BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Quảng Bình nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công

27/06/2013 09:56

Hai năm qua, tỉnh Quảng Bình thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công tại địa phương. Sự cố gắng đó bước đầu mang lại sự hài lòng cho người dân. Với kết quả công bố ngày 14-5-2013, Quảng Bình vươn lên đứng đầu 63 tỉnh, thành phố về hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

 

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm một cửa TP Ðồng Hới.

Nơi người dân hài lòng với dịch vụ công

Thực tế tại nhiều địa phương trong cả nước, thủ tục hành chính luôn là một trong những vấn đề bị người dân phàn nàn, thậm chí bức xúc trước sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức các cơ quan chức năng. Ở Quảng Bình, vấn đề này đang từng bước được cải thiện. Ðang vào giai đoạn giữa hè, nắng như đổ lửa nhưng tại Trung tâm "một cửa" TP Ðồng Hới, không khí làm việc khá khẩn trương. Chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Ninh ở tiểu khu 1, phường Phú Hải, TP Ðồng Hới, khi ông đang làm thủ tục giải quyết về vấn đề đất đai. Ông vui vẻ cho biết: "Thành phố cải tiến nhiều rồi, không như trước, làm được cái "sổ đỏ" phải một năm rưỡi và đi lại hơn 20 lần. Giờ chỉ cần đi một lần là được, cán bộ nhiệt tình hướng dẫn". Ông Ninh cho biết thêm, trước đây khi tiếp xúc với đại biểu HÐND tỉnh Quảng Bình, ông đã đề nghị nhanh chóng giải quyết những bức xúc của người dân khi làm các thủ tục đất đai. Có thời điểm cả thành phố có gần 3.000 hồ sơ về đất bị ứ đọng nhưng không rõ nguyên nhân.

Ðể cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu của người dân trong thực hiện các dịch vụ công, UBND thành phố Ðồng Hới đã chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc tại từng khâu, từng việc. Chủ tịch UBND thành phố Ðồng Hới hằng tháng giao ban với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm "một cửa" thành phố để nghe báo cáo kết quả số hồ sơ giải quyết trong tháng và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn phát sinh. Mỗi tháng thành phố giải quyết hơn 600 hồ sơ về đất đai đúng thời gian quy định và đến nay, hầu hết số hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết. Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Ðồng Hới Nguyễn Ðức Cường cho biết, trước đây phòng chỉ nhận hồ sơ về đất đai vào các ngày thứ 2, 4 và thứ 6 hằng tuần; nhưng nay thì tất cả các ngày làm việc trong tuần đều nhận hồ sơ. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ nhiệt tình hướng dẫn thủ tục cho người dân. Một số hồ sơ tồn đọng do liên quan đến tranh chấp hoặc chậm bổ sung các thủ tục cần thiết đều được cán bộ tiếp nhận, giải thích rõ ràng để người dân biết. Vì thế, "sổ đỏ" của người dân hoàn thành chỉ trong 39 ngày, thay cho hơn sáu tháng trước đây.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết: Kết quả rõ nét nhất trong công tác cải cách hành chính của tỉnh năm 2012 là bộ thủ tục hành chính của các ngành, địa phương tiếp tục được hoàn thiện và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của tỉnh, của các ngành, địa phương; từ đó giúp cho các cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận và giám sát. UBND tỉnh Quảng Bình đã công bố sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 811 thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục, dịch vụ công hành chính trực tuyến toàn tỉnh lên 2.399 thủ tục, trong đó có 1.097 thủ tục, dịch vụ hành chính công trực tuyến mức hai (cung cấp các mẫu đơn, tờ khai và cho phép tải về để sử dụng trong các giao dịch hành chính, tức là người dân chỉ cần in ra rồi ghi thông tin cá nhân đem nộp) và 24 thủ tục, dịch vụ hành chính công trực tuyến mức ba (cho phép người sử dụng điền và gửi trực tiếp các mẫu đơn, tờ khai đến cơ quan cung cấp dịch vụ thông qua mạng in-tơ-nét; cơ quan nào giải quyết, thời gian bao lâu hoặc giải quyết đến đâu, bao giờ xong... người dân đều biết). Hiện nay, cả bảy huyện, thành phố trong tỉnh đều xây dựng và triển khai có hiệu quả bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông.

