Theo đó, thông qua truyền thông về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để làm rõ việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành những quy định của pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội; xây dựng môi trường văn hóa - xã hội dân chủ, cởi mở, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương và trên phạm vi cả nước.
Đồng thời, từng bước tạo sự chuyển biến về ý thức, đạo đức, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với Nhân dân. Phát huy quyền làm chủ, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân và các cơ quan, tổ chức trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nội dung thông tin, truyền thông
Thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để làm rõ sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Quán triệt đầy đủ, sâu sắc chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở; triển khai quy định của Hiến pháp năm 2013 với tinh thần đề cao quyền làm chủ của Nhân dân và phù hợp với các luật được Quốc hội ban hành sau Hiến pháp năm 2013 có quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phổ biến sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích và tác động của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Thông tin về các quy định của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân,...
Thông tin về những điểm mới của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; về tình hình, những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua.
Thông tin về công tác phòng ngừa, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bộ Nội vụ yêu cầu bám sát các hoạt động xây dựng dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để kịp thời phổ biến, thông tin đầy đủ, thường xuyên, liên tục, đa chiều, phù hợp với tính chất, đặc điểm và nhiệm vụ của từng nhóm đối tượng.
Bám sát hoạt động của Ban Soạn thảo dự án Luật và cơ quan thường trực Ban Soạn thảo để thông tin đúng quan điểm chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và Nhà nước về xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Ngoài ra, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ trân trọng giới thiệu toàn văn Kế hoạch tại chuyên mục Thông báo.
Anh Cao