Như chúng ta đã biết, thuốc lá là một sản phẩm được dùng trong đời sống của loài người từ rất xa xưa. Trải qua nhiều thế kỉ, cùng với sự thay đổi của khoa học- công nghệ cũng như nhu cầu cuộc sống, khiến cho thuốc lá đã thay đổi không ngừng về chất lượng cũng như chủng loại, mẫu mã cũng như hình thái sử dụng. Mặc dù hiểu biết của con người về những tác động có hại của thuốc lá đã rõ ràng, song thuốc lá vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu trong cuộc sống xã hội. Tại sao vậy? Có 2 lí giải cho sự tồn tại đó. Trước tiên phải nói đến đó là nhu cầu của người sử dụng thuốc lá do một số chất gây nghiện có trong thành phần khói thuốc lá (nicotin) khiến con người lệ thuộc vào nó. Thứ đến là do nguồn lợi khổng lồ mang tới từ ngành công nghiệp thuốc lá. Sự gặp nhau của 2 lí do này khiến cho thuốc lá-mặc dù đã biết là có hại tới sức khỏe con người- vẫn tồn tại mà chưa thể nào khắc phục được.
Tác hại của thuốc lá tới sức khỏe con người trên hầu hết các chức năng sống của cơ thể. Bởi lẽ khói thuốc lá cùng với một số chất trong hơn 7000 hóa chất chứa trong nó đã được đi vào quá trình chuyển hóa của cơ thể sống(1). Một khi đã vào chu trình chuyển hóa, chúng sẽ tác động lên toàn bộ cơ thể, không trừ một chức năng sống nào, không trừ một bộ phận nào của cơ thể. Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi muốn khu trú vào hệ hô hấp bị ảnh hưởng ra sao bởi thuốc lá.
1. Sơ lược về cấu trúc của cơ quan hô hấp.
Suốt từ mũi xuống tận phế nang của phổi là một hệ thống liên tục về giải phẫu và đồng bộ về chức năng. Điều quan trọng quyết định về chức năng của đường thở là sự tồn tại nguyên vẹn về giải phẫu cùng cơ chế tự bảo vệ của nó. Ngoài hệ thống miễn dịch bảo vệ chung của cơ thể thì phổi còn được tự bảo vệ bằng phản xạ ho, khạc và hệ thống biểu mô niêm mạc của chính mình. Niêm mạc gồm có lớp biểu mô trụ giả tầng có lông chuyển, cùng với dày đặc các tuyến tiết nhầy phế quản (Hình 1). Hệ thống lông chuyển và tuyến nhầy phủ gần toàn bộ niêm mạc đường thở. Hệ thống lông chuyển và chất nhầy do các tế bào tiết ra làm ẩm đường hô hấp và tham gia vào cơ chế tự bảo vệ của phổi(2)(3). Các phế nang chỉ được lót bởi lớp biểu mô rất mỏng gọi là biểu mô hô hấp mà không còn hệ thống lông chuyển. Vách phế nang có một mạng lưới mao mạch dày đặc, tại đây diễn ra quá trình trao đổi khí (Hình 2).
Hình 1. Biểu mô niêm mạc phế quản.
Hình 2. Túi phế nang và mao mạch
Tế bào tiết nhầy sẽ tiết ra dịch nhầy phế quản, làm ẩm đường thở và cố định các hạt bụi, tác nhân có hại (vi khuẩn, vi rút…) từ không khí hít vào sau đó được hệ thống lông chuyển vận chuyển theo hướng từ trong ra ngoài, nhịp nhàng, đồng bộ từ phế quản nhỏ đến phế quản lớn và nhờ động tác ho, khạc để tống ra ngoài.
Biểu mô niêm mạc đường thở và các thành phần trong phế nang là hai cơ quan “đích” mà khói thuôc lá tác động. Các chất độc hại và chất có tính chất hạt sẽ làm cho hệ thống lông chuyển bị tổn thương, làm phì đại và tăng sinh tuyến tiết nhầy, làm dầy vách phế nang do cơ chế viêm không đặc hiệu mạn tính, làm tổn thương các tế bào (đại thực bào phế nang, tế bào phế nang typ 2…) dẫn đến rối loạn hệ thống tự bảo vệ và trao đổi khí của phổi – nguyên nhân sâu xa của một số bệnh hô hấp liên quan đến thuốc lá.
2. Khói thuốc và các chất có trong khói thuốc:
Khói thuốc lá có chứa rất nhiều chất độc hại cho người hút và ngay cả cho người không hút (hít phải khói thuốc lá). Trong hơn 7000 chất có trong khói thuốc lá, ít nhất có khoảng 250 chất gây hại cho sức khỏe, gồm cả hydrogen cyanide, carbon monoxide, and ammonia (1).
Các chất độc hại trong khói thuốc lá sẽ phá hủy biểu mô phế quản, làm rối loạn vận động lông chuyển của tế bào niêm mạc phế quản, làm tăng tiết nhầy của các tuyến, kích thích bạch cầu đa nhân giải phóng men tiêu protein, gây viêm mạn tính phế quản. Hệ thống lông chuyển bị đứt, gãy, vận động không đồng bộ. Trên kính hiển vi điện tử, người ta quan sát thấy những mảng lông chuyển bị xoắn vặn , đẩy dạt xuống giống như thảm lúa bị gió xoáy lốc, mất hướng chuyển động nhịp nhàng. Các tế bào hình đài tăng sinh, phì đại, tăng tiết nhầy và thành phần hóa học của chất nhầy phế quản bị biến đổi, làm thay đổi độ dính nhớt, khiến nhiều đờm nhưng khó khạc.(4) Các tổn thương đó làm dầy thành phế quản, làm lòng phế quản hẹp lại (chỉ số bề dầy của tuyến phế quản/bề dày thành phế quản tăng (chỉ số Reid bình thường = 0,4). Những rối loạn đó là cơ sở cho hàng loạt rối loạn bệnh lý có thể xảy ra với bộ máy hô hấp
3. Một số bệnh của hệ hô hấp có liên quan đến khói thuốc
Có thể nói khói thuốc lá cùng với nhiều hóa chất độc hại sẽ kích hoạt hàng loạt cơ chế phát sinh nhiều bệnh lí mạn tính có liên quan đến thuốc lá, song hai bệnh hay gặp nhất và gây hậu quả nặng nề nhất, đó là:
• Ung thư phổi.
Khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ đầu tiên, tại Mĩ có tới 80-90% tỷ lệ tử vong do ung thư phổi có liên quan tới thuốc lá. Những người hút thuốc lá mắc ung thư phổi hoặc chết do ung thư cao gấp 15-30 lần so với người không hút. Trong số 250 hóa chất có hại trong khói thuốc lá, có ít nhất 69 loại có thể gây ung thư, trong đó phải kể đến một số chất như Acetaldehyde, Aromatic amines, Arsenic, Benzene, Beryllium, Ethylene oxide, Formaldehyde(5)(6)…. Tỷ lệ mắc bệnh có liên quan mật thiết tới mức độ và thời gian hút. Thời gian hút càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Áp dụng cách tính số bao thuốc lá (20 điếu) tiêu thụ trong 1 ngày cùng với thời gian (năm) hút cho thấy những người có chỉ số tiêu thụ hơn 20 bao-năm (mỗi ngày 1 bao và trong 20 năm) là nhóm có nguy cơ ung thư phổi cũng như các bệnh mạn tính khác cao nhất. Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu của những tử vong do ung thư trên toàn cầu.Triệu chứng sớm có thể là ho, đau ngực, sụt cân, đôi khi ho ra máu. Chẩn đoán được xác định bằng Xquang hoặc CTscanner và sinh thiết phổi (Hình 3, 4). Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân đã có biểu hiện di căn xa mà không thấy biểu hiện triệu chứng hô hấp gì, một khi có triệu chứng lâm sàng tại phổi thì đã ở giai đoạn muộn(6)(7). Một nghiên cứu gần đây cho thấy trong số 245 người trên 40 tuổi, mặc dù chỉ số hút thuốc chỉ >10 bao-năm, có biểu hiện lâm sàng phải đi khám bệnh thì có tới 178 người (72,65%) nghi ung thư phổi, đã xác định được 136 (55,5%) là ung thư phổi các giai đoạn(8). Theo thống kê từ một phân tích gần đây, cứ hút trung bình 50 điều thuốc lá sẽ có một đột biến DNA ở mỗi tế bào phổi. Người hút một bao thuốc lá (20 điếu) mỗi ngày trong một năm sẽ tạo ra 150 đột biến ở mỗi tế bào phổi. Những đột biến này là nguy cơ tiềm ẩn của ung thư phổi. (Newscientist.com).
Hình 3. Tổn thương trên CT Scan.
Hình 4. Tổn thương vi thể Carcinoma phổi
• Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease-COPD) là tình trạng bệnh lý biểu hiện bằng triệu chứng hô hấp mạn tính và tắc nghẽn lưu thông khí không hồi phục hoàn toàn. Nền tảng bệnh học COPD là viêm mạn tính, phá hủy và biến đổi cấu trúc phế quản-phổi có khuynh hướng tiến triển. Thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu của COPD, bên cạnh đó còn có sự góp mặt của khói từ nhiên liệu sinh khối (biomass fuels).(9). Biến đổi sâu sắc về cấu trúc hình thái và chức năng lớp biểu mô lông chuyển của niêm mạc đường hô hấp do tác động của khói thuốc lá, như đã nói ở phần trên là cơ sở khoa học của bệnh sinh của COPD. Biểu hiện của bệnh có những triệu chứng cơ bản: Ho khạc kéo dài, khó thở tăng dần, nặng ngực, chức năng thông khí bị hạn chế dòng khí thở ra cố định và dai dẳng, nặng dần lên theo thời gian và không hồi phục (chỉ số FEV1/FVC giảm mạnh). Tuy là bệnh của cơ quan hô hấp nhưng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác do tình trạng thiếu oxi mạn tính, kéo theo các rối loạn chuyển hóa toàn thân. Trong quá trình diễn biến của bệnh, COPD thường xuyên có những đợt cấp (đợt bùng phát – Acute-excacerbations) làm cho bệnh nặng dần lên. Mỗi lần nặng lên như vậy sẽ làm chức năng phổi tồi tệ hơn. Kết cục của bệnh COPD là suy hô hấp mạn tính, suy tim và tử vong. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới COPD gây ra 3,2 triệu ca tử vong mỗi năm (tức là khoảng 5% tổng số ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm). Tại Việt Nam, các ca COPD chiếm tỷ lệ 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ từ 40 tuổi trở lên.(10)
Hình 5. Lòng phế quản bị hẹp lại.
Hình 6. Xquang ngực của COPD
4.Kết luận.
Tác hại của khói thuốc lá tới sức khỏe con người là vấn đề không còn bàn cãi. Bằng những tiến bộ khoa học hiện nay và từ những minh chứng thực tế, các chính sách vĩ mô nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá phải được triển khai đồng bộ và quyết liệt từ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và sử dụng. Không thể đánh đổi lợi nhuận kinh tế và sức khỏe nhiều thế hệ của giống nòi người Việt. Mỗi người hãy tự nói không với thuốc lá, vì sức khỏe của mình, gia đình và cộng đồng.
PGS. TS. Đinh Ngọc Sỹ, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam
Nguồn: http://tonghoiyhoc.vn/