Phát biểu tại một phiên thảo luận của Quốc hội mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu một thực tế là 70% ngân sách nhà nước hiện vẫn dùng để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ hoạt động của bộ máy. Nghĩa là chỉ còn 30% nguồn lực dành cho đầu tư cho phát triển, quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội. "Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Nuôi nhau hết thì tiền còn đâu nữa... Bộ máy cứ như thế thì làm sao chịu được”? - Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ.
Đúng là “ không thể chịu được” khi “một tờ giấy khai sinh nhưng có đến 5 - 6 cơ quan tham gia, lòng vòng từ y tế, tư pháp, công an, khiến người dân mất cả tuần, thậm chí 10 ngày mới làm xong, nhiều người chán nản muốn bỏ cuộc. "Tại sao không làm các thủ tục ngay ở trạm y tế đó để khi người ta bế con về là đầy đủ giấy tờ? Như thế người dân có sướng không?", Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Dẫn câu chuyện này ra Quốc hội, đồng chí Tổng Bí thư mong muốn, việc tinh gọn bộ máy phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể, rất chi tiết và rất thực tế. Tuy nhiên, muốn làm được việc này, phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy. Một khi đã gọi là "một cuộc cách mạng" thì công việc ấy phải được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đến từng chi bộ, đảng viên thực hiện. Trong đó, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu đi đầu, nhằm biến một chủ trương lớn của Đảng trở thành hiện thực, khắc phục những chồng chéo, lãng phí, tiêu cực hiện nay, để đất nước có một bộ máy hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Muốn bộ máy gọn mà hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thì cần phải quyết liệt trong việc tinh giản biên chế; phải đưa ra khỏi bộ máy những công chức làng nhàng “sáng vác ô đi tối vác về”. Việc tinh giản biên chế không đơn thuần là giảm bao nhiêu phần trăm như lâu nay, mà phải rà soát lại cơ cấu tổ chức, phải làm lại hệ thống vị trí việc làm, để từ đó, xác định cần bao nhiêu người ở lại là đủ.
“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”- câu thành ngữ được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày của người Việt từ xưa đến nay với ý nghĩa: “Mọi việc quý ở sự tinh nhuệ, chứ không ở số lượng nhiều”. Câu thành ngữ ấy đặc biệt đúng với yêu cầu nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý đất nước, khi bộ máy được cho là còn cồng kềnh, quan liêu, hiệu quả thấp, tiêu tốn bất hợp lý nguồn lực của quốc gia.
Những bất cập của hệ thống chính trị đã có phần cũ kỹ, lạc hậu sau nhiều thập kỷ vận hành; một số bộ phận, tầng nấc đã không còn phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước thì có lẽ, đã có không ít người nhận ra. Nhưng từ “nhận ra” đến “nói ra” luôn là một khoảng cách. Đặc biệt là “nói ra” bằng một bài viết với những lập luận, nhận định xác đáng, cùng những yêu cầu cụ thể, hòng tìm kiếm một sự thay đổi mang tính đột phá cho đất nước trong kỷ nguyên mới thì không phải ai cũng “dám nói” và “dám làm”.
Trên vai trò người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã công khai quan điểm của mình trong bài viết: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” với những phân tích, nhận định và yêu cầu cụ thể, gọi đây là “cuộc cách mạng” về công tác tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị của đất nước.
Đã gọi là “cuộc cách mạng”, đồng nghĩa với một sự thay đổi. Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cần phải có một bộ máy điều hành được đổi mới từ diện mạo đến phong cách lãnh đạo và tinh thần làm việc của mỗi cá nhân. Những bất cập, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị dứt khoát phải được rà soát và sắp xếp lại. Không chỉ quyết tâm ở lời nói, mà phải bằng hành động thực tiễn.
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra mô hình tổ chức bộ máy hiện tại, bao gồm ba khối Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, cần phải được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Theo tinh thần ấy, Đảng, Chính phủ phải làm gương, bằng sự rà soát, sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo, quản lý của mình; mạnh dạn sáp nhập, thậm chí là cắt giảm những cơ quan, đơn vị không rõ chức năng, nhiệm vụ, không còn hợp thời. Bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương cũng cần phải được điều chỉnh, hợp nhất hoặc cắt giảm các cấp trung gian, phòng ban, đơn vị không hiệu quả; giảm nhân sự để giảm bớt phức tạp và chồng chéo trong quản lý không cần thiết.
Cần phải có sự điều chỉnh ở các cấp hành chính để giảm thiểu tình trạng "hành chính hóa" tổ chức chính trị, các đoàn thể. Không phải cái gì Nhà nước có thì đoàn thể cũng nhất thiết phải có; không phải cái gì trung ương có thì địa phương cũng như vậy.
Tổng Bí thư đã nêu rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện công việc này trong gian tới. Trong đó, xác định tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống; Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh; Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất...
Việc tinh gọn bộ máy được xác định là một “cuộc cách mạng” đầy khó khăn, thử thách, vì sẽ có nhiều va chạm, thậm chí là xung đột về lợi ích. Nhưng đây là một việc cấp thiết để xây dựng hệ thống chính trị mạnh mẽ và hiệu quả. Vì vậy, cần sự đoàn kết và quyết tâm cao trong toàn Đảng và các cấp chính quyền, đoàn thể để biến quyết tâm thành hành động, vì sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.