BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực ở nước ta sao cho hợp lý?

19/11/2024 09:22

Từ năm 2007 đến nay, Chính phủ luôn có 22 bộ, cơ quan ngang bộ. Sau 17 năm, đã đến lúc cần tính lại con số này cho phù hợp.

Mấy ngày nay, gặp người quen đều thấy nói dạo này cả nước được dịp bàn về tổ chức bộ máy sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm có những phát biểu đầy tâm huyết và quyết liệt về cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy nhà nước, về xây dựng mới hệ thống chính trị nước ta cho phù hợp với giai đoạn mới.   

Bàn về phương hướng, mục tiêu của câu chuyện này đã khá rõ. Cuối cùng phải là cái cụ thể, mà trước hết là tổ chức hợp lý các bộ.

Thể chế, chính sách thể hiện ra rất đa dạng, từ luật, pháp lệnh do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đến nghị định của Chính phủ rồi thông tư của các bộ… Điều hết sức lưu ý ở đây là về cơ bản, nội dung của thể chế, chính sách này đa phần xuất phát từ các bộ, tức là các bộ phải nghiên cứu, đề xuất, soạn thảo… Tất nhiên, để trở thành pháp luật, dự thảo các văn bản này về nguyên tắc đều phải đi qua các kênh Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội rồi qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Nói như vậy để thấy tầm quan trọng của các bộ. Và nếu các bộ được tổ chức hợp lý thì đương nhiên kéo theo nhiều thứ tốt, mà trước hết là thể chế, chính sách.

Từ năm 2007 đến nay, Chính phủ luôn luôn có 22 bộ, cơ quan ngang bộ. 17 năm luôn duy trì 22 cơ quan cũng là điều đáng suy nghĩ. Và giờ đây đã đến lúc cần tính lại con số này cho phù hợp.

Trong số 22 bộ, cơ quan ngang bộ có 6 cơ quan trước mắt chưa có gì cần thay đổi, đó là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Ngân hàng nhà nước.

Từ năm 2007 đến nay, Chính phủ luôn có 22 bộ, cơ quan ngang bộ. Ảnh: Nhật Bắc



Điều đó có nghĩa là 16 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại sẽ nằm trong các phương án sắp xếp, tổ chức lại mà mục tiêu là tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thông qua tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực.

Để đạt mục tiêu này, cần chú ý mấy vấn đề sau:

Xác định đúng và rõ những việc bộ phải làm

Một là tiếp tục thực hiện tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Không thực hiện nguyên tắc này sẽ không thể giảm số lượng các bộ hiện nay.

Trong thực hiện nguyên tắc này, cần lưu ý là ta đang ở giai đoạn 1 của tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Giai đoạn 1 có nghĩa là cố tìm ra các lĩnh vực, các ngành gần nhau, có sự tương đồng nhau, có sự tác động lẫn nhau… để đưa vào một bộ. Các bộ hiện tại như Bộ NN và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương đã được tổ chức theo nguyên tắc này.

Theo nguyên tắc này, có thể tính đến các ngành, lĩnh vực để gom vào một đầu mối như giao thông và xây dựng; giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; tài chính và kế hoạch… Việc gom vào một đầu mối cụ thể như thế nào chắc chắn phải được bàn thảo và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nhiều nước trên thế giới đã chuyển qua giai đoạn 2 của tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, vì lý do hết sức đơn giản là muốn tinh gọn các bộ nhưng đã khai thác hết việc sắp xếp, gom lại các lĩnh vực, ngành như ở giai đoạn 1. Do đó, không có cách nào khác là cứ gom lĩnh vực, ngành không hề có mối liên hệ gì với nhau vào một bộ quản lý, ví dụ như Bộ Nội vụ và An toàn của Hàn Quốc, Bộ Nội vụ và Quê hương của Đức; Bộ Nội vụ và Truyền thông, Bộ Giao thông và Số của Nhật, Bộ An toàn năng lượng và Net Zero của Anh…

Hai là xác định đúng và rõ những việc bộ phải làm trong giai đoạn hiện nay. Đây là một trong những công việc khó nhất khi tổ chức, sắp xếp lại các bộ. 

Một tổ chức đang tồn tại sẽ không dễ gì từ bỏ công việc này, công việc kia đang làm. Kinh nghiệm cho thấy khi xác định công việc của bộ là phải đặt câu hỏi: Việc này nhà nước tức bộ có làm nữa không? Câu trả lời là không thì tính tiếp việc này địa phương thực hiện qua phân quyền hoặc nhà nước mà cụ thể bộ đó thôi không làm việc đó nữa, để xã hội tự lo.

