Về Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên nêu rõ: 04 xã (Ông Đình, Đông Ninh thuộc huyện Khoái Châu; Tiền Phong, Cẩm Ninh thuộc huyện Ân Thi) đã hình thành và ổn định từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào.
Cùng với đó, 01 phường (Hồng Châu thuộc Thành phố Hưng Yên) là đô thị di sản văn hóa vật thể được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ) và 05 xã (Hùng Cường, Hoàng Hanh, Bảo Khê thuộc thành phố Hưng Yên; Xuân Dục, Hưng Long thuộc thị xã Mỹ Hào) đã được quy hoạch phát triển thành ĐVHC đô thị.
Theo đó, tỉnh Hưng Yên đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với 10 ĐVHC cấp xã nêu trên (áp dụng quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15).
Về số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp: 35 đơn vị (31 xã, 03 phường, 01 thị trấn). Trong đó, thực hiện sắp xếp 25 đơn vị (22 xã, 02 phường, 01 thị trấn). Số lượng ĐVHC cấp xã liền kề có điều chỉnh khi thực hiện phương án sắp xếp: 18 đơn vị (16 xã, 02 thị trấn).
Như vậy, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Hưng Yên thực hiện sắp xếp 43 đơn vị, gồm 38 xã, 02 phường, 03 thị trấn (25 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 18 đơn vị liền kề).
Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Hưng Yên giảm 22 ĐVHC cấp xã (21 xã, 01 phường): Từ 161 đơn vị (139 xã, 14 phường và 08 thị trấn) còn 139 đơn vị (118 xã, 13 phường, 08 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa sau sắp xếp 18,58% (267.090 người/1.437.152 người), tăng 2,26%.
Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã
Đối với các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của 21 ĐVHC cấp xã (mới): Việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị này thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành (không có vướng mắc).
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Giữ nguyên hiện trạng các cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) để bảo đảm đủ cơ sở vật chất trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn. Nhập các Trạm y tế của các ĐVHC cấp xã (cũ) để thành lập Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (mới); đồng thời, các Trạm y tế dôi dư được sử dụng làm cơ sở hoạt động các chương trình y tế cộng đồng thuộc Trạm y tế cấp xã (mới) để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
Về bố trí, giải quyết cán bộ, công chức cấp xã, viên chức y tế và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp
Tổng số cán bộ, công chức cấp xã, viên chức y tế và người hoạt động không chuyên trách của 43 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp 1.541 người (442 cán bộ, 351 công chức, 290 viên chức y tế và 458 người hoạt động không chuyên trách); bố trí tại 21 ĐVHC cấp xã (mới) 952 người (221 cán bộ, 253 công chức, 171 viên chức y tế và 307 người hoạt động không chuyên trách); dôi dư 589 người (221 cán bộ, 98 công chức, 119 viên chức y tế và 151 người hoạt động không chuyên trách).
UBND tỉnh Hưng Yên đã xây dựng phương án chi tiết bảo đảm trong năm 2025 giải quyết dứt điểm 151 người hoạt động không chuyên trách dôi dư; đến năm 2029 (sau 05 năm) giải quyết dứt điểm 221 cán bộ, 98 công chức cấp xã dôi dư. Đối với 119 viên chức y tế dôi dư sẽ giải quyết dứt điểm sau khi thực hiện việc chuyển Trung tâm Y tế cấp huyện từ Sở Y tế về UBND cấp huyện quản lý. Theo đó, thực hiện điều chuyển 119 viên chức y tế của các Trạm y tế cấp xã dôi dư về các Trung tâm y tế cấp huyện trên địa bàn tỉnh (không còn dôi dư).
Đồng thời, ngoài các chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Hưng Yên đang xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh.