Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Đó là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh trong cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết về Đề án Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và các nhà khoa học trẻ vào làm việc tại các cơ quan nhà nước đang được Bộ Nội vụ từng bước hoàn thiện.
Bộ Nội vụ sẽ ban hành cơ chế để thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và các nhà khoa học trẻ vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, vậy cụ thể của việc "hút” và "tạo” nguồn cán bộ này thế nào thưa ông?
- Chúng tôi đang xây dựng Đề án "Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ vào các cơ quan nhà nước”. Tại sao lại phải hút nguồn cán bộ này vào cơ quan nhà nước là vì đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH và đang rất cần nguồn nhân lực "top trên” để phát triển kinh tế tri thức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Theo đó, Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành khung chính sách nhằm thu hút nhân tài. Để làm được Đề án này, chúng tôi sẽ tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn về chính sách thu hút người tài làm việc trong các cơ quan nhà nước ở một số địa phương thời gian qua để đánh giá lại ưu khuyết điểm mà các địa phương đã làm; trên cơ sở đó sẽ xây dựng, ban hành khung chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn cán bộ này cho đất nước trong tương lai. Theo tôi, mục tiêu lớn nhất của Đề án này là sẽ khắc phục tình trạng "chảy máu chất xám” từ các cơ quan nhà nước ra bên ngoài và phải hút lực lượng tinh hoa từ bên ngoài vào cơ quan nhà nước.
Hút người tài vào cơ quan nhà nước không quá khó, vấn đề là có giữ chân được họ hay không, chúng ta cần làm gì để không có những cuộc chia tay không mong muốn?
- Đúng là hút người tài không khó bằng việc giữ chân họ. Vì thế, trong xây dựng Đề án lần này, chúng tôi có nhấn mạnh đến việc sau khi thu hút, tuyển chọn được rồi thì phải bố trí công việc, sử dụng các tài năng trẻ sao cho họ phát huy được cao nhất thế mạnh của mình. Thực tế cho thấy, có nơi bước đầu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được nhận vào cơ quan nhà nước với một vài đãi ngộ nào đó. Tuy nhiên, về sau việc phân công không hợp lý dẫn đến những cuộc chia tay của các bạn giỏi dù chúng ta đã trải những tấm thảm rất lớn để đón họ. Theo tôi, chúng ta thu hút tài năng trẻ thì phải bố trí đúng khả năng, không chỉ bằng chính sách đãi ngộ mà phải qua rèn luyện trong thực tiễn, từ đó ghi nhận năng lực, đưa vào quy hoạch đề bạt, bổ nhiệm về lâu dài. Nếu để họ chờ quá lâu, nhìn thấy tương lai mờ mịt thì sẽ mất cán bộ.
Thật ra, giữ được người tài cần rất nhiều yếu tố. Lương cao cũng là một yếu tố. Cũng có ý kiến cho rằng khó giữ chân người tài vì thu nhập trong các cơ quan nhà nước thường thấp. Nhưng theo tôi điều này chưa hẳn là quá lo ngại. Với những tài năng trẻ, điều đầu tiên họ quan tâm là môi trường cống hiến cho đất nước chứ chưa hẳn đã là thu nhập. Ngoài ra, làm trong cơ quan nhà nước cho những cơ hội mở ra với họ, chẳng hạn nếu theo con đường chức nghiệp họ sẽ có cơ hội thăng tiến thành lãnh đạo hoặc sẽ trở thành những chuyên gia đầu ngành hoạch định chính sách cho đất nước. Trong khi đó, lợi thế này không hề có ở các đơn vị khác.
Như vậy, yếu tố mạnh nhất để hút và giữ chân người tài đó là tương lai sáng lạn sẽ mở ra trước mắt họ. Nhưng nếu quả thật vào làm việc tại các cơ quan nhà nước lại mở ra nhiều cơ hội đến như vậy dự kiến sẽ có rất nhiều người tham gia tranh tài, vậy làm thế nào để "lọc” được những người tài thật sự?
- Chính vì lẽ đó, khi xây dựng Đề án này, chúng tôi đã tiến hành đánh giá lại toàn bộ thực trạng, kết quả thực hiện thời gian qua, trên cơ sở đó đề xuất phương án báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chính sách thu hút trọng dụng sử dụng đội ngũ cán bộ trẻ trong thời gian tới. Cách làm phải khắc phục được những hạn chế, khiếm khuyết, tồn tại thời gian qua. Đề án đang tiếp cận theo hướng đầu tiên là phải đi từ nguồn cung cấp nguồn lực lao động từ trường đại học. Cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp cận từ khi sinh viên vào năm thứ nhất, định hướng ngay trong trường đại học bồi dưỡng cho các em có mục tiêu phấn đấu. Chẳng hạn, nếu các em hoàn thành xuất sắc toàn bộ khóa học sẽ tạo ra những đặc cách để "hút” vào cơ quan nhà nước. Việc tiếp cận này sẽ công khai, minh bạch để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và tạo động cơ học tập tốt cho các em. Việc thu hút cũng thực hiện đối với sinh viên ở tất cả các trường chứ không riêng trường nào.
Theo tôi, có một thực tế đó là việc phát hiện nhân tài của chúng ta hiện nay là rất kém. Để khắc phục tình trạng này, sắp tới, chính bản thân các cơ quan nhà nước muốn nhân sự thế nào phải tự đến trường tìm nguồn nhân lực cho mình, phù hợp nhu cầu công việc để "hút” họ. Theo tôi, việc hút được và giữ chân được người giỏi thật sự hay không là do cơ chế chính sách. Nếu cơ chế chính sách cho lãnh đạo của đơn vị tự tuyển dụng cán bộ cấp dưới, tự chịu trách nhiệm về đạo đức cũng như trình độ chuyên môn của cán bộ, chắc chắn sẽ tìm được người tài thật sự.