Nếu câu trả lời là có thì câu hỏi tiếp theo sẽ là: Công việc này có ở tầm bộ không? Câu trả lời là không thì công việc đó sẽ được tính để tổ chức trực thuộc bộ (có thể là tổ chức thực thi, có thể là doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ) thực hiện. Câu trả lời là có ở tầm bộ thì công việc này sẽ thường do loại hình tổ chức là vụ thực hiện. Kinh nghiệm các nước cũng như ở ta cho thấy công việc ở tầm bộ là những công việc như hoạch định thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch…

Đương nhiên khi liệt kê và hỏi về từng việc bộ đang làm như vậy sẽ phải đưa ra cơ sở pháp lý của việc ấy. Hết sức chú ý là khi rà soát nhiệm vụ các cơ quan hành chính đang làm, công chức có liên quan thường liệt kê ra rất nhiều việc, nhưng hỏi cơ sở pháp lý của những công việc này đâu thì lại không chỉ ra được.

Thử áp dụng cách làm này vào điện ảnh - một trong rất nhiều lĩnh vực Bộ VHTTDL đang quản lý nhà nước với tư cách là một bộ đa ngành, đa lĩnh vực.

Luật Điện ảnh và Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16/2/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL xác định Bộ có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh.

Cả 2 văn bản đều không quy định Bộ VHTTDL có trách nhiệm chiếu phim phục vụ người dân. Tuy nhiên, trong cơ cấu tổ chức của Bộ lại có Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Điều này cho phép rút ra 2 vấn đề. Thứ nhất, nếu thực sự cần thiết chiếu phim cho người dân thì phải bổ sung quy định pháp lý về trách nhiệm này của Bộ. Thứ hai, chiếu phim không phải là nhiệm vụ của Bộ và do đó không thể có một tổ chức như Trung tâm Chiếu phim quốc gia đang tồn tại.

Đây chỉ là một trong khá nhiều trường hợp sẽ xuất hiện nếu làm kỹ, quyết liệt việc xác định chuẩn công việc của các bộ.

Trong rà soát công việc các bộ đang làm, cần đặc biệt chú ý đến bối cảnh hiện nay, đó là trình độ dân trí đã cao hơn so với trước đây, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã định hình khá rõ, đang tác động đòi hỏi những thay đổi tương thích từ phía cơ quan hành chính. Nhiều việc nhà nước không cần phải làm nữa mà xã hội tự lo; nhà nước, trong đó có các bộ, tập trung làm tốt những việc đích thực của mình là hoạch định thể chế, chính sách, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện.

Như trên đã nêu, khi xác định công việc của các bộ đích thực phải làm, sẽ phải đề cập đến nội dung phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương. Chủ đề lớn này sẽ được bàn tiếp trong phạm vi một bài khác.

Không dễ giảm được những người đáng giảm

Ba là từ phân tích, rà soát công việc mới đi đến nhóm các loại công việc lại với nhau để hình thành cơ cấu tổ chức của bộ. Một hạn chế lớn trong thiết kế cơ cấu tổ chức bên trong các bộ nước ta cho đến nay là bỏ qua loại hình tổ chức là phòng để tiến thẳng lên loại hình vụ, cục, tổng cục.

Dường như chúng ta rất “dị ứng” với loại hình tổ chức phòng, nên đã có các quy định đại để như về nguyên tắc không lập phòng trong vụ. Nhật và Đức đều xác định lấy phòng làm đơn vị tổ chức cơ bản của bộ máy hành chính, trên cơ sở phòng mới tính đến các tổ chức khác. Thậm chí, Đức còn quy định một vụ ở các bộ liên bang tối thiểu phải có 5 phòng. Chính vì nguyên lý tổ chức như vậy mà trung bình các bộ liên bang của Đức chỉ có khoảng 8 đến 12 vụ. Nhưng mỗi vụ lại bao gồm rất nhiều phòng, thường từ 5 đến 7 phòng.

Hạn chế tiếp theo là không xác định được sự khác nhau về chức năng, nhiệm vụ của vụ so với cục và tổng cục. Chính những điểm hạn chế này làm cho bộ máy bên trong các bộ nhiều đầu mối, tầng nấc không cần thiết và đương nhiên kéo theo là đông người làm việc.

Bốn là tổ chức lại các bộ, cơ quan ngang bộ theo nguyên tắc bộ đa ngành, đa lĩnh vực như vậy đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải có sự thay đổi về chất, phải có đủ năng lực, trình độ để đảm đương công việc sau sắp xếp, tổ chức lại.

Không thật sự giảm biên chế để đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu công việc thì những nỗ lực bỏ ra khi tổ chức lại các bộ đa ngành, đa lĩnh vực rất có thể sẽ trở thành số 0, thậm chí còn là số âm. Đây quả là bài toán cực khó vì kinh nghiệm nước ta cho thấy không dễ dàng giảm được những người đáng giảm.

Nguồn: vietnamnet.vn
Tìm kiếm