Phiên họp diễn ra tại cơ sở II Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa điểm dự kiến tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025.
Tham dự phiên họp có bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh; Chư tôn đức lãnh đạo, thành viên Thường trực Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (ICDV) đến từ nhiều quốc gia; lãnh đạo Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Kể từ khi Đại Hội đồng Liên Hợp quốc chính thức ban hành Nghị quyết về Đại lễ Vesak vào ngày 15/12/1999, tính đến nay Đại lễ Vesak đã trải qua 24 lần tổ chức, trong đó có 15 lần tổ chức tại Thái Lan, 01 lần tại Sri Lanka và 03 lần tại Việt Nam.
Các kỳ Đại lễ Vesak tại Việt Nam lần lượt được tổ chức vào các năm 2008 tại Hà Nội, năm 2014 tại Ninh Bình và năm 2019 tại Hà Nam. Qua 03 kỳ tổ chức thành công Đại lễ Vesak, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm từ ICDV và cộng đồng Phật giáo quốc tế. Được sự chấp thuận của Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (ICDV), Việt Nam chính thức tiếp nhận đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc lần thứ 24 tổ chức vào năm 2025 tại Việt Nam, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 5/2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phiên họp lần thứ nhất được tiến hành trong 02 ngày 27-28/9 nhằm thảo luận các công tác chuẩn bị, thống nhất một số nội dung quan trọng cho Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2025, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 5-2025.
Tham dự và phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, Đại lễ Vesak là lễ hội văn hóa tôn giáo được tổ chức trong khuôn khổ của Liên Hợp quốc do Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc phối hợp với Chính phủ hoặc tổ chức Phật giáo quốc gia đăng cai tổ chức. Đến nay, Việt Nam đã ba lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, năm 2008 do Chính phủ đăng cai tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Thành phố Hà Nội); năm 2014 và 2019, được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc tại Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) và tại Tam Chúc (tỉnh Hà Nam).
Ba lần Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc đều được Liên Hợp quốc và cộng đồng Phật giáo thế giới đánh giá cao về quy mô, cách thức tổ chức, nội dung chương trình nghị sự cũng như những tuyên bố chung sau Đại lễ.
Để chuẩn bị tốt cho việc tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2025, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đã trao đổi cùng Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam các nội dung:
Thứ nhất, với tư cách là thành viên của Liên Hợp quốc, Việt Nam luôn ủng hộ và chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với các lĩnh vực hoạt động do Liên Hợp quốc khởi xướng và tổ chức, trong đó có Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc. Thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách đối ngoại rộng mở, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, coi Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc là một sự kiện văn hóa, tôn giáo quốc tế lớn và quan trọng của đất nước, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời, khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với các hoạt động của Liên Hợp quốc trên tất cả các lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc đăng cai, chuẩn bị, tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam.
Thứ hai, về mặt chủ trương và những nội dung mang tính pháp lý, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận về nguyên tắc cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam và sẽ có công hàm gửi Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc về việc chấp thuận và tạo điều kiện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai, tổchức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng sẽ cùng với các bộ, ban, ngành Trung ương và Ủy ban Nhân dânThành phố Hồ Chí Minh, nơi diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 và các địa phương liên quan, triển khai các công việc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ của pháp luật Việt Nam để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tổ chức Đại lễ.
Thứ ba, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam cần thống nhất xây dựng Đề án tổng thể và chương trình chi tiết về việc tổ chức Đại lễ và nhân sự chịu trách nhiệm, sớm trao đổi với Bộ Nội vụ để thông qua, với những nội dung quan trọng sẽ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt.
Thứ tư, Đại lễ Vesak được tổ chức trong khuôn khổ của Liên Hợp quốc, vì vậy, đề nghị Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc hướng dẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam triển khai chủ đề chính, chủ đề của các diễn đàn và những nội dung khác của Đại lễ gắn với mục tiêu chung của Liên Hợp quốc và những vấn đề mà các quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc đang nỗ lực thực hiện. Không tổ chức các hoạt động hay các diễn đàn có nội dung mang tính chính trị.
Thứ năm, về khách mời quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam cần sớm có kế hoạch và danh sách cụ thể để thống nhất với các cơ quan chức năng của Chính phủ trước khi gửi thư mời và liên hệ với cơ quan ngoại giao để được hướng dẫn những thủ tục liên quan đến xuất, nhập cảnh và lễ tân nhà nước, đón tiếp đoàn vào, đoàn ra, giải quyết các thủ tục giấy tờ liên quan đến đại biểu.
Thứ sáu, đối với Thành phố Hồ Chí Minh, là nơi diễn ra sự kiện, chủ động xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp các cơ sở hạ tầng ở địa phương; xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể và phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong công tác hướng dẫn, giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam các nội dung liên quan đến chuẩn bị, tổ chức Đại lễ.
Thứ bảy, đối với các bộ, ban, ngành liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao tham gia công tác hướng dẫn, giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam các nội dung liên quan đến chuẩn bị, tổ chức Đại lễ. Bộ Nội vụ sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ trong điều tiết công việc chung, hướng dẫn, giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam các thủ tục cần thiết; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để tham mưu, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị, tổ chức Đại lễ.
Sau những trao đổi cho công việc tổ chức Đại lễ, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cũng bày tỏ mong muốn, với sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc; sự hướng dẫn, giúp đỡ của các bộ, ngành ở Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan; với kinh nghiệm tổ chức thành công 03 kỳ Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2008, 2014 và 2019 tại Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam sẽ thêm một lần nữa đăng cai, chuẩn bị, tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam.
Tại Phiên họp, Thay mặt Thường trực ICDV, Hòa thượng GS, TS. Phra Brahmapundit, Chủ tịch ICDV đánh giá rất cao công tác tổ chức của Việt Nam qua 3 lần đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc vào các năm 2008, 2014 và 2019.
Hòa thượng tin tưởng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ Việt Nam, những nỗ lực hợp tác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và ICDV, Việt Nam sẽ một lần nữa đăng cai thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025. Hòa thượng cho biết nhằm đảm bảo cho việc tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, ICDV đã được thành lập vào năm 2013, đồng thời, nỗ lực thúc đẩy bốn sứ mệnh cốt lõi bao gồm: phát triển bền vững; biến đổi khí hậu; giáo dục và xây dựng hòa bình, chủ đề của Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 sẽ tiếp nối các chủ đề mà các kỳ Đại lễ trước đó đã đề ra, bám sát các sứ mệnh cốt lõi nêu trên cũng như 17 mục tiêu về phát triển bền vững được Liên Hợp quốc đề ra.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại Việt Nam nhấn mạnh tin tưởng rằng, Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 sẽ là cơ hội quý cho cộng đồng Phật giáo thế giới hiểu biết lẫn nhau và chia sẻ lợi ích từ các giá trị, truyền thống Phật giáo phong phú, cũng như lý tưởng tâm linh trong đạo Phật. Con đường minh triết có giá trị thực tiễn được Đức Phật khai sáng có khả năng giúp thế giới này trở thành nơi hòa hợp, hòa bình, theo đó, các gia đình hạnh phúc, các xã hội bền vững, an toàn và đáng sống hơn.
Trong ngày mai, 28/9, Đoàn Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc ICDV và Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc, khảo sát các điểm liên quan tới công tác tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận.