Hai tuần sau Hội nghị toàn quốc triển khai tổng kết Nghị quyết 18/2017, nhiều bộ, ngành, địa phương đã công bố dự kiến kế hoạch tinh gọn bộ máy cũng như chính sách tinh giản biên chế.
Về vấn đề trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Thái Quang Toản, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ), người tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cho hay: Chúng ta đã từng bước triển khai hai việc trên từ 30 năm qua.
Chủ trương tinh gọn bộ máy
Phóng viên: Thưa ông, những ngày qua, một số bộ, địa phương đã công bố kế hoạch kết thúc hoạt động, hợp nhất, đồng thời tinh gọn tổ chức bên trong. Vấn đề này đã được đề ra trong Nghị quyết 18. Nhưng theo quan sát của ông, vấn đề này đã được bắt đầu như thế nào?
+ Ông Thái Quang Toản (ảnh): Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy trong toàn hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì Đảng đã bàn và từng bước triển khai từ 30 năm qua rồi. Những ý tưởng cụ thể như nhập một mối Giao thông - Xây dựng hay Kế hoạch - Đầu tư cũng đã được nêu ra khoảng 20 năm trước.
Bởi ở địa phương đã xuất hiện những chồng chéo, vướng mắc trong phối hợp giữa các cặp cơ quan quản lý nhà nước này.
Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là bước tiếp theo, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Nghị quyết 18 được ban hành vào đầu khóa XII, giờ chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc khóa XIII chúng ta mới thực hiện mạnh mẽ. Tại sao vậy, thưa ông?
+ Quá trình triển khai Nghị quyết 18, ở Trung ương có một số việc làm được ngay, như kết thúc hoạt động của ba ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; chuyển Đảng ủy ngoài nước về Đảng ủy Bộ Ngoại giao. Bước đầu tổ chức hệ thống thuế, kho bạc theo mô hình khu vực của hải quan.
Kết quả tích cực nhất, triển khai mạnh nhất là Bộ Công an, chấm dứt mô hình tổng cục, chuyển các sở Cảnh sát PCCC về công an các tỉnh, TP.
Ngoài Bộ Công an tích cực, chủ động thì các bộ khác còn nhìn nhau. Vậy nên chỉ kết thúc được 17 tổng cục nhưng lại tăng thêm 10 cục, tức là chưa thực sự giảm được nhiều tổ chức bên trong. Quá trình rà soát ở Bộ LĐ-TB&XH tưởng đã chấm dứt được Tổng cục Dạy nghề nhưng rồi lại giữ. Còn Bộ Công Thương thì lại đề xuất lập Tổng cục Quản lý thị trường.
Ở địa phương, Quảng Ninh từng rất mạnh mẽ thí điểm, trở thành kinh nghiệm để Trung ương xây dựng Nghị quyết 18 nhưng sau đó có vẻ cũng chậm lại. Các tỉnh, TP khác thì có tâm lý trông chờ Trung ương làm thế nào mới làm theo, vậy nên kết quả tinh gọn bộ máy chưa mạnh mẽ. Kết quả đáng kể nhất là giảm được tám huyện, 563 xã, trong đó Cao Bằng giảm được ba huyện.
Có thể thấy Tổng Bí thư Tô Lâm khi nhận nhiệm vụ mới đã rất sớm nhận ra vấn đề này. Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, tác giả của Nghị quyết 18, đã có những quyết đáp để rồi Bộ Chính trị thống nhất, trình Trung ương cho chủ trương.
Từ Hội nghị toàn quốc vào ngày 1-12 đến nay, không chỉ các cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng ở Trung ương mà đồng loạt các tỉnh, TP trên cả nước đã theo định hướng mà đề xuất tinh gọn bộ máy, có địa phương đề xuất giảm tám sở.
Công tác đánh giá cán bộ phải sát sao, chặt chẽ, khách quan để tinh giản những người làm việc không tốt, đồng thời tuyển dụng được nhân tố tích cực vào bộ máy.
Chính sách tinh giản biên chế…
Cùng với tinh gọn bộ máy, yêu cầu về tinh giản biên chế đã được đặt ra. Theo thời gian, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và cả người lao động thuộc diện tinh giản biên chế như thế nào, thưa ông?
