BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Kế hoạch triển khai Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”

05/07/2022 14:52

Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa ký Quyết định số 526/QĐ-BNV ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Mục đích của Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”; đồng thời, làm căn cứ để xây dựng và thực hiện kế hoạch hằng năm về Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Về phạm vi, tài liệu đưa ra công bố là các tài liệu lưu trữ quốc gia hiện đang bảo quản tại 04 Trung tâm Lưu trữ quốc gia. Việc công bố được thực hiện cả trong nước và nước ngoài, trong đó chú trọng ở các quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập, các quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030. 

06 nhiệm vụ cần triển khai

Thứ nhất, xác định nội dung tài liệu đưa ra công bố. Tài liệu lưu trữ đưa ra công bố theo các chủ đề sau: Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; Quan hệ quốc tế của Việt Nam; Tổ chức đơn vị hành chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; Vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng và quyền con người ở Việt Nam; Vấn đề phát triển nông thôn, nông nghiệp và nông dân ở Việt Nam; Vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam; Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Vấn đề phát triển giáo dục đào tạo ở Việt Nam; Chính sách và kết quả thực hiện các chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Các phong trào đấu tranh, các cuộc kháng chiến giành chính quyền và bảo vệ độc lập dân tộc; Danh nhân, nhân vật và di tích lịch sử - văn hóa Việt Nam; Lịch sử phát triển các ngành nghề, lĩnh vực.

Thứ hai, biên dịch tài liệu Hán - Nôm, tài liệu tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để phục vụ công bố, bao gồm: Tổ chức biên dịch toàn văn tài liệu Châu bản triều Nguyễn, tài liệu, tư liệu Hán - Nôm theo các chủ đề công bố; Biên dịch các bộ sách được khắc trong Mộc bản triều Nguyễn chưa được biên dịch và xuất bản; Dịch tiêu đề hồ sơ các phông tài liệu tiếng Pháp; biên dịch tiêu đề văn bản pháp quy đăng trên Công báo thời Pháp thuộc; Biên dịch toàn văn sưu tập tài liệu về Mật thám Pháp theo dõi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Paris do Lưu trữ quốc gia Cộng hòa Pháp tặng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Thứ ba, xử lý khối tài liệu ảnh bị sai sót, thiếu thông tin trước khi đưa ra công bố, bao gồm: Ảnh giai đoạn từ năm 1930 đến trước Cách mạng tháng Tám; Ảnh từ năm 1945 và xây dựng Chính quyền Dân chủ nhân dân; Ảnh về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ năm 1945 - 1975; Ảnh về kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1946 - 1954; Ảnh giai đoạn 1954 đến nay; Ảnh các hoạt động ngoại giao từ năm 1945 đến nay; Ảnh về các hoạt động của Quốc hội; Ảnh về Khu Tự trị Việt Bắc và các khu, liên khu.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác công bố tài liệu, gồm: Tổ chức, tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền, thuyết trình, biên tập bài viết, xây dựng kịch bản nội dung; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công bố tài liệu...; Tổ chức các hội thảo, hội nghị; khảo sát, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước về công bố tài liệu lưu trữ.

Thứ năm, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động công bố tài liệu tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia: Cải tạo khu trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ; đầu tư trang thiết bị phù hợp với các hình thức, mục đích công bố; xây dựng Trung tâm Lưu trữ quốc gia trở thành điểm đến văn hóa của công chúng.

Cuối cùng, xây dựng Cổng thông tin dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia nhằm quản lý, tích hợp, chia sẻ các dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ giữa các cơ quan Lưu trữ lịch sử phục vụ nhu cầu sử dụng của xã hội, phục vụ các cơ quan, tổ chức, công chúng…

Thanh Tuấn  

Tìm kiếm