BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ Nội vụ: Áp dụng hình thức trực tuyến bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026

09/07/2021 21:03

Với 3.721 đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, 22.549 đại biểu HĐND cấp huyện và 239.752 đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa được cử tri bầu ra cần thiết được bồi dưỡng những kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản phục vụ quá trình công tác của đại biểu dân cử. Tuy nhiên, trước tình hình đại dịch Covid-19 trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và tiềm ẩn những nguy cơ, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp. Để công tác bồi dưỡng đảm bảo kịp thời, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã phê duyệt Kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh và các lớp tập huấn giảng viên, báo cáo viên bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026, theo đó, đây là lần đầu tiên áp dụng hình thức trực tuyến trong công tác bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh trên phạm vi cả nước.

Bộ Nội vụ tổ chức Lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, tại tỉnh Lạng Sơn, tháng 10/2016. Ảnh minh họa

Bồi dưỡng trực tuyến đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh


Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị, công điện; ban hành các thông tư, kế hoạch tổng thể của Bộ Nội vụ về thực hiện công tác bầu cử các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; trình Chính phủ quy định về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 kết nối 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trên 27.000 người tham dự; trả lời kịp thời các ý kiến, kiến nghị của các địa phương liên quan đến công tác bầu cử. 

Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các địa phương có báo cáo nhanh về công tác chuẩn bị bầu cử, diễn biến trong ngày bầu cử, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác bầu cử, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; chủ động nắm tình hình, vận động các tổ chức, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia bầu cử đúng quy định; thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử. 

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lại diễn ra trong “hoàn cảnh chưa bao giờ có, chưa từng xảy ra” khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn và tác động đến gần 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, với nhiều địa bàn, khu vực, nhiều tỉnh bị tác động rất nặng nề như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc… Nhưng với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, sự cố gắng, nỗ lực của Hội đồng bầu cử quốc gia, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban bầu cử các cấp, sự đồng hành và hưởng ứng của Nhân dân, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, tổ chức cuộc bầu cử một cách dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm, tuyệt đối an toàn và thành công rất tốt đẹp, toàn diện; cuộc bầu cử thực sự là ngày hội non sông, kết quả cử tri đi bầu đạt 99,57%, địa phương có tỷ lệ bầu cử thấp nhất cũng trên 98%; không phát sinh điểm nóng, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn, an ninh trật tự trong ngày bầu cử. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kết quả như sau: HĐND cấp tỉnh bầu được 3.721 đại biểu, HĐND cấp huyện bầu được 22.549 đại biểu và HĐND cấp xã bầu được 239.752 đại biểu. 

Tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và có nguy cơ lan rộng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao sau bầu cử, dẫn tới khó khăn trong công tác tổ chức bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp. Trên tinh thần đổi mới tư duy, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; ngay sau khi có kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp, ngày 03/6/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã kịp thời ban hành Quyết định số 696/QĐ-BNV về việc phê duyệt Kế hoạch và Dự toán kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh và các lớp tập huấn giảng viên, báo cáo viên bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó lần đầu tiên áp dụng hình thức trực tuyến trong công tác bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh trên phạm vi cả nước.

Về mặt lý thuyết, bồi dưỡng trực tuyến là hình thức bồi dưỡng có sử dụng kết nối mạng, thông qua phần mềm ứng dụng trên internet để thực hiện việc học tập: lấy tài liệu học tập, tương tác với học liệu điện tử, giao tiếp giữa người học với nhau và giữa học viên với giảng viên. Học liệu điện tử là tập hợp các phương tiện điện tử phục vụ dạy và học, bao gồm: tài liệu bồi dưỡng, tài liệu tham khảo, bài kiểm tra đánh giá, bản trình chiếu, bảng dữ liệu, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, bài giảng điện tử. Hệ thống quản lý học tập (LCMS-Learning Content Management System) là hệ thống phần mềm ứng dụng cho phép tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng qua mạng từ lúc nhập học đến khi người học hoàn thành khóa học qua mạng; giúp cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo dõi và quản lý quá trình học tập của người học; giúp giảng viên giao tiếp với người học trong việc giao bài tập, trợ giúp, giải đáp; giúp người học có thể theo dõi được tiến trình học tập, tham gia các nội dung học qua mạng. Hệ thống quản lý học tập là hệ thống phân phối các tài liệu học tập tới số lượng lớn người học, đồng thời hỗ trợ đơn vị quản lý dễ dàng theo dõi, điều chỉnh và đánh giá quá trình đào tạo, bồi dưỡng một cách hiệu quả. Hệ thống cũng giúp kết nối giảng viên và các người học khác để trao đổi bài.

Có thể thấy, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến phù hợp xu hướng, tiết kiệm chi phí, đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng kịp thời, có thể kiểm soát được chất lượng dạy của giảng viên, đảm bảo cho học viên có thể học mọi lúc, mọi nơi thông qua hệ thống kho học liệu cung cấp trong kho dữ liệu điện toán đám mây. Việc đánh giá học tập của học viên thông qua đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan, đảm bảo chính xác mức độ tiếp thu của người học đối với chương trình bồi dưỡng. Đặc biệt, hình thức này có thể đáp ứng được việc bồi dưỡng trên diện rộng theo yêu cầu của vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dành cho đại biểu HĐND các cấp. 

Ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp hàng đầu nhằm đạt mục tiêu cải cách hành chính một cách hiệu quả, chất lượng, đặc biệt trong cách thức chỉ đạo, hoạt động, điều hành của HĐND các cấp. Trong đó, công nghệ thông tin tham gia vào tất cả các hoạt động của HĐND và từng hoạt động của đại biểu HĐND. Để đại biểu HĐND cấp tỉnh có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, thì việc từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND là một công việc hết sức quan trọng và cần thiết. Với khối lượng công việc ngày càng lớn, đòi hỏi cao về năng lực thực thi công vụ của mỗi đại biểu HĐND, một trong những giải pháp mang tính quyết định là bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND đã trở thành yêu cầu khách quan không chỉ đối với cơ quan dân cử mà còn là nhu cầu tự thân của mỗi đại biểu.

Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” là những căn cứ pháp lý làm cơ sở để thực hiện công tác bồi dưỡng HĐND theo hình thức trực tuyến.

Từ đó, đặt ra yêu cầu đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đại biểu HĐND các cấp nói riêng, nhằm đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phương pháp bồi dưỡng tiên tiến, hiện đại góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng và đảm bảo thống nhất trong quản lý bồi dưỡng trực tuyến; phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của người học; cung ứng dịch vụ bồi dưỡng kiến thức, vị trí việc làm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo hình thức đào tạo trực tuyến.

Bồi dưỡng trực tuyến là một loại hình đào tạo mang lại nhiều hiệu quả. Do sự phát triển của công nghệ, nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức này luôn mang tính trực quan, dễ đọc, dễ hiểu. Đặc biệt khi học theo hình thức này, người học phải có ý thức tự học, nên tính hiệu quả của việc học rất cao. Người học có thể chủ động trong việc bố trí thời gian học như học tại nhà, học lúc nghỉ ngơi, học tại cơ quan… Bên cạnh đó, quá trình tham gia học tập còn giúp cho người học có trình độ nhất định về công nghệ thông tin. Đây là một trong những kỹ năng căn bản của mỗi giảng viên, cán bộ quản lý cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đại biểu HĐND.

Hình thức dạy và học trực tuyến đã trở thành xu thế, nhu cầu không thể thiếu cho những đối tượng vừa làm, vừa học như cán bộ, công chức, viên chức. Trong dịp giãn cách xã hội vừa qua, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp hữu hiệu, kịp thời để đảm bảo yêu cầu trong triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2021 và đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay. Có nhiều hình thức bồi dưỡng trực tuyến.

Thứ nhất, bồi dưỡng trực tuyến điện tử (E-Learning), với hình thức này, các bài giảng được ghi hình trước, được lưu trữ tại một máy chủ. Các bài giảng, học liệu sẽ được giảng viên hoặc quản trị viên đăng tải lên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến. Học viên sử dụng các thiết bị công nghệ truy cập vào hệ thống để theo dõi các bài giảng dưới định dạng video clip. Hệ thống cũng cho phép các học viên trao đổi, thảo luận, làm bài thi, bài khảo sát trực tuyến từ xa mọi lúc, mọi nơi. Giảng viên và học viên có thể giao tiếp qua mạng với nhiều hình thức như gửi tin nhắn, hay tham gia diễn đàn trên hệ thống. Hình thưc này chịu ảnh hưởng của điều kiện kỹ thuật và điều kiện vận hành của hệ thống. Cụ thể như sau: (1) điều kiện kỹ thuật: ảnh hưởng của đường truyền tốc độ cao của các công ty viễn thông; các thiết bị kỹ thuật có nguy cơ bị trục trặc; (2) điều kiện vận hành: tại mỗi điểm cầu chỉ trang bị một bộ thiết bị, nếu thiết bị được sử dụng vào hoạt động khác của đơn vị (chẳng hạn họp trực tuyến) thì công tác bồi dưỡng tại điểm cầu đó không thực hiện được. Ngoài ra, quá trình đào tạo, bồi dưỡng không chỉ có nghe giảng mà còn có các hoạt động tương tác... Khi giảng viên và học viên có sự tương tác hạn chế, việc áp dụng các phương pháp làm việc nhóm, làm bài tập tình huống, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm… trong quá trình giảng dạy sẽ bị hạn chế; công việc đánh giá sư phạm trong giảng dạy cũng khó thực hiện hơn.