+ Chính sách tinh giản biên chế có từ năm 1991. Đến đợt sắp xếp bộ máy vào năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132 với nhiều đòn bẩy tài chính, đãi ngộ cho người thuộc diện tinh giản, áp dụng đến hết năm 2011. Tiếp đó là Nghị định 108/2014 áp dụng đến hết năm 2021, mới nhất là Nghị định 29/2023 áp dụng đến hết năm 2030.
Đến thời điểm này, cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo hợp đồng lao động thuộc diện thực hiện chính sách tinh giản biên chế được xác định khá chi tiết.
Đó là những người dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự; do sắp xếp lại đơn vị hành chính; do cơ cấu lại theo vị trí việc làm; chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn ứng với vị trí việc làm đang đảm nhiệm mà không thể bố trí việc khác cũng như không thể đào tạo lại; bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ và không thể bố trí công việc khác phù hợp; có vấn đề sức khỏe, phải nghỉ nhiều.
Ngoài ra còn áp dụng với những người do sắp xếp tổ chức mà thôi giữ chức vụ, chức danh quản lý và tự nguyện tinh giản biên chế; những người bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bãi nhiệm, buộc thôi việc và tự nguyện tinh giản biên chế. Cả người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cũng được hưởng chính sách này.
Nhìn chung người thuộc diện tinh giản biên chế được hưởng nhiều chế độ, như không bị trừ tỉ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp với tổng giá trị có thể lên tới 250-300 triệu đồng. Kể cả sau khi tinh giản biên chế mà chuyển được sang khu vực tư thì vẫn được trợ cấp.
Những người không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực hạn chế, vi phạm kỷ luật hẳn là cần được tinh giản biên chế nhất. Qua thực tế, kết quả tinh giản với nhóm này như thế nào, thưa ông?
+ Không được bao nhiêu. Tôi nhớ là báo chí và trên diễn đàn Quốc hội có phản ánh hiện tượng cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, làm việc không hiệu quả, có cắt giảm đi số đó thì cơ quan, đơn vị vẫn làm việc bình thường. Vậy là năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 56 quy định riêng về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng siết chặt hơn việc đánh giá lao động cuối năm.
Nhưng trong năm đầu thực hiện, kết quả các nơi gửi về Bộ Nội vụ tổng hợp cho thấy chỉ 1% cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ - rất khác với dư luận cũng như thực tiễn. Và có vẻ kết quả tinh giản biên chế từ giải pháp đánh giá, phân loại lao động cuối năm từ đó đến nay vẫn thế.
Tại sao lại có khoảng cách xa trong việc đánh giá lao động cuối năm trong khu vực công như thế, thưa ông?
+ Có rất nhiều lý do như người đứng đầu chưa quyết liệt; các tập thể, cơ quan, tổ chức công lập chưa thực sự nghiêm túc đánh giá về chính đội ngũ mình, từng cá nhân trong tập thể mình.
Có thể ngay trong các đơn vị đó, chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng; chỉ tiêu, nhiệm vụ giao đầu năm không rõ; việc đánh giá kết quả thực hiện còn chung chung. Cuối năm thì khâu đánh giá không khoa học, thiếu khách quan, công tâm. Và như thế, công tác đánh giá, thi đua, khen thưởng sẽ không chính xác.
Vậy còn kết quả tinh giản với các nhóm khác như thế nào, thưa ông?
+ Đến thời điểm cuối năm 2023, cả nước đã tinh giản biên chế được 89.995 người. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn hạn chế bởi trong đó chủ yếu là người nghỉ hưu trước tuổi. Chính sách ưu đãi như vậy nên nhiều người còn vài tháng nữa đến tuổi nghỉ hưu là xin nghỉ trước sẽ được lợi đôi đường, đằng nào cũng nghỉ mà lại có một món giắt lưng không nhỏ.
Còn người trẻ mà ra khỏi khu vực công, tính đến tháng 9-2022 là hơn 40.000 người. Phần lớn lại không thuộc diện tinh giản biên chế. Có đến 35% trong đó là viên chức có chuyên môn khá và tốt, tuổi 30-35 ở các đơn vị sự nghiệp công lập, vì cuộc sống trong khu vực công khó khăn quá mà tìm cơ hội ở khu vực tư. Người từ 50 tuổi trở lên chỉ hơn 1.000 người thôi. Hầu hết là viên chức trong ngành y tế, giáo dục.
Nếu vậy thì đòn bẩy tài chính chưa hướng tới tinh giản biên chế được số người có năng lực và trình độ hạn chế, kỷ luật kém, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ nhưng chưa đủ điều kiện để cho thôi việc?
+ Đúng vậy. Những người không đáp ứng được yêu cầu công việc, cần phải tinh gọn thì về chính sách vẫn còn lúng túng. Giải pháp đến nay vẫn là tuyên truyền, vận động để họ nghỉ hoặc qua công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cuối năm để phân loại.
Quản lý chặt để kiểm soát tăng tổ chức, biên chế
Tinh giản biên chế thì cũng đồng thời phải kiểm soát chặt biên chế. Việc này đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?
+ Trước đây, quản lý về tổ chức, bộ máy và biên chế của ta chưa chặt chẽ, sát sao. Vậy nên việc lập tổ chức mới có phần tùy tiện. Tăng tổ chức thì tăng biên chế. Cơ chế kinh phí hoạt động thì lại tính theo biên chế nên chi ngân sách nuôi bộ máy ngày càng lớn.
Đến năm 2017, Trung ương ban hành Nghị quyết 18, tiếp đó vào năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định 70 về quản lý biên chế, tất cả đã được siết lại. Trước đây Đảng chủ yếu lãnh đạo công tác cán bộ thì bây giờ lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, cả công tác tổ chức và công tác biên chế. Trung ương phân cấp mạnh về công tác cán bộ nhưng tổ chức, bộ máy thì kiểm soát chặt.
Ở các cơ quan trung ương bây giờ muốn lập một đơn vị cấp vụ trở lên là phải báo cáo Bộ Chính trị. Với bộ máy ở địa phương, Chính phủ ban hành nghị định khung về cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh tối đa 17 sở để HĐND cấp tỉnh quyết định trong giới hạn đó. Với đơn vị sự nghiệp công lập thì địa phương tự quyết định việc thành lập nhưng tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động...
. Tức là từ sau Nghị quyết 18, Quy định 70 đã kiểm soát được việc thành lập tổ chức cũng như tăng biên chế?
+ Đúng vậy. Vấn đề bây giờ là sắp xếp lại, tinh gọn biên chế, xử lý những vấn đề tồn tại từ trước...
Đâu là giải pháp?
Vậy để giải quyết các vấn đề tồn tại, liệu sắp tới có nên siết chặt cơ chế hỗ trợ tài chính với những trường hợp gần đến tuổi nghỉ hưu thì xin nghỉ hưu để được hưởng kinh phí tinh giản biên chế?
+ Khó đấy. Khi xây dựng Nghị định 132, rồi Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế đã thấy khía cạnh không hiệu quả và bị lợi dụng như thế. Nhưng rồi Nghị định 29 mới nhất vẫn phải chấp nhận khoản chi đó. Biết là không hiệu quả về tài chính nhưng vì yêu cầu tinh gọn nên vẫn phải chi.
Liệu có nên đặt ra chỉ tiêu phân loại không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ để làm cơ sở tinh giản không, thưa ông? Chẳng hạn quy định 2% vì họp hành, bình bầu, đánh giá cuối năm chỉ ra được 1%?
+ Cũng không được. Có cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách hoạt động rất tốt, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức rất đều, vậy thì sao mà áp đặt chỉ tiêu phân loại không hoàn thành nhiệm vụ được. Ngược lại, có đơn vị chất lượng công việc chung rất kém với số sáng cắp ô đi, tối cắp ô về không nhỏ thì 2% vẫn ít.
Hiện tại chúng ta chỉ khống chế tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để tránh việc cào bằng, trong khi chất lượng công việc chung thì bình bình. Nhưng ngay cả như vậy cũng chưa hoàn toàn hợp lý, vì có những đơn vị mà công tác năm đó thực sự xuất sắc thì lẽ ra cả tập thể lao động đấy phải xuất sắc chứ.
Cho nên tổng quan vẫn là công tác đánh giá cán bộ phải sát sao, chặt chẽ, khách quan, nghiêm túc, đủ để tinh giản những người làm việc không tốt, năng lực yếu. Đồng thời phải tuyển dụng được nhân sự tốt, nhân tố tích cực vào bộ máy. Thế mới là tinh gọn biên chế.
Xin cảm ơn ông.•