BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thông qua Luật Việc làm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng

17/11/2013 12:56

Sáng ngày 16-11, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Luật Việc làm được thông qua với 84,34% đại biểu đồng ý.

 

Luật gồm bảy chương, 62 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015.

 
Các quy định về bảo hiểm thất nghiệp của Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29-6-2006; Chương IX - Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 ngày 29-6-2006 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Việc làm có hiệu lực thi hành.

 
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật đã bỏ quy định trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thành lập phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chỉnh lý lại khoản 2 Điều 37 theo hướng giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương ra quyết định thành lập trung tâm dịch vụ việc làm khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực theo quy định và phù hợp với quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 3 Điều 46 quy định giao cho tổ chức bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động.

 
Để bảo đảm quyền lợi tham gia BHTN của đối tượng hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng và phù hợp với tính chất không ổn định của nhóm lao động này, dự thảo Luật quy định nguyên tắc “cộng dồn” các khoảng thời gian đóng BHTN (liên tục hoặc không liên tục) để xét hưởng BHTN (tại khoản 1 Điều 45). Kinh nghiệm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định điều kiện xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng để tránh lạm dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp.


Trên cơ sở đó, khoản 2 Điều 49 của dự thảo Luật quy định đối tượng lao động này được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động khác với đối tượng lao động giao kết hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hợp đồng xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng) được hưởng BHTN khi đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng . Để khuyến khích nhóm lao động này tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ngoài bản thân người lao động đóng góp, Nhà nước và người sử dụng lao động sẽ hỗ trợ một tỷ lệ tương ứng để họ được hưởng đầy đủ chính sách BHTN như nhóm lao động chính thức, đây chính là cơ chế để mở rộng an sinh xã hội đối với nhóm lao động này.

 
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Điều 58 đã được chỉnh lý lại như dự thảo Luật. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách bảo hiểm xã hội ngắn hạn, có tính chia sẻ cao, do vậy việc xác định mức tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp là cần thiết, nhằm bảo đảm cân đối quỹ, phù hợp với tính chất trợ cấp thất nghiệp là bù đắp một phần thu nhập để người lao động bị thất nghiệp có được mức sống tối thiểu hoặc trung bình, các nước cũng quy định mức tối đa tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi đóng - hưởng cho người lao động và chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

 
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Luật Việc làm liên quan đến nhiều lĩnh vực, có khoảng 10 nhóm chính sách khác nhau, mỗi nhóm chính sách được thực hiện theo quy trình, thủ tục liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn với các nhóm lao động khác nhau và thường xuyên phải được điều chỉnh để đáp ứng với sự phát triển của thị trường lao động. Do đó, giao Chính phủ hướng dẫn thi hành sẽ bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành và phù hợp với thực tiễn. Theo dự kiến, sẽ có bốn nghị định hướng dẫn Luật Việc làm.

 
Cũng trong sáng ngày 16-11, các đại biểu cũng biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng được thông qua với tỷ lệ đồng ý là 85,34%.

 
Luật Sửa đổi, bổ sung 32 điều trong Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2014.
 

Tỷ lệ biểu quyết thông qua Luật Việc làm.

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 3 vào Điều 73, khoản 4 vào Điều 76 và giao cho Chính phủ quy định việc áp dụng khen thưởng bằng hình thức bằng khen, giấy khen đối với gia đình.

 
Về đề nghị bổ sung đối tượng được tặng thưởng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” là lực lượng dân quân tự vệ và cá nhân, tập thể ngoài lực lượng vũ trang, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng dân quân tự vệ, vào các điều 45, 46 và 47, đã thay cụm từ "trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân" bằng cụm từ "thuộc lực lượng vũ trang nhân dân" để bao gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ (theo quy định tại khoản 1, Điều 12 của Luật Quốc phòng). Đối với đối tượng khác không thuộc lực lượng vũ trang nhân dân nếu lập được thành tích, công trạng trong bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh theo quy định của Luật sẽ được xem xét tặng thưởng “Huân chương Chiến công”.

 
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật không quy định việc xét tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần hai cho cá nhân mà chỉ xét tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần hai cho tập thể có quá trình phấn đấu lâu dài, liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm tiếp theo sau khi được tặng thưởng lần thứ nhất. Với tiêu chuẩn cao, chặt chẽ, việc xét tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần hai đối với tập thể vẫn bảo đảm ý nghĩa, tính tôn vinh của danh hiệu cao quý này. Do đó, quy định này đề nghị được giữ nguyên như dự thảo.

 
Dự thảo Luật bổ sung các tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Huân chương Lao động” các hạng, Bằng khen đối với công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp tại các điều 23, 42, 43, 44, 71, 72 và quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện và xây dựng điển hình tiên tiến là người lao động (được bổ sung vào khoản 4 Điều 83 Luật hiện hành).

Theo http://www.nhandan.com.vn/
Tìm kiếm