Thành phần tham gia các Hội nghị gồm đại diện Lãnh đạo, Phòng Xây dựng chính quyền các Sở Nội vụ; Lãnh đạo, Chuyên viên Phòng Nội vụ huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh; một số đồng chí Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (do Sở Nội vụ mời) của các tỉnh, thành phố nêu trên và cán bộ, công chức Vụ Chính quyền địa phương (CQĐP)- Bộ Nội vụ.
Các Hội nghị do đồng chí Nguyễn Thế Vịnh, Chuyên viên Cao cấp, Vụ CQĐP Bộ Nội vụ chủ trì.
Do có sự chuẩn bị chu đáo và được nghiên cứu tài liệu trước nên các đại biểu dự hội nghị đã tham gia nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực .
Đa số các ý kiến đều nhất trí đánh giá dự thảo Nghị định lần này có nhiều điểm mới, bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa X và Luật Cán bộ, công chức đã được Quốc hội thông qua. Nhiều quy định mới phù hợp với cơ sở và khắc phục những bất cấp của Nghị định 114/2003/NĐ-CP trước đây chưa quy định, như: Nội dung đánh giá cán bộ, công chức; văn hóa giao tiếp ở công sở; văn hóa giao tiếp với nhân dân hoặc vấn đề liên thông của cán bộ, công chức cấp xã trong cùng hệ thống và liên thông với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, …
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nêu mong muốn cần làm rõ thêm những nội dung sau:
- Đề nghị xây dựng riêng một Nghị định cho cán bộ, công chức phường.
- Đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng quy chế hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện công các luân chuyển, điều động cán bộ, công chức cấp xã.
- Đề nghị quy định cán bộ, công chức cấp xã có đủ điều kiện thì được nâng ngạch.
- Về những việc cán bộ, công chức cấp xã không được làm, đề nghị nghiên cứu cụ thể để phù hợp với Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân không được bố trí, sắp xếp vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình vào làm công chức giữ các chức danh: Tài chính- kế toán, Địa chính - xây dựng" là chưa phù hợp với thực tế ở cơ sở.
- Ý kiến đề nghị: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã theo quy định của Chính phủ; đề nghị Trưởng công an, Quân sự thực hiện bổ nhiệm không phải qua thi tuyển.
- Đề nghị trường hợp cán bộ đến tuổi nghỉ hưu (quy định ở khoản 3 Điều 16) nhưng chưa hết nhiệm kỳ bầu cử thì nên giải quyết như thế nào cho hợp lý, vì hiện nay cán bộ bầu cử vẫn có nhiều người đang hưởng chế độ hưu trí, mất sức.
- Ý kiến đề nghị: Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá cán bộ, công chức cấp xã do Bộ Nội vụ quy định.
- Đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng quy chế hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ, công chức cấp xã.
- Về Thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức cấp xã có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân?
- Có ý kiến đề nghị cách chức và bãi nhiệm là một, đồng nghĩa với thôi việc. Đề nghị có hình thức kỷ luật "Buộc thôi việc" đối với cán bộ không?
- Có ý kiến đề nghị trường hợp tạm đình chỉ công tác quá thời gian được kéo dài, đã gia hạn nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận thì có được gia hạn tiếp lần thứ 2 không?
- Đề nghị nêu rõ "Hội đồng kỷ luật của cơ quan, tổ chức cấp xã (Điều 28)" là cơ quan, tổ chức nào?...
Ngoài việc tham gia góp ý về các nội dung của dự thảo Nghị định, nhiều đại biểu còn rất quan tâm đến bố cục, điều khoản của Nghị định và cả câu chữ, từ ngữ, lỗi chính tả trong dự thảo Nghị định lần này./.
Tin: Nguyễn Thế Vịnh - Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