BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Phân cấp mà cứ chờ bộ, ngành là rất khó

11/01/2024 14:42

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng TP.HCM cần được phân cấp những vấn đề gì thì phải tự chủ động đề nghị lên Chính phủ thay vì báo cáo các bộ, ngành rồi đợi bộ, ngành báo cáo Chính phủ sẽ mất thời gian.

Sáng 10-1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị nghiên cứu, thảo luận ý kiến đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều vấn đề phải xin ý kiến đồng loạt các bộ, ngành.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Những việc bình thường sao phải xin phân cấp

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nhìn nhận phân cấp, phân quyền là vấn đề rất khó. Trong khi đó tư duy xưa nay là cơ chế kế hoạch hoá tập trung, “cấp Trung ương quyết, cấp địa phương chỉ thực hiện”.

Khi chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì phải đẩy mạnh trao quyền cho cấp dưới, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản của chính quyền địa phương, đồng thời đảm bảo sự quản lý thống nhất của Chính phủ.

“Nếu chúng ta chờ ý kiến các bộ, ngành đề xuất những vấn đề phân cấp cho TP.HCM thì sẽ không bao giờ có thể đáp ứng được mong muốn của TP...” – ông Tuấn nói.

“Một người đang có thẩm quyền quyết việc này mà bảo tự bỏ thẩm quyền đó ra để chuyển cho cấp dưới, đấy là cả quá trình về nhận thức, tư duy và giác ngộ trong đẩy mạnh phân cấp” – ông Tuấn tiếp và cho rằng TP.HCM cần được phân cấp những vấn đề gì thì phải tự chủ động đề nghị lên Chính phủ, thay vì báo cáo các bộ, đợi các bộ báo cáo Chính phủ, sẽ mất thời gian.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Đi sâu vào dự thảo Nghị định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn cho rằng những lĩnh vực mà TP đề xuất chưa thể hiện được tinh thần phân cấp mạnh mẽ, mà lại phải lấy ý kiến của bộ, ngành.

Ông dẫn chứng nhiều việc rất rất bình thường như cấp phép xây dựng, giấy phép lập cơ sở bán lẻ… liên quan đến cải cách hành chính hoàn toàn TP.HCM thực hiện được...

“Làm sao bãi bỏ tình trạng giao thẩm quyền, phân cấp cho TP rồi nhưng vẫn phải xin ý kiến trước khi quyết định, quyền là của mình nhưng trước khi quyết phải hỏi mới được làm, gây mất nhiều thời gian, cơ hội”- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.

Thủ tướng muốn quyết nhưng phải chờ ý kiến bộ, ngành

PGS.TS Võ Trí Hảo, Trọng tài viên VIAC, Cố vấn cao cấp IICL, cho rằng phân cấp cho TP.HCM phải thực hiện theo hướng làm sao chỉ xin một lần thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ chứ đừng phát sinh việc xin 23 lần đối với 23 bộ, ngành.

“Các bộ không cho đâu” – TS Hảo nói và cho biết khi nghiên cứu dự thảo, có nhiều vấn đề đã cũ nhưng cách hiểu các bộ khác nhau.

PGS.TS Võ Trí Hảo, Trọng tài viên VIAC, Cố vấn cao cấp IICL, phát biểu. Ảnh: HÀ THƯ

Ông dẫn chứng vấn đề góp vốn quyền sử dụng đất vào dự án liên doanh, TP.HCM đã hỏi Trung ương nhưng Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT mỗi bộ trả lời một kiểu và cuối cùng TP.HCM “đứng hình”.

Theo PGS Hảo, có vấn đề cũ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng nhưng Thủ tướng sẽ không tự mình quyết định lập tức được mà phải chờ ý kiến 23 bộ, ngành. Trong khi đó, mỗi bộ có quan điểm riêng, lợi ích riêng, khiến quá trình lấy ý kiến lâu hơn.

"TP.HCM mong muốn được Thủ tướng uỷ quyền, bộ trưởng uỷ quyền hoặc tập thể Chính phủ uỷ quyền và rút quyền từ bộ trưởng... để việc chạy nhanh hơn” – PGS Hảo nói.

 

Nguồn: plo.vn
Tìm kiếm