
Ông Thang Văn Phúc
- Sau hàng thập kỷ thực hiện công cuộc cải cách hành chính, những kết quả thu được đã rất khả quan. Nhưng với người dân và nhất là các doanh nghiệp, như thế vẫn dường như chưa đủ. Số đông người dân còn mang mặc cảm ngại ngần khi tiếp cận với đội ngũ cán bộ công chức, nhất là trong lĩnh vực hành chính công. Ông có nghĩ thế không?
- Chính xác. Theo tôi thì đã có rất nhiều chuyển biến tích cực về nền hành chính công. Ngược lại, xã hội xem ra còn chưa tôn trọng anh công chức, người công chức đang phải chịu nhiều sức ép, có khi là cả sự mắng mỏ hạch sách. Ai cũng được quyền kêu ca này nọ. Chúng ta cần phải có công cụ đánh giá thái độ và khả năng phục vụ của cán bộ công chức. Ở TP Hồ Chí Minh, có những nơi người dân được nêu ý kiến về cán bộ ngay trên bảng điện tử. Hiện tại cũng đã có bộ chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được đưa vào sử dụng, tương tự như chỉ số PCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Điều này đã tạo nên sức ép với người công chức và nền công vụ vì mọi hoạt động của anh, hiệu quả công việc của anh sẽ được nhân dân giám sát chặt chẽ bằng các quy chuẩn cụ thể, rõ ràng.
- Nói thì nói vậy chứ thực tế, vẫn phải là “bôi trơn” hoặc phải có quan hệ. Đơn giản nhất như làm một cái chứng minh, nếu không quen biết trước hoặc “gì gì” đó thì đôi khi người dân phải chầu chực rất lâu vì lượng người chờ đợi luôn quá tải so với khả năng phục vụ. Đấy là chưa kể đến các nhu cầu lớn hơn như làm sổ đỏ, sổ hồng hay xin giấy phép xây dựng, thưa ông?
- Lỗi này ở người dân. Tại sao anh không chịu chờ, nghiêm túc xếp hàng đợi tới lượt. Cơ chế một cửa hiện nay đã thông thoáng hơn rất nhiều, cần giải quyết vấn đề gì anh cứ chủ động tới nộp hồ sơ, cán bộ công chức tiếp nhận, kiểm tra rồi cho giấy hẹn. Chúng ta đã làm được một cuộc cách mạng, chuyển đổi từ nền hành chính xin cho, ban phát sang nền hành chính phục vụ, đạt chuẩn của khu vực và thế giới. Nếu người dân kiên quyết nói không với các hành vi nhũng nhiễu thì anh cán bộ làm sao mà đòi hỏi tiêu cực được. Tất nhiên, đây là mối quan hệ giữa con người với con người nên cũng không tránh được chuyện này chuyện kia, chuyện “bôi trơn” như dư luận đề cập. Công chức là công bộc của dân, ăn lương của dân để phục vụ nhân dân. Tôi sinh ra anh, trả lương cho anh để anh phục vụ tôi. Càng tiếp tay cho cán bộ vòi vĩnh tiêu cực, người dân càng vô hình trung làm hỏng bộ máy công quyền.
- Bộ Nội vụ cũng từng có điều tra khảo sát và cho ra kết quả, lương cán bộ công chức chỉ đáp ứng khoảng 60% mức sống tối thiểu. Có thể đây là căn nguyên của bệnh nhũng nhiễu, vòi vĩnh?
- Vấn đề này luôn là rất lớn. Ta chưa có cơ chế đánh giá công bằng và trả lương đúng giá trị lao động trong tương quan với giá trị lao động của các ngành khác. Mức lương của cán bộ công chức hiện không đủ sống. Thực tế này thật vô lý vì người cán bộ công chức quản lý cả một guồng máy xã hội mà lại chưa được đãi ngộ tương xứng.
- Lương thấp, công việc nhiều áp lực nhưng tại sao vẫn có nhiều người bằng mọi giá muốn chiếm được một suất biên chế, trở thành công chức trong bộ máy hành chính công?
- Có những người hoàn cảnh gia đình khá giả, đủ điều kiện, bố mẹ có khi còn trả thêm tiền cho con đi làm, kiếm một chân công chức. Lợi thế trước mắt là ổn định, có cơ hội thăng tiến, được đào tạo cả trong nước và ngoài nước, lại dễ tạo được các mối quan hệ nhờ vị trí xã hội. Trên thế giới cũng thế, công chức không phải là bộ phận được hưởng lương cao nhất nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng theo đuổi, phụng sự.
- Vậy tại sao chúng ta không kiên quyết loại ra khỏi bộ máy một phần ba số cán bộ công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về” như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, để giảm áp lực quỹ lương?
- Không ăn thua. Có tăng lương cũng phải tăng từ 3 đến 5 lần so với mức lương hiện nay mới hợp lý. Hơn nữa giảm một phần ba số lượng biên chế cũng không phải là một quyết định hành chính thông thường. Giảm ai, tại sao giảm? Trước hết phải xác định được cái chuẩn, ra được cơ cấu để đánh giá cán bộ. Anh có đáp ứng được yêu cầu không, phù hợp với guồng máy không, chuyện này vô cùng phức tạp.
- Với cơ chế như hiện nay thì cánh cửa vào các cơ quan nhà nước đã thiếu hẳn đi sự hấp dẫn đối với các sinh viên giỏi mới ra trường?
- Tôi cũng từng tham gia đối thoại với các bạn trẻ. Các bạn ấy cũng ý thức được, bây giờ đang có nhiều con đường, cơ quan nhà nước chỉ là một trong số những sự lựa chọn. Nhiều bạn bày tỏ muốn đi làm ở ngoài, tích lũy kinh nghiệm khi nào đủ độ chín sẽ vào cơ quan nhà nước nhưng không phải bằng con đường chạy chọt mà thi cử. Suy nghĩ này rất văn minh, tích cực. Hiện nay cán bộ cấp vụ ở các bộ, cấp sở ở các địa phương cũng đã được tuyển dụng qua con đường thi tuyển, như Bộ Tư pháp, tỉnh Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu hay trước đây là Long An, Đà Nẵng.
- Hình như kể cả thi tuyển công chức hay thi tuyển cán bộ thì dư luận nhân dân vẫn không mấy tin tưởng vào một kết quả khách quan, minh bạch?
- Làm sao mà tin ngay được. Nhưng chúng ta vẫn phải làm, cứ làm, làm và có cơ chế công khai giám sát, dần dần dư luận xã hội sẽ tin, đồng tình và ủng hộ. Quan trọng nhất là chúng ta phải kiên trì, nhất quán, nhất là trong các chính sách lẫn sự ủng hộ, chia sẻ của cả đời sống xã hội.
- Vâng, người dân hoàn toàn có thể tin vào một đội ngũ công chức công tâm, nhiệt tình, chuyên môn cao và một nền hành chính công lấy phục vụ làm tiêu chí cơ bản. Trân trọng cảm ơn ông.