BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030

05/12/2023 14:48

Ngày 26/10/2023, Ủy Ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 259/KH-UBND về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn thành phố đến năm 2030.

Mục tiêu chung: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023 - 2025: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%. Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%. Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Kế hoạch đề ra 6 nội dung và giải pháp là:  

Thứ nhất, cơ chế chính sách, pháp luật về Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Căn cứ Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn Thành phố đến năm 2030 của UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch của Sở, ban, ngành hoặc Kế hoạch liên ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch của đơn vị; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá các cấp, các ngành tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn Thành phố đến năm 2030; hạn chế, kiểm soát chặt chẽ việc bán các sản phẩm thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế.

Đề xuất ban hành biện pháp về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới trong cộng đồng thuộc thẩm quyền của Thành phố; việc bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên hoặc trẻ vị thành niên bán thuốc lá theo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của tổ chức Y tế Thế giới; đề xuất các giải pháp tăng cường lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác, nghiên cứu về phòng, chống tác hại của thuốc lá với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước theo đúng quy định.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá: Tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, các quy định của pháp luật có liên quan để tạo đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; đề cao tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong tổ chức thực hiện quy định cấm hút thuốc.

Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các đơn vị, địa phương lấy kết quả thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thứ ba, tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá: Xây dựng chương trình, kế hoạch thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng giai đoạn; thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá với các hình thức đa dạng, phù hợp đặc điểm từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Cập nhật thường xuyên tài liệu, thông tin về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới; lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá, môi trường sống không có khói thuốc lá; chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; đẩy mạnh công tác giáo dục về tác hại và phòng, chống tác hại của thuốc lá cho giáo viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục; xây dựng tài liệu giáo dục và tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với các cấp học, bậc học.

Phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cộng đồng trong việc vận động, hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thứ tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá: Tăng cường lực lượng, xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá, triển khai các biện pháp ngăn chặn việc mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.

Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành theo chuyên đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá theo phân cấp; tăng cường sử dụng giải pháp về công nghệ thông tin, các mạng xã hội trong giám sát việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát về phòng, chống tác hại của thuốc lá: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghiên cứu về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới đối với sức khỏe của người tiêu dùng; các giải pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá hiệu quả; các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả; Xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống giám sát, đánh giá hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; cập nhật, xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn trong việc điều tra, đánh giá phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là các điều tra cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng chính sách, đánh giá hiệu quả các giải pháp can thiệp về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường phổ biến, chia sẻ thông tin, số liệu về phòng, chống tác hại của thuốc lá giữa các Sở, ngành và các đơn vị bảo đảm các thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá đầy đủ, kịp thời, dễ tiếp cận.

Thứ sáu, kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về phòng, chống tác hại của thuốc lá: Kiện toàn Ban Chỉ đạo Hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng, ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các Ban, ngành, cơ quan, tổ chức để bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm, phân công trách nhiệm cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và người tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong việc tham gia, giám sát thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Xây dựng, ban hành chế độ, chính sách phù hợp để khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Có hình thức khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá nhằm khuyến khích việc triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các địa phương, đơn vị.

Hữu Hồng
Tìm kiếm