Tham gia Đoàn công tác có Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ Thang Thị Hạnh; Vụ Trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Vũ Hải Nam; Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Nguyễn Tư Long; đại diện lãnh đạo, công chức Vụ Tiền lương, Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức phi chính phủ.
Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác có Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Phan Anh Sơn; Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Doanh; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Ban thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, buổi làm việc giữa Đoàn công tác Bộ Nội vụ với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhằm mục đích nắm bắt tình hình tổ chức, hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và chia sẻ, lắng nghe một số vướng mắc để có cơ sở tham mưu, giải quyết kịp thời.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đề nghị, sau khi đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam báo cáo tóm tắt về tình hình tổ chức hoạt động và kiến nghị, đề xuất; các thành viên trong Đoàn sẽ trao đổi, thảo luận về một số nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hội; đồng thời, giải đáp một số vướng mắc và kiến nghị của Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Thứ trưởng cũng đề nghị các thành viên tham gia buổi làm việc tập trung, nghiêm túc trao đổi, thảo luận để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhằm tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong công tác đối ngoại nhân dân.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu tại buổi làm việc Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, buổi làm việc là cơ hội để Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam báo cáo về tình hình hoạt động và nêu những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, nhất là các mục tiêu chiến lược của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đặt ra để đồng hành, phát triển cùng đất nước; đồng thời, là cơ hội để Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhận thức được trách nhiệm lớn lao trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Phương Nga cho biết, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; có vai trò nòng cốt trong hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác vận động phi chính phủ nước ngoài; là tổ chức làm công tác chính trị đối ngoại và là bộ phận cấu thành của lực lượng đối ngoại chuyên trách của Việt Nam.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có các chức năng thiết lập các mối quan hệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các tổ chức tương ứng, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân nước ngoài; Mở rộng đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối tác nhằm góp phần củng cố, tăng cường sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết và hợp các của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam; Tham gia vận động, đấu tranh dư luận bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, đặc biệt là trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền quốc gia; quảng bá hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; Tham gia các diễn đàn, cơ chế khu vực và quốc tế và hoạt động của nhân dân thế giới vì lợi ích quốc gia - dân tộc và vì hòa bình, phát triển bền vững, công lý, dân chủ và tiến bộ xã hội; Tham gia góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển và lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Tổ chức nghiên cứu, đề xuất kiến nghị các vấn đề khu vực, quốc tế có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và công tác đối ngoại nhân dân; Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức thành viên trong hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân và vận động điều phối viện trợ phi chính phủ nước ngoài;…
Chủ tịch Nguyễn Phương Nga đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tập trung thảo luận, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn báo cáo tại Buổi làm việc Theo Báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cơ cấu tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam gồm 118 tổ chức thành viên ở Trung ương, địa phương và Cơ quan Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Hiện nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có 66 Hội thành viên ở Trung ương. Các Hội có 341 tổ chức hội viên có tư cách pháp nhân và 163 tổ chức hội viên không có tư cách pháp nhân, gồm các Hội Hữu nghị song phương, Hội Hữu nghị và Hợp tác khu vực và 4 tổ chức đa phương là Ủy ban Hoà bình Việt Nam, Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Á - Phi - Mỹ Latinh, Ủy ban Quốc tế ngữ Việt Nam và Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2019 - 2021, theo Báo cáo, kể từ đầu nhiệm kỳ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên đã tích cực triển khai các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, công tác phi chính phủ nước ngoài theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thông tin đối ngoại và vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giáo dục truyền thống, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực của toàn hệ thống, hoàn thành tốt nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân và Cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Về mở rộng, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, với các phương thức hợp tác và nội dung hoạt động đa dạng, phong phú Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, góp phần xử lý các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương, giữ gìn và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, giúp tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ đối với công cuộc đổi mới của ta, huy động được lực lượng của các tổ chức đối tác trong tuyên truyền, quảng bá về một nước Việt Nam đổi mới.
