BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

31/07/2012 13:14

 Sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện.

 Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực này còn chậm. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là chất lượng lao động nông thôn nước ta còn thấp và đang là điểm “nghẽn” của quá trình phát triển. Hiện nay, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở nông thôn chiếm khoảng 70%, trong đó, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm khoảng 8%. Do vậy, nếu không làm tốt công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

Thực hiện chương trình hành động của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với tinh thần “khẩn trương, đồng bộ và quyết tâm cao”.

Hai năm vừa qua, bên cạnh việc ban hành văn bản hướng dẫn Đề án, tổ chức các hội nghị quán triệt, trao đổi và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án từ Trung ương tới cơ sở, hầu hết các địa phương đã ban hành Đề án cấp tỉnh, trong đó tập trung chỉ đạo các mô hình thí điểm đối với vùng chuyên cây, chuyên con, ở 11 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới, ở các tỉnh điểm, huyện điểm, xã điểm, thí điểm việc cấp thẻ học nghề nông nghiệp.... Một số mô hình dạy nghề bước đầu được đánh giá có hiệu quả và có thể triển khai rộng. Đến nay, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề theo chính sách của Đề án 1956 cho gần 800 ngàn người, trong đó, số lao động học nghề nông nghiệp đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào trong sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, một bộ phận lao động nông thôn sau học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. 

Công tác đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn có hạn chế, yếu kém, thể hiện qua trình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Một số địa phương tỷ lệ lao động nông thôn học nghề gắn với việc làm và có việc làm mới phù hợp với nghề đào tạo chưa đạt mục tiêu của Đề án. Chất lượng đào tạo của một số cơ sở đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Nguyên nhân của những yếu kém, hạn chế trên đây là do, một số cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức rõ vai trò của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; chưa coi việc chuẩn bị tích cực, chủ động nhân lực ở nông thôn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước là một giải pháp tiên quyết, để cùng với vốn và quy hoạch sử dụng đất, ứng dụng khoa học công nghệ mới thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Vì vậy, chưa quan tâm lãnh đạo đúng mức, chưa có các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể về dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Bên cạnh đó, vẫn còn có địa phương chưa ban hành Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 chưa có kế hoạch thực hiện hàng năm. Ngoài ra, một số địa phương chưa các chỉ tiêu và chưa xác định rõ giải pháp cụ thể gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm đồng thời chưa xây dựng được quy hoạch phát triển kinh tế của cấp xã theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù hầu hết các tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án nhưng vẫn còn có những địa phương hoạt động chưa có hiệu quả. Trong tổ chức thực hiện thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan ở địa phương, chưa huy động được sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề chưa được tạo điều kiện về  vốn, đất đai, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm hoặc bản thân chưa nắm bắt đầy đủ chính sách hỗ trợ học nghề của nhà nước cũng như sự cần thiết và lợi ích của việc học nghề nên chưa chủ động, tích cực tham gia.

Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và điều tra khảo sát nhu cầu học nghề còn hạn chế. Mạng lưới dạy nghề ở cơ sở còn thiếu về số lượng, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình, giáo trình dạy nghề, giáo viên dạy nghề còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về dạy nghề thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn.

Để khắc phục các hạn chế, yếu kém nêu trên, tạo được sự đột phá về số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng cũng như nhận thức của lãnh đạo các cấp và nhân dân về vai trò của việc dạy nghề. Xác định rõ trách nhiệm của hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và người dân, từ đó đổi mới căn bản, toàn diện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới… Muốn vậy, trong thời gian tới, các cấp uỷ đảng cũng như các cơ quan hữu quan cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tổ chức Đảng, chính quyền và toàn dân với các hình thức phù hợp, thiết thực; xác định đây là việc làm thường xuyên, liên tục để toàn xã hội nhận thức rõ vai trò quyết định của công tác dạy nghề trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho lao động nông thôn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.   

- Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng các bộ, ngành Trung ương có liên quan tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên; xây dựng, ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách và đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo tình hình thực hiện với cấp ủy đảng cấp trên.    

- Các Tỉnh ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết về dạy nghề cho lao động nông thôn; tăng cường chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với các chỉ tiêu cụ thể về số lượng, chất lượng, cơ cấu lao động phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường các hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn sau khi học nghề về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm nhằm đảm bảo mục tiêu lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, hiệu quả cao hơn đạt ít nhất 70% trong giai đoạn 2011-2015, 80% trong giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện; huy động được sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và doanh nghiệp ở địa phương có đủ điều kiện tham gia vào công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn; kiện toàn tổ chức, bố trí đủ cán bộ và nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dạy nghề và cán bộ, công chức xã; huy động các nguồn lực cho dạy nghề, đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; xây dựng và nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả; hàng năm có kế hoạch kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện. 

- Tổ chức đảng các cấp ở địa phương coi việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả, hiệu quả là một nội dung kiểm điểm, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm.

- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức của mình chủ động tham gia vào các hoạt động phù hợp của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước thực hiện phổ biến, tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho các đoàn viên, hội viên, cộng tác viên; biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; thường xuyên giám sát việc thực hiện và kịp thời tập hợp ý kiến của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước.

Theo: http://ldxh.vn
Tìm kiếm