phủ (Bộ trưởng) làm gì? Thủ tướng không làm thay việc của Bộ trưởng.


Một quốc gia lớn như Mỹ mà họ cũng chỉ có Tổng thống, một Phó tổng thống và nội các là các bộ trưởng. Chính phủ Đức cũng chỉ có Thủ tướng và nội các là các bộ trưởng. Tại sao họ ít lãnh đạo thế mà họ quản lý đất nước tốt thế? Bởi vì họ làm đúng việc của họ. Đó là mô hình Nhà nước nhỏ- xã hội lớn. Đó là lý do Tổng bí thư Tô Lâm yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải đúng vai, thuộc bà

Xin nói thêm là có những tổ chức cần tách ra khỏi bộ chuyên ngành. Chúng ta đã rất thành công khi tách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ra khỏi 2 bộ là Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế. Rồi mô hình Kiểm toán nhà nước. Ngân sách nhà nước, tài sản công là phải được kiểm soát. Vậy ai là người kiểm soát? Không phải thanh tra tài chính; không phải thanh tra Chính phủ. Như vậy phải có cơ quan tương thích như trên thế giới người ta làm. Như vậy là Kiểm toán Nhà nước ra đời.

- Có ý kiến cho rằng cán bộ công chức của chúng ta đông nhưng không mạnh. Khi còn là Phó thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc có lần phát biểu trước Quốc hội là chỉ có 30-40% cán bộ công chức làm được việc. Vậy đối với 60% còn lại nên xử lý như thế nào, theo ông?

- Trước hết là rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ công chức. Mỗi cơ quan, tổ chức phải xác định cho được chức năng, nhiệm vụ ổn định tương đối trong vòng 5 đến 10 năm. Từ chức năng nhiệm vụ này thì sản phẩm của của họ là gì. Với sản phẩm ấy thì cần bao nhiêu người và những trình độ gì. Từ đó mới xác định bộ phận đó cần bao nhiêu công chức cao cấp, bao nhiêu chuyên viên chính, bao nhiêu công chức thường và bao nhiêu người phục vụ. Khi ấy mới định biên được là cần bao nhiêu biên chế để sắp xếp, tuyển dụng cho phù hợp.

Mấy “ông Tây” sang tham gia làm dự án trong lĩnh vực cải cách hành chính khi nghe ta báo cáo đơn vị này có 80%, đơn vị kia 90% cán bộ có trình độ đại học và trên đại học, rồi bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ…, họ bảo: “Sao các ông sử dụng chất xám lãng phí thế. Chính phủ của chúng tôi chỉ có 2 người là tiến sĩ thôi, không có một giáo sư nào cả”.


- Một trong những vấn đề mà Tổng bí thư Tô Lâm yêu cầu là các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể cũng phải tinh gọn lại. Theo ông, nên tinh gọn như thế nào?

- Khi nghiên cứu Chương trình khoa học trọng điểm cấp nhà nước KX-10 giai đoạn (2001-2010) theo chỉ đạo của Bộ chính trị, tôi được giao chủ trì một đề tài về đổi mới MTTQ và các đoàn thể trong thời kỳ mới; trong đó đã có những đề nghị cần đổi mới tổ chức và hoạt động của MTTQ và các đoàn thể. Trong điều kiện chưa giành được chính quyền thì Mặt trận và các đoàn thể tham gia cùng với Đảng giành chính quyền.

Khi có chính quyền rồi thì tập trung xây dựng một nhà nước pháp quyền mạnh để quản trị đất nước tốt. Còn lại các đoàn thể, hãy thực sự là các tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho các tầng lớp nhân dân, không bị hành chính hóa .

Cho nên muốn giảm được thì phải làm tận gốc đổi mới hệ thống chính trị mới giảm được bộ máy, giảm được biên chế. Đó là những cái cần làm của một cuộc “Đổi Mới lần thứ hai”.

- Xin cám ơn ông!

Nguồn: viettimes.vn
Tìm kiếm