Về tham gia đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động tham gia, đóng góp vào công tác đấu tranh dư luận trong nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan việc bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, đặc biệt là trong các vấn đề dân chủ, tôn giáo, nhân quyền, vấn đề Biển Đông, nguồn nước sông Mê-kông, các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu... và tham gia, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xử lý những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương giữa nước ta với một số nước.
Về vận động và tranh thủ nguồn lực quốc tế để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, với vai trò là cơ quan đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã chủ động vận động viện trợ gắn với vận động chính trị trong quan hệ với các tổ chức PCPNN. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phát huy vai trò cầu nối, cung cấp thông tin, vận động các tổ chức PCPNN để góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta với các đối tác quốc tế; vận động sự quan tâm, ủng hộ Việt Nam từ bạn bè quốc tế trong một số vấn đề liên quan đến bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo...
Về công tác nghiên cứu, tham mưu và thông tin đối ngoại, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là thành viên tích cực của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại và Ban Chỉ đạo nhân quyền, có nhiều đóng góp kịp thời và có giá trị cho các văn bản, chủ trương của Đảng và Nhà nước về những vấn đề có liên quan đến công tác xây dựng Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân, đóng góp tích cực trong nhiều hoạt động vận động, đấu tranh dư luận về những vấn đề nhân quyền, tôn giáo, dân chủ, chủ quyền biển đảo, khắc phục hậu quả chiến tranh, chất độc da cam, bom mìn…
Về công tác xây dựng và phát triển tổ chức, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2019 - 2024, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tập trung đổi mới và phát triển tổ chức thành viên, xây dựng một mạng lưới tổ chức ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Trong nhiệm kỳ đã vận động và thành lập thêm 02 tổ chức thành viên ở Trung ương, đến nay Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có 118 tổ chức thành. viên (trong đó 66 tổ chức ở Trung ương và 52 tổ chức thành viên ở địa phương).
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tập trung bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng tiêu chuẩn theo ngạch, công chức là lãnh đạo, quản lý và trong nguồn quy hoạch, công chức chuẩn bị đi công tác nhiệm kỳ và ưu tiên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân, gắn sát với nhu cầu công việc thực tiễn; đẩy mạnh bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp ban, cấp phòng, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng viết báo cáo, tin bài để nâng cao trình độ, kỹ năng đối ngoại toàn diện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong giai đoạn hiện nay.
Về công tác thi đua, khen thưởng, trong giai đoạn 2019 - 2021 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã xét tặng và đề nghị xét tặng khoảng hơn 300 Bằng khen cho các tổ chức, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại nhân dân và các hoạt động liên quan (bao gồm cả trong công tác phòng chống dịch COVID-19)…
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Văn Doanh phát biểu tại buổi làm việc
Tại Buổi làm việc, lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và lãnh đạo các Ban của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao đổi, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động cũng như kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết. Cụ thể, kiến nghị: Bộ Nội vụ chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để phân biệt các Hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ với các hội quần chúng khác nhằm thể hiện rõ tính chất chính trị - xã hội của các Hội như Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và đặc thù của các tổ chức được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; Bộ Nội vụ chủ trì, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản nhằm quán triệt và thể chế các Chỉ thị, Thông báo Kết luận của Ban Bí thư; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và thực hiện nhất quán về cơ chế, chính sách đối với hệ thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Ngoài ra, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn về xây dựng mô hình tổ chức bộ máy của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và mô hình của các Liên hiệp Hữu nghị địa phương; các chế độ, chính sách, lương, phụ cấp, tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo bồi dưỡng, thi nâng ngạch, cấp hộ chiếu công vụ…; vấn đề phê duyệt bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Liên hiệp các địa phương; vấn phát triển hội viên/ hội viên danh dự là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam; về kinh phí hoạt động, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức tron hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (bao gồm cả các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương) và có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam theo yêu cầu nhiệm vụ; quy trình, thủ tục tổ chức Đại hội và hoạt động của hội thành viên; tham mưu sửa đổi Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế…
Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ Thang Thị Hạnh phát biểu tại buổi làm việc Phát biểu tại Buổi làm việc Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ Thang Thị Hạnh đánh giá cao công tác chuẩn bị và những kết quả đã đạt được trong hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thời gian vừa qua.
