Dự Hội thảo có ông Chu Tuấn Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; PGS.TS. Thái Văn Long, Phó Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao; đại diện lãnh đạo, công chức, viên chức các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết,
đối ngoại đa phương là bộ phận rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đây cũng là nơi Việt Nam thể hiện tinh thần “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Để triển khai hiệu quả, thực chất đường lối đối ngoại, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25 ngày 8/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó xác định: "Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp Quốc", phấn đấu đóng vai trò "nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể".
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện công tác đối ngoại đa phương năm 2022 của Bộ Nội vụ, những kết quả đã đạt được; các khó khăn, hạn chế, biện pháp, giải pháp tháo gỡ; đồng thời phân tích trao đổi, thảo luận và đề xuất một số định hướng cho việc tăng cường công tác đối ngoại đa phương của Bộ Nội vụ giai đoạn 2022-2025, trong đó tập trung tăng cường thống nhất nhận thức và đồng thuận giữa các cấp lãnh đạo, giữa các đơn vị về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương trong hội nhập quốc tế; chú trọng đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp trong Bộ và liên ngành trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong triển khai đối ngoại đa phương nói riêng; việc chuẩn bị kỹ lưỡng các quyết sách, kế hoạch, lộ trình và bước đi cụ thể đảm bảo sự chủ động, nhất là trong việc đề xuất các sáng kiến, giải pháp xử lý các vấn đề đối ngoại phức tạp nảy sinh; và quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Nội vụ nói chung và đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp làm công tác hợp tác quốc tế của Bộ Nội vụ nói riêng phù hợp với chuyển biến của tình hình và đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
PGS.TS Thái Văn Long, Phó Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội Thảo
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe PGS.TS Thái Văn Long, Phó Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày các nội dung về Ngoại giao đa phương và đối ngoại đa phương theo tinh thần đại hội XIII của Đàng.
Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hải Lưu phát biểu tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hải Lưu đã cập nhật tình hình thực hiện công tác đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua và các hoạt động trọng điểm trong thời gian tới, cụ thể:(1) Các Bộ, ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, đặc biệt chú trọng đổi mới tư duy, chủ động nâng cao hiệu quả phối hợp, tham gia tích cực, thực chất vào các diễn đàn đa phương nhất là ASEAN, Liên Hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công, các cơ chế khu vực châu Á Thái Bình Dương và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế (WEF, G7, G20, P4G,...), trong những vấn đề và các cơ chế có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể; nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế, cơ chế liên kết kinh tế, luật lệ kinh tế - thương mại quốc tế, nhất là kinh tế số, thương mại điện tử, dữ liệu qua biển giới.
(2) Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu chiến lược, chú trọng xây dựng mạng lưới nghiên cứu và đối thoại về hợp tác quốc tế, chủ động tham mưu về các vấn đề toàn cầu, các thể chế đa phương và chủ trương, biện pháp tham gia đóng góp của Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất và thúc đẩy các sáng kiến, ý tưởng tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là những vấn đề, lĩnh vực có thể phát huy vai trò và đóng góp như biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh, an ninh mạng, an ninh nguồn nước...
(3) Các Bộ, ngành chủ động xây dựng Kế hoạch hàng năm hoặc đưa vào Chương trình công tác hàng năm của Bộ, ngành mình các hoạt động, biện pháp cụ thể nhằm triển khai các yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại đa phương.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ Phạm Thu Hằng phát biểu tại Hội thảo
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ Phạm Thu Hằng trình bày một số giải pháp cụ thể cho việc tăng cường công tác đối ngoại đa phương của Bộ Nội vụ giai đoạn 2022-2025 như: Chủ động, tích cực phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới; Nâng cao chất lượng tham mưu, xây dựng chính sách, quy định và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan về công tác hợp tác quốc tế; Phát triển nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế; Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động hợp tác quốc tế; Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước dành cho công tác hợp tác quốc tế.
Quang cảnh Hội thảo
Bên cạnh đó, đại diện Lãnh đạo các đơn vị cũng trao đổi, thảo luận về tình hình thực hiện công tác đối ngoại đa phương thời gian qua và những đề xuất kiến nghị trong thời gian tới của một số đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng ghi nhận và đánh giá cao các phát biểu tham luận, những ý kiến thảo luận, góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đã làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo. Ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu góp phần cung cấp thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn giúp cho việc tăng cường công tác đối ngoại đa phương của Bộ Nội vụ trong thời gian tới.
Thu Trang