 |
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị |
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Thái Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban ngành ở Trung ương, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố, lãnh đạo Ban Tôn giáo-Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về phía Ban Tôn giáo Chính phủ có ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cùng các Phó Trưởng ban: Nguyễn Thanh Xuân, Phạm Huy Thơ, Bùi Thanh Hà, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ban.
Năm 2011 là năm hoạt động tôn giáo diễn ra sôi động, các tôn giáo trong nước tổ chức nhiều sự kiện lớn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ kỷ niệm 30 thành lập (1981 – 2011); đại hội Phật giáo các cấp, tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (năm 2012)…; Giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức Lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 kết hợp với Đại hội hành hương La Vang lần thứ 29…; Các hệ phái Tin lành tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày đạo Tin lành truyền vào Việt Nam (1911 – 2011); Các Hội thánh Cao đài tập trung tổ chức đại hội đại biểu Nhơn sanh theo nhiệm kỳ…; Các tôn giáo khác tổ chức các hoạt động thường niên, các ngày lễ hội. Các tổ chức tôn giáo mới được công nhận thúc đẩy việc củng cố nhân sự và phát triển tín đồ.
Các tổ chức, cá nhân tôn giáo tích cực tham gia hoạt động quốc tế. Nhiều hoạt động của các tôn giáo thu hút đông đảo chức sắc, tín đồ trong và ngoài nước tham gia: Hội thảo Phật giáo quốc tế tổ chức tại Hà Nội; Lễ Bế mạc Năm Thánh 2010; lễ Kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành truyền đến Việt Nam; Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 2011, cả nước có hơn 100 lượt chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo được cấp phép ra nước ngoài tham gia các khóa đào tạo về tôn giáo và các hoạt động liên quan đến tôn giáo.
Kết quả thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hạn chế được các luận điệu tuyên truyền, kích động của các phần tử xấu. Từ chỗ nhu cầu tinh thần được đảm bảo, đồng bào theo đạo Tin lành, nhất là đồng bào thuộc các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên ổn định, yên tâm sản xuất, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, có ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Sự ra đời của Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg cùng những kết quả đạt được trong công tác tôn giáo đã góp phần quan trọng làm thay đổi quan điểm của nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài quan tâm đến tình hình tôn giáo và đạo Tin lành ở Việt Nam, qua đó tạo điều kiện thuận lợi đưa Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và buộc Mỹ đưa nước ta ra khỏi danh sách CPC.
Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 1940/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Về nhà, đất liên quan đến tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức 22 Hội nghị cho hơn 6.000 lượt cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo và chức sắc các tôn giáo; phát hành hơn 6.000 cuốn tài liệu hỏi đáp pháp luật về đất đai, khiếu nại tố cáo có liên quan đến tôn giáo.
Các tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị đến đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo, cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo các quận, huyện, thị xã và các cơ sở tôn giáo tại địa phương. Theo báo cáo của 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương đã tổ chức được 1.487 hội nghị cho 179.594 lượt cán bộ chủ chốt các ban ngành, công chức làm công tác tôn giáo; 1.113 hội nghị cho 235.948 lượt chức sắc, tín đồ các tôn giáo.
Nhìn chung năm 2011, hoạt động tôn giáo cơ bản tuân thủ pháp luật, các sự kiện lớn của các tổ chức tôn giáo thu hút đông đảo chức sắc, tín tồ và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Cùng với việc tập trung xây dựng, cải tạo cơ sở thờ tự, hoạt động xã hội từ thiện được nhiều tổ chức tôn giáo quan tâm. Đại đa số chức sắc, tín đồ tin tưởng, phấn khởi trước những thành tựu đổi mới của đất nước, chăm lo việc đạo, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
 |
Các đại biểu dự Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và XI đều nhận định: Vấn đề dân tộc - tôn giáo trên thế giới và ở nước ta là vấn đề còn phức tạp. Trong năm 2011, hoạt động của các tôn giáo ngày càng đi vào nề nếp, ít điểm nóng xảy ra hơn, trong đó có sự nỗ lực của các cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo cũng như các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương. Phó Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Nếu tổ chức tôn giáo được công nhận thì nhà nước tạo điều kiện và có sự quan tâm bình đẳng giữa các tôn giáo đang tồn tại ở Việt Nam chứ không quá chú trọng đến một tôn giáo nào.
Đối với vấn đề nhà, đất liên quan đến tôn giáo, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải kịp thời thống kê tình hình nhà, đất liên quan đến tôn giáo, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, không để điểm nóng xảy ra liên quan đến vấn đề này. Cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các cấp ở Trung ương và địa phương để giải quyết sự việc về tôn giáo và liên quan đến tôn giáo. Trong quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội cũng cần phải quan tâm đến vấn đề sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, tiền lương cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; đội ngũ cán bộ Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo cần tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan hữu quan, lắng nghe nhu cầu của người có đạo để làm tốt công tác quản lý nhà nước về vấn đề này.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng biểu dương Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo cũng như đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo các cấp đã nỗ lực phấn đấu trong công tác góp phần ổn định chính trị, đóng góp chung vào thành tựu phát triển kinh tế của đất nước trong năm 2011, ghi nhận những đóng góp của đồng bào và chức sắc các tôn giáo trên cả nước vào sự phát triển kinh tế của đất nước, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, năm 2012, Ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo các cấp cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm là quán triệt, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cũng như tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo. Đồng thời tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo cũng như công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo làm tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội./.