Đối với đề xuất của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để phân biệt các Hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, Vụ trưởng Thang Thị Hạnh cho biết, hiện nay, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động quản lý hội theo hướng đảm bảo kinh phí hoạt động, cấp kinh phí theo nhiệm vụ được giao và khoán kinh phí theo chỉ tiêu biên chế.
Về nội dung trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản nhằm quán triệt và thể chế Chỉ thị số 38-CT/TW và Chỉ thị số 12-CT/TW của Ban Bí thư, bà Thang Thị Hạnh trao đổi, đây là nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao, trong quá trình thực hiện Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan này. Còn về triển khai Thông báo Kết luận số 158-TB/TW của Ban Bí thư, Bộ Nội vụ đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Về hướng dẫn xây dựng mô hình Liên hiệp, Vụ trưởng Thang Thị Hạnh thông tin thêm, hiện nay Ban Dân vận Trung ương đang chủ trì xây dựng Đề án nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và Đề án quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Theo đó, đề án sẽ hướng dẫn cụ thể về mô hình của các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; và Bộ Nội vụ đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP để thể chế hóa nội dung này.
Về việc khuyến khích các địa phương chưa có Liên hiệp Hữu nghị thành lập Liên hiệp Hữu nghị của địa phương, bà Thang Thị Hạnh cho rằng, Bộ Nội vụ ủng hộ việc các địa phương chưa có Liên hiệp hữu nghị thành lập Liên hiệp Hữu nghị của địa phương để mở rộng hơn nữa mạng lưới các tổ chức chuyên trách về đối ngoại nhân dân của các địa phương nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của đối ngoại Nhân dân trong tình hình mới, đồng thời đề nghị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ động phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện.
Về vấn đề quyết định công nhận đối với các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Liên hiệp các địa phương, Vụ trưởng Thang Thị Hạnh trao đổi thêm, căn cứ quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, không có quy định về việc công nhận các chức danh lãnh đạo hội. Tại Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu sửa đổi theo hướng để các hội đăng ký người được bầu làm người đứng đầu hội để đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không hành chính hóa hội.
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ Thang Thị Hạnh và các thành viên trong Đoàn công tác cũng đã dành thời gian trao đổi, thảo luận, giải đáp những vướng mắc của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về các vấn đề: sắp xếp các tổ chức hội có nhiệm vụ tương đồng; vấn đề công chức, viên chức, biên chế, phụ cấp; phát triển hội viên/hội viên danh dự là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam; kinh phí hoạt động của Liên hiệp; huy động kinh phí: thành lập các tổ chức pháp nhân trực thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; tiếp nhận viện trợ; tổ chức các hoạt động dịch vụ có thu phí; quy trình, thủ tục tổ chức Đại hội của các hội thành viên; chế độ, chính sách đối với người công tác tại hội và chế độ, chính sách đối với người được luân chuyển; thi nâng ngạch, thăng hạng…
Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Vũ Hải Nam phát biểu tại buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng ghi nhận và đánh giá cao vai trò và những kết quả mà Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn 2019 - 2021.
Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần tiếp tục giữ ổn định biên chế được giao đảm bảo theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các đơn vị có nhiệm vụ tương đồng trong Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, Bộ Nội vụ đang xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động Trang tin điện tử về quỹ, hội và đề nghị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp cập nhật cung cấp thông tin trên cơ sở dữ liệu về hội trên website của Bộ Nội vụ tại đường link: http://csdlhoiquy.. Đồng thời, chuẩn bị tham luận tham gia báo cáo tại Hội nghị toàn quốc đánh giá về công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ do Bộ Nội vụ tổ chức.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng giao Vụ Tổ chức phi chính phủ là cơ quan đầu mối tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam để báo cáo Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, Bộ Nội vụ sẽ trả lời, giải đáp và hướng dẫn; những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ, đề nghị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục phối hợp để báo cáo, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng tặng quà lưu niệm cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Quang cảnh buổi làm việc
Anh Cao