Dự Hội nghị có Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Hoàng Ngọc Anh; TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Báo cáo viên tại Hội nghị và công chức Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, đây là Hội nghị trực tuyến lớn nhất từ trước tới nay, trước đây thường tổ chức tại các khu vực, nay tập trung tại 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời nhấn mạnh, công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ hết sức quan trọng và được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chú trọng.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trực tiếp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chánh làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo, hằng tháng nghe báo cáo các chuyên đề thường xuyên, hằng quý rà soát tổng thể lại các nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo thông qua báo cáo tổng hợp tại các Bộ, ngành, địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, các cán bộ, công chức, viên chức đang thực hiện nhiệm vụ về công tác cải cách hành chính cần phải có năng lực, có hiểu biết, thông suốt, thái độ và trách nhiệm hết sức cao. Vì vậy, để đảm đương nhiệm vụ này, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ giao Vụ Cải cách hành chính tổ chức tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức thực hiện công tác cải cách hành chính.
"Trên thế giới, nước nào làm tốt công tác cải cách hành chính thì nước đó sẽ phát triển. Tại Việt Nam, những tỉnh nào làm tốt công tác cải cách hành chính, có Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) cao thì chắc chắn tỉnh đó sẽ phát triển, giàu có và ổn định", Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng thông tin thêm, tới đây, để đẩy mạnh và đánh giá đúng công tác cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tất cả thanh tra tại 63 tỉnh, thành phố, Bộ, ngành. Ở những điểm nóng, sẽ do lãnh đạo Tổng Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn và lãnh đạo Bộ Nội vụ làm Phó Trưởng đoàn. Trước mắt, trong Quý IV năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra tại một số Bộ, ngành, địa phương. Từ năm 2024 trở đi, công tác thanh tra về cải cách hành chính sẽ được đưa vào nề nếp và thường xuyên, trong đó, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng sẽ đưa nội dung này vào Kế hoạch thanh tra.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị, các chuyên gia, báo cáo viên tại Hội nghị sẽ truyền đạt tốt nhất, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và bao quát, đặc biệt là đưa các ví dụ minh họa để cho các học viên thấy được tính tất yếu, tính khách quan của vấn đề.
Đối với các đồng chí học viên, cần thể hiện tinh thần, trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, tích cực trao đổi thảo luận với các Báo cáo viên để tìm ra và giải đáp các vướng mắc trong quá trình triển khai công tác cải cách hành chính tại địa phương mình nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
Thứ trưởng cũng hi vọng, đây sẽ là một lớp luôn luôn cải cách, làm sao cho kỹ năng, năng lực của những người làm công tác cải cách hành chính ngày một tốt hơn để làm tốt công tác cải cách chính.
Hội nghị tập huấn diễn ra trong 03 ngày (từ ngày 08 - 10/11/2023), gồm 3 Chuyên đề:
Chuyên đề 1: Giới thiệu một số kinh nghiệm cải cách hành chính của thế giới và thực tiễn triển khai công tác cải cách hành tại Việt Nam.
Chuyên đề 2: Giới thiệu kết quả nổi bật trong công tác cải cách chế độ công vụ, công chức thời gian qua và định hướng trong những năm tiếp theo.
Chuyên đề 3: Ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính và kết quả xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số trong thời gian qua, một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới.
Theo Chương trình, Hội nghị cũng sẽ dành thời gian để các báo cáo viên và công chức, viên chức tự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về một số vướng mắc phát sinh trong thực tế triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính.