Dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực quản trị, hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ công vụ, công chức; đại diện một số Bộ, ngành, địa phương, một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; đại diện một số Trường Đại học, Viện nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về viếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập với mục tiêu tổng quát “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập…”.
Thứ trưởng Triệu Văn Cường nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu tổng quát trên, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, trong đó giải pháp nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội…
Thứ hai, áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong các Trường Đại học theo hướng, Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của Trường Đại học; Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường…
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện nội dung “Nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập”, theo đó trong những năm qua các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến từng loại hình đơn vị sự nghiệp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt một số chủ trương như việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ động trong quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được giao.
Triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào quản trị đơn vị sự nghiệp công lập”, Bộ Nội vụ đã thực hiện điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào đơn vị sự nghiệp công lập tại một số Bộ: Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; 06 địa phương và 04 doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ; Bệnh viện Giao thông vận tải; Trường Đại học FPT, qua đó rút ra một số nhận xét:
Một là, việc triển khai, áp dụng quản trị doanh nghiệp vào quản trị đơn vị sự nghiệp công lập đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư gần như chưa triển khai trong thực tế là do cơ chế, chính sách đối với các đơn vị sự nghiệp chưa thực sự gỡ bỏ được những rào cản để đơn vị sự nghiệp tự chủ, bứt phá. Những vấn đề thực tế quy định chung gây khó khăn cho đơn vị sự nghiệp như áp dụng mức trần giá dịch vụ, chưa tính đúng, tính đủ các chi phí vào giá dịch vụ, khó khăn trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuế đất, chính sách thu hút, giữ chân người có chuyên môn cao trong các đơn vị sự nghiệp. Các cơ chế, chính sách như tiền lương, thu nhập, đánh giá viên chức… chưa khích lệ để giữ chân được những chuyên gia giỏi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…
Hai là, về khảo sát mô hình quản trị tại các doanh nghiệp thấy rằng mô hình quản trị của doanh nghiệp có ưu điểm rất lớn là tính linh hoạt trong hoạt động và có khả năng phản ứng rất nhanh theo những biến động trên thị trường. Quản lý theo kết quả đầu ra; hầu hết các doanh nghiệp đều xây dựng chiến lược phát lược phát triển; đặc biệt chú trọng văn hóa, tinh thần doanh nghiệp. Việc sử dụng các nguồn lực trong doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực có tính tập trung, khá “cơ động” do vậy hiệu quả làm việc thường khá cao. Mỗi bộ phận trong doanh nghiệp đều có tính độc lập cao, chủ động về mục tiêu. Có các tiêu chuẩn, phương pháp hoạt động và quản trị rõ ràng phù hợp với sản phẩm hay địa bàn hoạt động của doanh nghiệp. Tạo được sự chủ động cho các nhà quản lý, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng; quan tâm tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng cũng luôn được chú trọng quan tâm, là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển trong môi trường cạnh tranh; có khả năng phản ứng nhanh trước những biến động phức tạp của thị trường...
Mặc dù mục tiêu hoạt động giữa doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập hoàn toàn khác nhau, nhưng xét về mục đích cốt lõi giữa hai loại hình có những điểm tương đồng như: hiện nay, bên cạnh mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận, quản trị doanh nghiệp ngày càng hướng tới thỏa mãn các nhu cầu đa dạng gắn với phát triển bền vững của chủ sở hữu và các bên lợi ích liên quan, đặc biệt là khách hàng, người lao động và các cộng đồng xã hội chịu tác động từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với các đơn vị công lập, trong đó có các tổ chức cung cấp dịch vụ công và các đơn vị sự nghiệp như cơ sở giáo dục và chăm sóc sức khỏe, mục tiêu của quản trị xét đến cùng cũng nhằm thỏa mãn nhu cầu của người dân và các cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, sự thỏa mãn nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm, dịch vụ công vừa là mục tiêu của quản trị đơn vị công lập, vừa là cách thức để bảo vệ và gia tăng lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường của người dân tương tự như mục tiêu của quản trị doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc xem xét áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào đơn vị sự nghiệp công lập cần xem xét, lựa chọn mức độ, quy mô, nội dung quản trị đối với từng loại hình, lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Để Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào đơn vị sự nghiệp công lập” đạt kết quả, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung sau: (i) Làm rõ các vấn đề liên quan đến mô hình quản trị doanh nghiệp; (ii) Chia sẻ một số kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp để vận dụng vào quản trị đơn vị sự nghiệp công lập; (iii) Thực trạng và đề xuất giải pháp áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào đơn vị sự nghiệp công lập; (iv) Đề xuất các nội dung, yếu tố, phạm vi và khả năng áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào quản trị đơn vị sự nghiệp công lập (theo từng loại hình, lĩnh vực hoạt động).
Các ý kiến đóng góp quý báu của quý vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo này sẽ góp phần cung cấp, bổ sung những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến đổi mới tổ chức hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công phục vụ nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Phước Thọ, Nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, dù doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp công lập công thì cũng phải đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phải ứng dụng khoa học công nghệ để hướng tới những giá trị tốt nhất cho người sử dụng.
Còn theo TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước nhấn mạnh , cần căn cứ và bám sát vào quan điểm của Đảng và các quy định của Nhà nước để tham mưu cho đúng.
Theo PGS. TS. Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay việc áp dụng nguyên tắc quản trị doanh nghiệp để quản trị đơn vị công đã phổ biến ở nhiều quốc gia, tuy vậy có sự đa dạng về biện pháp áp dụng tùy theo đặc thù của hệ thống kinh tế, xã hội, chính trị và pháp luật. Ngay trong cùng một quốc gia, tùy theo đặc điểm của từng loại đơn vị công (cơ sở giáo dục hay bệnh viện) mà áp dụng các biện pháp khác nhau. Ví dụ, tại Cộng hòa Liên bang Đức, các bệnh viện công có thể chuyển sang hình thức doanh nghiệp hoặc áp dụng cơ cấu quản trị doanh nghiệp hoặc giữ nguyên cơ cấu tổ chức nhưng áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp trên các mặt tài chính, kiểm toán, giám sát, đánh giá, chế độ đãi ngộ…
PGS. TS. Trần Kim Chung cho rằng, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập vẫn có nhiều điểm khác biệt trên nhiều phương diện, từ chế độ sở hữu, sản phẩm, dịch vụ, cho tới cơ chế quản lý tài chính và sử dụng các nguồn lực, từ đó tạo nên những nét đặc thù về mô hình quản trị. Vì vậy, trong bối cảnh nước ta hiện nay, việc đưa mô hình quản trị công ty vào quản trị đơn vị sự nghiệp công lập là cần thiết, nhưng cần có điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu, đặc điểm của từng loại hình và từng lĩnh vực hoạt động. Đồng thời, phương án chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang hình thức công ty càng phải được xem xét thấu đáo, thận trọng trên nhiều phương diện.
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học cũng tập trung tham luận về một số vấn đề như: vấn đề lý luận về áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào đơn vị sự nghiệp công lập; thực trạng và giải pháp đổi mới cơ chế, chính sách áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào đơn vị sự nghiệp công lập tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp để vận dụng một số nội dung của mô hình quản trị doanh nghiệp vào đơn vị sự nghiệp công lập; thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới cơ chế tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam hiện nay; thực trạng và giải pháp đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta hiện nay; tự chủ tài chính, tài sản, quản lý nhân sự, tổ chức bộ máy;…
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo: