BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thầy thuốc Nhân dân hiến kế "lấp lỗ hổng" ngành Y

31/10/2013 09:49

Theo GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Kim Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, ngành Y tế phải có một bài toán tổng thể để giải quyết những điểm mấu chốt như: Quản lý các cơ sở y tế, nguồn thuốc, vaccine cũng như y đức của đội ngũ y bác sĩ.

GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Kim Sơn. Ảnh: VGP/Phương Liên

Trước những vụ việc sai phạm nghiêm trọng, làm chết người gây rung động dư luận trong suốt thời gian qua, ngành Y tế sẽ phải thực hiện nhiều việc để khắc phục sửa chữa. GS Đỗ Kim Sơn chia sẻ: "Không thể phủ nhận trách nhiệm, đây chính xác là lỗi quản lý của ngành Y tế khi để xảy ra nhiều vụ tiêu cực như vậy”.

Khắc phục "lỗ hổng" trong quản lý, giáo dục

Theo GS Đỗ Kim Sơn, ngành Y tế phải có một bài toán tổng thể để giải quyết những mấu chốt như: Quản lý các cơ sở y tế, quản lý nguồn thuốc, vaccine và y đức của đội ngũ y bác sĩ.

Về vụ việc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường (Hà Nội) ngang nhiên “hành nghề chui” trong suốt nửa năm mà không bị phát giác, GS Đỗ Kim Sơn khẳng định, đây là do quản lý lỏng lẻo. Bên cạnh trách nhiệm của ngành Y tế, trách nhiệm của chính quyền địa phương, còn có trách nhiệm tự quản của các hội nghề nghiệp. Theo GS Sơn, đối với hành nghề tư nhân (các phòng khám tư), vai trò quản lý của Hội nghề nghiệp là rất quan trọng. Nếu ngành Y tế trao quyền nhiều hơn cho Tổng hội Y học Việt Nam, những hội chuyên khoa thuộc Tổng hội sẽ có trách nhiệm quản lý sâu sát các thành viên.

Nói về cơ chế tự chủ tài chính của nhiều bệnh viện công hiện nay, GS Sơn nhận xét việc này giúp phát huy được tính năng động của cơ sở y tế nhưng đòi hỏi những người thực hiện phải có động cơ rất trong sáng, minh bạch về thu, chi. Các bệnh viện công còn phải tập trung vào cách tổ chức để các bác sĩ có điều kiện làm việc tốt.

Vấn đề y đức, điều mà dư luận quan tâm và bức xúc từ trước cùng với nhiều vụ việc "nổi cộm" mới đây, GS Đỗ Kim Sơn cho rằng ngay từ khi sinh viên vào trường y và ngay khi cơ sở y tế nhận nhân viên mới, trường y và cơ sở y tế phải dạy cho sinh viên và thầy thuốc của mình về y đức, phải giáo dục những hành vi tốt cho người thầy thuốc vì họ là "cứu tinh" cho bệnh nhân.

Y đức trước hết là vấn đề đạo đức, vì thầy thuốc cũng là con người, nhưng vấn đề đạo đức với người thầy thuốc khác với người thường ở chỗ nếu lơ đễnh rèn rũa, cái giá phải trả là tính mạng, sức khỏe người bệnh. Vì thế, GS Sơn cho rằng giáo dục về y đức cần đi vào những vấn đề cụ thể hằng ngày như cách ứng xử với bệnh nhân, trách nhiệm đối với bệnh nhân. Những điều đơn giản như vậy người thầy thuốc phải học liên tục, phải tự nhắc mình hằng ngày. Bác sĩ phải học cách tôn trọng, tận tụy với bệnh nhân, không quát tháo, không khinh khỉnh và đặc biệt, tuyệt đối không thể có những hành vi vô đạo đức như khám bệnh kê đơn để được nhận hoa hồng từ hãng thuốc.

Niềm tin của người bệnh - giá trị người thầy thuốc

GS Đỗ Kim Sơn cho rằng, danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân" là phần thưởng cao quý, nhưng đó vẫn chỉ là danh hiệu. Đã là thầy thuốc, dù có danh hiệu hay không đều phải có cái tâm. Thực tế, rất nhiều bác sĩ dù không có danh hiệu nào nhưng được xã hội kính trọng, được người bệnh yêu quý, tin tưởng, điều đó mới  quan trọng.

Là người cống hiến cho ngành Y trên 50 năm, GS Đỗ Kim Sơn cho rằng đã chấp nhận bước chân vào nghề y, chọn con đường làm thầy thuốc thì phải có tấm lòng nhân hậu, hết lòng phục vụ người bệnh. Ngoài ra cần phải có thêm bản lĩnh vững vàng và đức hy sinh, bởi nghề y là một nghề cao quý nhưng cũng rất khắc nghiệt, nhiều rủi ro.

Giá trị của một người thầy thuốc phải được đo bằng chính niềm tin của bệnh nhân. Đáng tiếc, trong thời buổi hiện nay, một số bác sĩ quá mải mê chạy theo "tiếng gọi của đồng tiền" mà làm nghèo y đức, GS Đỗ Kim Sơn trăn trở.

Không những vậy, một người thầy thuốc cũng phải có tầm nhìn. Nếu người bệnh được chữa trị tốt, đó không chỉ là hạnh phúc của bản thân họ mà còn là niềm vui của gia đình họ và của chính người thầy thuốc. Vì thế, thầy thuốc cần đặt mình vào vị trí của người bệnh mỗi khi quyết định, đó mới thể hiện được tâm thế của một người thầy thuốc đích thực.

GS Đỗ Kim Sơn cho rằng trong nền kinh tế thị trường, mặt trái của ngành Y cũng bộc lộ. Ông nêu dẫn chứng có rất nhiều quảng cáo sai sự thật về các cơ sở y tế, cơ sở thẩm mỹ, thực phẩm chức năng phát trên phương tiện truyền thông, khiến người tiêu dùng bị nhiễu thông tin, thậm chí bị lừa. Những quảng cáo đó chỉ mang lợi ích kinh tế là chính mà ít vì người bệnh. Bên cạnh đó, cũng có người chỉ muốn trong thời gian ngắn phải làm ra thật nhiều tiền, đến mức dùng bệnh nhân để trục lợi. Đó là điều mà ngành Y cần thay đổi ngay lập tức.

Theo GS Đỗ Kim Sơn, ngành Y tế phải nhận thức đầy đủ những hạn chế, yếu kém của mình để khắc phục sửa chữa nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân, khẳng định giá trị nghề nghiệp. Còn nếu không, những lời “xin lỗi” của ngành Y tế sẽ luôn lỗi hẹn...

 

Theo http://baodientu.chinhphu.vn
Tìm kiếm