Ảnh minh họa. Nguồn: hanoi.edu.vn
Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc tại tỉnh Quảng Ninh.
Mục tiêu cụ thể năm 2022 là, 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, triển khai công tác PCTHTL của cơ quan, đơn vị bằng hình thức phù hợp. Tăng cường vai trò hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá của tỉnh, Ban Chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá của các huyện, thị xã, thành phố.
Tiếp tục nâng cao năng lực PCTHTL cho cán bộ tham gia hoạt động PCTHTL, đưa nội dung giảng dạy về PCTHTL vào trường học. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc lá tại các nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện, nơi công cộng.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, lợi ích của việc thực hiện môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tăng cường tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha...).
Tập trung 6 nội dung hoạt động
Theo Kế hoạch, trong năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tập trung vào 6 nội dung hoạt động, bao gồm:
Thứ nhất, về công tác chỉ đạo điều hành: Kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTHTL các cấp, ngành, các địa phương trong toàn tỉnh. Ban Chỉ đạo PCTHTL các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai kế hoạch PCTH thuốc lá năm 2022 tại địa phương, cơ quan đơn vị. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai kế hoạch PCTH thuốc lá tại các đơn vị, địa phương. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha) trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch, hội nghị tổng kết hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn.
Thứ hai, nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá về Luật và các văn bản liên quan:Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá các Sở, ngành, đoàn thể, cán bộ y tế, giáo viên. Tiếp tục tổ chức tập huấn về tác hại của hút thuốc lá, Luật PCTHTL, hướng dẫn tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng cho cán bộ y tế, cộng tác viên thôn/ bản.
Tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng kiểm tra liên ngành, cán bộ công an về Luật PCTHTL, các quy định xử phạt, thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá. Đưa nội dung PCTHTL vào giảng dạy trong các nhà trường, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật PCTHTL.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình môi trường không khói thuốc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đặc biệt tại các trường học và cơ sở y tế trên địa bàn. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đưa nội dung PCTHTL vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, kịp thời biểu dương, khen thưởng, kỷ luật phù hợp với điều kiện cụ thể.
Xây dựng các tiêu chí đánh giá để xét thi đua hàng năm, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác PCTHTL. Tiếp tục duy trì các đơn vị y tế, trường học không khói thuốc trên địa bàn và nhân rộng thêm các cơ quan hành chính, các đơn vị, nhà hàng, khách sạn, nhà máy, cơ sở kinh doanh, trên các phương tiện giao thông. Tổ chức cho cán bộ viên chức, người cán bộ lao động ký cam kết tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc; không hút thuốc lá tại các địa điểm cấm theo quy định.
Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành, tác hại của hút thuốc lá, lợi ích của việc xây dựng môi trường không thuốc lá. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên báo Quảng Ninh, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh và truyền hình cấp thành phố, huyện và hệ thống loa phát thanh của xã, phường, thị trấn về Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, tác tại của hành vi hút thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, xã hội.
Tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu truyền thống và các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông với nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực dưới nhiều hình thức như: Tuyên truyền lưu động, nói chuyện chuyên đề, hội nghị, hội thảo, hội thi, tọa đàm, qua tranh, ảnh, pano, áp phích, các sự kiện văn hóa, thể thao.
Tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thi tìm hiểu về Luật PCTHTL trong các trường học. Tổ chức chiến dịch truyền thông để phổ biến tới người dân nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ đối với tình trạng hút thuốc nơi công cộng và nơi làm việc. Sản xuất và cấp phát tài liệu truyền thông cho các đơn vị.
Tổ chức hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25-31/5 năm 2022 với sự tham dự của Ban Chỉ đạo, đại diện các Sở, ngành, đơn vị cùng sự tham gia của phóng viên các cơ quan báo chí địa phương.
Thứ năm, duy trì mạng lưới thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm Luật PCTHTL trên địa bàn tỉnh. Thành lập đoàn giám sát liên ngành của tỉnh bao gồm đại diện: Ban chỉ đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan.... để giám sát việc thực thi Luật PCTHTL trên địa bàn tỉnh, các cơ sở kinh doanh thuốc lá, quản lý thuốc lá nhập lậu, môi trường không khói thuốc tại các đơn vị cấp tỉnh, địa điểm công cộng... xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Các địa phương chủ động thành lập đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về việc thực hiện các quy định của Luật PCTHTL và văn bản liên quan, môi trường không khói thuốc đối với các trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển hành khách, nhà máy, xí nghiệp... trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố
Xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đề ra các biện pháp nhằm phát hiện sớm, kịp thời ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha) trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong các trường học.
Thứ sáu, về công tác thống kê báo cáo: Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá năm của cơ quan đơn vị, địa phương mình gửi về Sở Y tế (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh) theo địa chỉ đơn vị đầu mối: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, Số 651 Lê Thánh Tông, Phường Bạch Đằng, Hạ Long, Quảng Ninh, trước ngày 25/12 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định./.
Anh Cao (Nguồn: Kế hoạch số 149/KH-UBND)