Tham dự Hội nghị có đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Bộ Công an; đại diện Tập đoàn VNPT; Tổ Công tác triển khai Đề án 06/CP của Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo, công chức trực tiếp theo dõi phần mềm thuộc Sở Nội vụ và công chức phụ trách kỹ thuật Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố của các tỉnh Bắc Trung Bộ gồm: Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình.
Ông Phạm Quang Tuyến báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Quang Tuyến, Thư ký Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Bộ Nội vụ cho biết, việc cập nhật dữ liệu CBCCVC đã được các tỉnh miền Bắc Trung bộ triển khai thực hiện. Đến nay, tổng số hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã là 297.684.642 hồ sơ.
Về khả năng tích hợp, đồng bộ dữ liệu, các tỉnh Bắc Trung bộ đã xây dựng nền tảng phần mềm. Tỉnh Nghệ An đã xây dựng phần mềm đáp ứng 109 trường dữ liệu. Các phần mềm của các tỉnh còn lại bước đầu mới chỉ đáp ứng các trường thông tin cơ bản, còn thiếu một số trường thông tin chưa được cập nhật, kết nối, cần được nâng cấp hệ thống về các cấu trúc mã định danh và định dạng gói tin, bổ sung thêm các trường thông tin, vì vậy chưa đáp ứng được việc kết nối, tích hợp dữ liệu vào CSDLQG về CBCCVC.
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, phần mềm của tỉnh Hà Tĩnh đang sử dụng mẫu Sơ yếu lý lịch 2C của Bộ Nội vụ để cập nhật thông tin, do vậy chưa đủ 109 trường thông tin dữ liệu để thực hiện kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với CSDLQG. Việc triển khai nâng cấp, bổ sung các chức năng, tính năng và các trường thông tin còn thiếu trên phần mềm, việc triển khai theo lộ trình, tiến độ còn gặp nhiều khó khăn.
Đại diện tỉnh Quảng Trị cho rằng, hiện nay chưa có nội quy, quy chế quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý, kê khai, cập nhật dữ liệu của cá nhân, tổ chức nên một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến việc cập nhật thông tin CBCCVC. Việc cập nhật chưa đầy đủ, chính xác đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của toàn tỉnh.
Còn đại diện tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Thanh Hóa có gần 65.000 công chức, viên chức và 3.120 đơn vị đầu mối; với số liệu lớn như vậy thì việc tập huấn và cập nhập dữ liệu đảm bảo yêu cầu “Đúng - Đủ - Sạch - Sống” theo mốc thời gian hoàn thành trước 31/5 là rất khó thực hiện…
Các đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ hỗ trợ, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thành việc kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu theo đúng tiến độ đã đề ra.
Đề nghị Bộ Nội vụ cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở những trường thông tin hiện có trên phần mềm Quản lý CBCCVC của tỉnh về CSDLQG, sau đó, sẽ tiến hành cập nhật đầy đủ các trường thông tin còn lại theo quy định.
Phân cấp thêm tài khoản quản trị để địa phương chủ động trong việc quản lý, cập nhật, kết nối CSDL CBCCVC của tỉnh về CSDLQG của Bộ Nội vụ.
Tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho quản trị hệ thống, quản trị các cơ quan, đơn vị, địa phương để vận hành phần mềm, CSDLQG, khắc phục một số lỗi xảy ra trong quá trình vận hành hệ thống...
Ông Vũ Đăng Minh phát biểu tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, ông Vũ Đăng Minh đề nghị các tỉnh Bắc Trung Bộ có trách nhiệm kết nối, chia sẻ dữ liệu những trường thông tin hiện có trong phần mềm quản lý hồ sơ CBCCVC với CSDLQG về CBCCVC do Bộ Nội vụ quản lý thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) hoặc kết xuất dữ liệu để cập nhật vào CSDLQG về CBCCVC.
Tổ chức nâng cấp phần mềm quản lý CBCCVC đáp ứng đủ 109 trường thông tin, cập nhật dữ liệu đảm bảo “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về CBCCVC thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu NDXP.
Ông Vũ Đăng Minh cũng cho biết, Bộ Nội vụ có trách nhiệm đối khớp, xác thực, làm sạch các trường dữ liệu theo quy định với CSDLQG về dân cư và đồng bộ lại dữ liệu với địa phương để quản lý và sử dụng…
Thanh Tuấn – Quang Tuyến