BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự Hội thảo khoa học Phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc

25/09/2024 16:25

Ngày 24/9/2024, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự Hội thảo khoa học Phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan bộ, ban, ngành ở Trung ương; chức sắc các tôn giáo; các học giả, các nhà nghiên cứu.

Quang cảnh Hội thảo

 

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên Đảng có đề cập trực tiếp các nội dung về tôn giáo và công tác tôn giáo một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và dung lượng nhiều nhất so với các kỳ đại hội trước đó. Trong 10 văn bản trình bày ở 2 tập của Văn kiện, có 4 văn bản đề cập trực tiếp các nội dung liên quan đến tôn giáo. Về việc phát huy nguồn lực trong các tôn giáo, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã ghi rõ: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Hiện nay, các quan niệm về nguồn lực của các tôn giáo đều phổ biến ở một số quan điểm như: khẳng định vai trò của tôn giáo, coi những tác động tích cực của các tôn giáo là một trong những nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thừa nhận các nguồn lực của các tôn giáo ở hai phương diện nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất, trong đó, nhấn mạnh nhiều hơn ở nguồn lực tinh thần, đó là các giá trị về văn hóa, đạo đức tôn giáo; các nguồn lực của tôn giáo đã tham gia vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó ưu thế, đóng góp tiêu biểu ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo…

Tuy nhiên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản dưới luật chưa đưa ra khái niệm thế nào là giá trị tôn giáo và nguồn lực tôn giáo. Giá trị đạo đức, giá trị văn hóa của tôn giáo được hiểu như thế nào và chưa có khung pháp lý để thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước để tạo sự đồng bộ trong nhận thức và thực hiện.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đề cập tới những giá trị đạo đức, văn hóa của một số tôn giáo ở Việt Nam, đồng thời, đề xuất một số giải pháp để phát huy các giá trị của tôn giáo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Trước tiên là phát huy giá trị của các tôn giáo trong xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay. Nếu phát huy được hết nguồn lực từ những giá trị đạo đức, lối sống của các tôn giáo sẽ đóng góp rất tích cực cho nguồn lực của xã hội, đặc biệt về đời sống tinh thần cho Nhân dân. Các đại biểu cũng cho rằng, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ở giai đoạn hiện nay, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được khẳng định mạnh mẽ hơn, trong đó vấn đề về đoàn kết các tôn giáo là chủ trương sáng suốt của Đảng, mang lại nhiều kết quả thiết thực trong đời sống xã hội.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ nguồn lực tôn giáo góp phần xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện qua ba nội dung chính: 

Thứ nhất, giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo góp phần quan trọng vào việc xây dựng văn hóa, đạo đức xã hội, phù hợp với mục tiêu phát triển con người toàn diện. Theo đó, bản chất các tôn giáo đều chứa đựng những giá trị nhân văn và hướng thiện, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Các tôn giáo luôn đề cao chữ hiếu, tương đồng với giá trị truyền thống đoàn kết dân tộc Việt Nam,... Giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo góp phần tạo lập sự đoàn kết và đồng thuận xã hội, niềm tin tôn giáo tác động đến hành vi, đạo đức ứng xử của mỗi tín đồ và cộng đồng tôn giáo. Sự gắn kết chặt chẽ những người cùng đức tin luôn có sức sống bền vững và lan tỏa ra cộng đồng, tạo nên những mối tương quan trong quan hệ xã hội, góp phần vào đồng thuận, tiến bộ xã hội. Một số cơ sở thờ tự của tôn giáo với kiến trúc độc đáo không chỉ chứa đựng giá trị văn hóa tâm linh mà còn góp phần vào hệ thống công trình kiến trúc văn hóa của Việt Nam.

Thứ hai, chức sắc, tín đồ tôn giáo là lực lượng cách mạng, lực lượng quần chúng quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc. Tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam chiếm 27% dân số. Họ vừa là công dân vừa là tín đồ, có tinh thần yêu nước, cần cù, sáng tạo, có niềm tin tôn giáo sâu sắc, đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân tộc. Đây là lực lượng cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và lực lượng quần chúng đông đảo, là nguồn nhân lực quan trọng đã và đang có nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Về chức sắc tôn giáo, theo thống kê đến cuối năm 2023, Việt Nam có khoảng 54 nghìn chức sắc, nhà tu hành và 135 nghìn chức việc thuộc 16 tôn giáo; là những trí thức tôn giáo với đa dạng các trình độ thế học và đạo học, có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và quản lý tín đồ trong các sinh hoạt tôn giáo; hướng dẫn tín đồ thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan,  nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân,…

Thứ ba, nguồn lực tôn giáo đóng góp vào các hoạt động từ thiện và an sinh xã hội. Việc tham gia vào hoạt động an sinh xã hội vừa là chức năng xã hội vừa là thế mạnh của nhiều tôn giáo, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện với hệ thống các cơ sở rộng khắp, hoạt động đa dạng, góp phần giải quyết được một số vấn đề bất cập trong xã hội.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh nguồn lực tinh thần của tôn giáo chính là nguồn lực mạnh mẽ, bền vững đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc; các cá nhân, tổ chức tôn giáo đưa các hoạt động tôn giáo đúng với bản chất thiện lành xây dựng, gìn giữ, thúc đẩy giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo để hội nhập và làm phong phú đạo đức, văn hóa - xã hội, lan tỏa tinh thần từ bi, hỷ xả, chân - thiện - mỹ của tôn giáo trong cộng động tín đồ và xã hội. 

Thứ trưởng cũng cho biết cần thống nhất quan điểm xem tổ chức tôn giáo là tổ chức xã hội, đồng nghĩa với việc tổ chức tôn giáo được thực hiện các hoạt động an sinh xã hội theo quy định của pháp luật chuyên ngành và cũng cần tách bạch hoặc phân ly hoạt động tôn giáo với các hoạt động an sinh xã hội; hoạt động nào cần có chính sách ưu đãi riêng cho tổ chức tôn giáo, hoạt động nào bắt buộc theo quy định như các tổ chức khác. Thứ trưởng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện hệ thống chính sách. Pháp luật luôn là mấu chốt quan trọng bậc nhất trong quản lý và phát huy nguồn lực tôn giáo trong hoạt động an sinh xã hội. Cần tiếp tục rà soát toàn bộ các cơ sở giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội của tôn giáo đang thực hiện; phân loại các cơ sở đã được cấp phép và các cơ sở chưa được cấp phép; hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn để các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng quy định và nâng cao hiệu quả; tách bạch sử dụng đất vào mục đích an sinh xã hội và đất sử dụng vào mục đích tôn giáo.

Đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Trong thời gian tới, để phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần tiếp tục quán triệt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa, đạo đức cùng với các nguồn lực khác của tôn giáo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới; quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác tôn giáo của của tỉnh đảm bảo đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền cùng cấp tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác tôn giáo. Đồng thời, cần phát huy hơn nữa vai trò của các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia giữ vững an ninh, quốc phòng của địa phương; xây dựng thế quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân để chủ động phòng ngừa, kiên trì, kiên trận quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo để xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo…

Hội thảo khoa học Phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần mở ra cái nhìn sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho quá trình xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hội thảo khẳng định vai trò của tôn giáo, những tác động tích cực của các tôn giáo là một trong những nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đó là các giá trị về văn hóa, đạo đức tôn giáo; các nguồn lực của các tôn giáo đã tham gia vào tất cả các quá trình, lĩnh vực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó ưu thế đóng góp tiêu biểu ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo...

Hạnh Phạm - Anh Vũ
Tìm kiếm