Quảng Bình cũng là tỉnh đi đầu thực hiện việc chứng thực thay cho công chứng để tạo thuận lợi cho người dân. Chánh Văn phòng UBND thành phố Ðồng Hới Lê Thị Thu Cúc cho biết, việc chứng thực thay cho công chứng sẽ rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi cho nên người dân rất hoan nghênh, đồng tình. TP Ðồng Hới là địa phương đầu tiên ở Quảng Bình thực hiện cơ chế liên thông cấp xã, phường. Qua đó tạo thuận lợi cho người dân tìm hiểu các nội dung liên quan trong quá trình làm hồ sơ, quá trình giải quyết hồ sơ được công khai, quy định rõ thời gian hẹn trả kết quả và cán bộ tuân thủ đúng thời gian đã hẹn. Việc làm này từng bước tách nhiệm vụ hành chính công với dịch vụ công và hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Theo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2012, Quảng Bình được hầu hết người dân đánh giá cao và được đặt vào nhóm các tỉnh có điểm cao nhất ở hầu hết các lĩnh vực, như sự tham gia người dân ở cấp cơ sở, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân và thủ tục hành chính công.

Theo PAPI, năm 2012, Quảng Bình cũng thuộc nhóm tỉnh có dịch vụ công tốt nhất hiện nay. Trong điều kiện của một địa phương còn nhiều khó khăn nhưng Quảng Bình đã có nhiều cố gắng trong việc cung ứng dịch vụ công thông qua bốn loại hình dịch vụ như xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế công lập, giáo dục tiểu học công lập và bảo đảm an ninh, trật tự ở khu dân cư. Ðến nay, tất cả 159 xã, phường của tỉnh Quảng Bình đều có đường ô-tô về trung tâm xã; hệ thống trường học được xây dựng kiên cố; 100% số trạm y tế xây dựng khang trang và có bác sĩ làm việc; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Nỗ lực để phục vụ người dân

Mặc dù đứng đầu bảng PAPI năm 2012, nhưng về lĩnh vực kiểm soát tham nhũng thì Quảng Bình vẫn còn nhiều hạn chế và ở nhóm đạt điểm số trung bình. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài, đó là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh luôn luôn trăn trở. Muốn làm tốt vấn đề chống tham nhũng, trước hết cần ngăn ngừa tham nhũng thông qua các quy định cụ thể về các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng bằng các văn bản quy phạm pháp luật như trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đất đai, khoáng sản, chi tiêu hành chính. Ðồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, đầu tư mua sắm công cũng như việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình còn cho rằng, xét cho cùng, chính quyền địa phương, ngoài việc định hướng, quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội thì cần lấy nhiệm vụ phục vụ người dân là hàng đầu. Do vậy, để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân tốt hơn, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ rà soát lại các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của ngành, địa phương nhằm phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu. Mặt khác, để nâng cao trình độ và trách nhiệm giải quyết công việc của các cấp chính quyền, tỉnh tiến hành bồi dưỡng về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hành chính nhà nước, trước hết là cấp xã, cấp huyện; đồng thời chú trọng hoạt động của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Không chỉ nỗ lực để giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về chỉ số quản trị và dịch vụ hành chính công, Quảng Bình quyết tâm cải cách để thủ tục hành chính ở đây thông thoáng hơn, qua đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ do các cơ quan nhà nước địa phương cung ứng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội trên địa bàn.


Cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn Ðồng Lê, huyện Tuyên Hóa bàn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Theo http://www.nhandan.org.vn
Tìm kiếm