Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Nguyễn Thị Mai Phương, Trần Hồng Nguyên, Nguyễn Phương Thủy và Ngô Trung Thành; các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan khác.
Đại diện Ban soạn thảo có Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng và các thành viên Tổ biên tập Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, Luật Lưu trữ được thông qua năm 2011, sau hơn 10 năm thực hiện tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để thống nhất quản lý công tác lưu trữ trong phạm vi toàn quốc, đã có chuyển biến tích cực trong hoạt động lưu trữ. Bên cạnh kết quả đạt được, với sự phát triển kinh tế xã hội, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, Đảng đã ban hành chủ trương, chính sách mới về đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghệ trong hoạt động quản lý của Nhà nước, Quốc hội đã ban hành nhiều Luật mới có liên quan rất chặt chẽ đến công tác lưu trữ. Do đó việc sửa đổi Luật Lưu trữ là rất cần thiết nhằm đáp ứng chủ trương của Đảng, yêu cầu của thực tiễn.
Trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật gồm 09 chương, 54 điều (tăng 02 chương, 12 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011), tập trung vào 04 chính sách, cụ thể: Phân định thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; Quản lý tài liệu điện tử; Quản lý tài liệu lưu trữ tư; Hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Báo cáo ý kiến Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật, ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban nêu rõ, Nhóm tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011. Hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị công phu, bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu đề nghị, Tờ trình của Chính phủ cần bổ sung, nhấn mạnh về “sứ mệnh” của lưu trữ, bên cạnh việc gìn giữ những tài liệu, tư liệu lịch sử quốc gia, còn là nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, bảo đảm chức năng quản lý nhà nước về lưu trữ.
Bên cạnh đó, Nhóm cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa về bố cục, về một số nội dung, điều khoản dự thảo Luật để phù hợp hơn như: Về đối tượng áp dụng luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật (với Luật Di sản văn hóa năm 2001 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009; một số luật khác như Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Kế toán, Luật Công chứng có quy định đặc thù về lưu trữ liên quan đến chế độ bảo quản, thời hạn lưu trữ...); việc phân cấp, phân quyền trong hoạt động lưu trữ (việc phân định thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tại liệu lưu trữ; việc quản lý cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ); về Hội đồng thẩm tra giá trị tài liệu lưu trữ (Điều 19), Hội đồng giải mật tài liệu lưu trữ; về xác định giá trị tài liệu lưu trữ; về hoạt động dịch vụ lưu trữ…
Tại phiên họp, các ý kiến cơ bản nhất trí với việc sửa đổi Luật Lưu trữ như Tờ trình của Chính phủ và các nội dung trong Báo cáo của Nhóm nghiên cứu. Các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi Luật, phạm vi điều chỉnh, hồ sơ dự án Luật, bố cục của dự thảo Luật, đối tượng áp dụng; xác định giá trị tài liệu, hoạt động dịch vụ lưu trữ, quản lý lưu trữ tư...
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đề nghị Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tiếp thu trên tinh thần cầu thị nhất các ý kiến góp ý.
Thứ trưởng lưu ý một số vấn đề với Tổ biên tập Dự án Luật, cụ thể: về kết cấu, chỉnh sửa từ phạm vi điều chỉnh: từ sản sinh tài liệu, đến hoạt động, đến quản lý. Về tính hợp hiến, hợp pháp, cần làm rõ quản lý nhà nước về lưu trữ, về di sản như thế nào, phân định thẩm quyền cho ai quản lý với vai trò tài liệu lưu trữ hay di sản văn hóa. Một đối tượng có thể bị điều chỉnh bởi nhiều luật…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang ghi nhận ý kiến của các đại biểu; đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp thu đầy đủ để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 26 đang diễn ra.