Thứ hai, hình thức bồi dưỡng trực tuyến ứng dụng hội nghị truyền hình (Video Conference). Theo hình thức này, giảng viên giảng dạy trực tiếp tại điểm cầu chính, các học viên tập trung tại các điểm cầu khác để nghe giảng, tham gia phát biểu, trao đổi, thảo luận. Hình thức bồi dưỡng trực tuyến ứng dụng hội nghị truyền hình mới được thí điểm, chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả thực hiện, chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai; mặt khác, mỗi điểm cầu phải có một cán bộ kỹ thuật trực thường xuyên, thời gian cho các thao tác kết nối, truyền âm thanh hình ảnh qua lại giữa các điểm cầu cũng ảnh hưởng tới tổng thời lượng của thời gian học...

Điều kiện, cơ sở vật chất để tổ chức tốt công tác bồi dưỡng trực tuyến

Một là, Bộ Nội vụ khẩn trương ban hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xây dựng, hoàn thiện cấu trúc, phương thức học liệu trực tuyến đối với chương trình, tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Bộ Nội vụ thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; thành lập Hội đồng thẩm định cấp Bộ chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; ban hành Chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đến nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 375/QĐ-BNV, ngày 12/3/2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Quyết định số 432/QĐ-BNV, ngày 26/3/2021 về việc giao nhiệm vụ biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Quyết định số 635/QĐ-BNV, ngày 23/5/2021 về việc thành lập Hội đồng thẩm định cấp Bộ chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Quyết định số 710/QĐ-BNV, ngày 08/6/2021 về việc ban hành Chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Bộ Nội vụ đang nỗ lực tập trung nguồn lực xây dựng nội dung bài giảng trực tuyến, vừa đảm bảo khối lượng kiến thức, kỹ năng cần truyền đạt, vừa đa dạng, phong phú trong cách trình bày giúp tạo hứng khởi cho đại biểu HĐND, cũng như các câu hỏi sau mỗi chuyên đề học tập, mang tính gợi mở giúp đại biểu HĐND dễ dàng nêu ra ý tưởng, vấn đề của họ và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến các chủ đề của khóa học, sau đó thảo luận với giảng viên, báo cáo viên và các đại biểu HĐND khác để phát triển các giải pháp, cũng như rút ra bài học kinh nghiệm. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh thống nhất sử dụng chương trình, tài liệu do Bộ Nội vụ biên soạn, ban hành và cung cấp cho đại biểu của các địa phương tại các lớp bồi dưỡng. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện, cơ sở vật chất, công nghệ, kỹ thuật cần thiết cho việc bồi dưỡng trực tuyến đại biểu HĐND cấp tỉnh diễn ra theo đúng kế hoạch, tiến độ, đạt hiệu quả cao nhất.

Hai là, các địa phương cần xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến

Căn cứ Quyết định số 696/QĐ-BNV ngày 03/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Kế hoạch và Dự toán kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh và các lớp tập huấn giảng viên, báo cáo viên bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026, các địa phương cần xây dựng kế hoạch và lập phương án bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương để đảm bảo triển khai thực hiện khả thi và hiệu quả. Đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh, địa phương xây dựng kế hoạch để cử đúng, đủ số lượng và thành phần đại biểu tham dự các khóa bồi dưỡng trực tuyến do Bộ Nội vụ tổ chức. Đối với đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã, địa phương xây dựng kế hoạch để tổ chức các lớp bồi dưỡng tại địa phương phù hợp điều kiện thực tiễn. Các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện tổ chức tại tỉnh, thành phố; Bộ Nội vụ tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh và các lớp tập huấn giảng viên, báo cáo viên bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã. Các địa phương chọn, cử giảng viên, báo cáo viên tham gia bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã tham dự các lớp tập huấn giảng viên, báo cáo viên bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã do Bộ Nội vụ trực tiếp tổ chức.

Ba là, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các địa phương chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và các yêu cầu khác phục vụ bồi dưỡng trực tuyến

Bộ Nội vụ chủ trì, triển khai, bảo đảm giảng viên, báo cáo viên các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các lớp tập huấn giảng viên, báo cáo viên bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã theo đúng kế hoạch và các trang thiết bị, kỹ thuật, điều kiện tại điểm cầu chính.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí và huy động thêm các nguồn lực để triển khai thực hiện Kế hoạch bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt chất lượng, hiệu quả. 

Các địa phương cần linh hoạt, ứng dụng tốt công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả và tiện ích trong bồi dưỡng trực tuyến. Hiện nay các chương trình bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến hầu hết triển khai thông qua các bài giảng trực tuyến theo hình thức M-Learning trên nền tảng “thời gian thực”, bắt buộc người dạy, người học phải đồng thời sử dụng công cụ, phần mềm bồi dưỡng tại cùng một thời điểm. Hình thức này chưa thực sự tạo điều kiện về mặt thời gian, sắp xếp công việc của đại biểu HĐND. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung hình thức bồi dưỡng “mọi lúc mọi nơi” thông qua các bài giảng điện tử (E-Learning). Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cũng phải thường xuyên đầu tư nâng cấp các hệ thống E-Learning để tăng độ hấp dẫn, hiệu quả của các chương trình bồi dưỡng từ xa./.

TS. Lại Đức Vượng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Bộ Nội vụ)

Nguồn: tcnn.vn

Tìm kiếm