Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Ngày 23 tháng 3 năm 2011, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị giao ban công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐB HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 khu vực phía Bắc (Hội nghị).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, Ủy viên Hội đồng bầu cử đã đến dự.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Phúc; Đại diện Văn phòng Chính phủ; Đại diện Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Đại diện các Bộ: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính; Đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; Đại diện các Sở Nội vụ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại 17 tỉnh, thành phố phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Tổ trưởng Tổ Công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Bộ Nội vụ đã trình bày Báo cáo tình hình triển khai thực hiện công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 (giao ban khu vực Miền Bắc).
Báo cáo nêu rõ, với vai trò là cơ quan thường trực giúp Chính phủ, Thủ tướng chính phủ tổ chức chỉ đạo cuộc bầu cử, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn cụ thể đến Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh, thành phố trong triển khai, thực hiện công tác bầu cử) về các nội dung triển khai thực hiện trong cuộc bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Trong phạm vi thẩm quyền và thực hiện Kế hoạch số 01/KH-HĐBC của Hội đồng bầu cử, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/TT-BNV ngày 12/02/2011 về tổ chức, hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử ĐBQH khoá XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; Ban hành Kế hoạch tổng thể của Bộ về thực hiện công tác bầu cử; Phối hợp với Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Trung ương có liên quan hướng dẫn, trả lời các địa phương về các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức bầu cử; Hướng dẫn các địa phương báo cáo tình hình triển khai công tác bầu cử từ sau Hội nghị toàn quốc đến thời điểm hoàn thành tổ chức các Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử ĐBQH và bầu cử HĐND các cấp; Soạn thảo sách Hỏi - Đáp về bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Triển khai thực hiện công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, các địa phương đã kịp thời chỉ đạo, ban hành văn bản hướng dẫn bầu cử, thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và tập huấn công tác bầu cử; Xác định và ấn định số đại biểu, đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu của các đơn vị bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp theo quy định của Luật; Tổ chức các Hội nghị hiệp thương bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp đảm bảo dân chủ, đúng Luật, đúng quy định của quy trình hiệp thương; Công tác tuyên truyền bầu cử được chỉ đạo tuyên truyền tập trung vào các nội dung như: Luật bầu cử ĐBQH, Luật bầu cử HĐND...với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú.
Theo Báo cáo, tổng hợp kết quả hiệp thương lần thứ nhất về bầu cử đại biểu Quốc hội ở các địa phương: số ĐBQH được phân bổ đối với 63 tỉnh, thành phố là 317 người. Qua tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về bầu cử ĐBQH, nhiều tỉnh có tỷ lệ cao số lượng người được giới thiệu ứng cử so với số đại biểu được phân bổ của địa phương như Quảng Ninh 3,8 lần; Lào Cai 3,14 lần, Nghệ An 2,94 lần, Hà Giang 2,39 lần,…Về dự kiến số người tự ứng cử, có 17/63 tỉnh, thành phố đã dự kiến số lượng cụ thể người tự ứng cử ĐBQH. Tuy nhiên, có 46/63 tỉnh, thành phố không dự kiến số lượng người tự ứng cử ĐBQH ở địa phương. Kết quả Hội nghị hiệp thương bầu cử đại biểu HĐND lần thứ nhất ở cấp tỉnh cho thấy, tổng số người được phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.743 người trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.833 đại biểu, đạt tỷ lệ 2,02 lần (nhiệm kỳ 2004 - 2011 đạt tỷ lệ 1,89 lần). Dự kiến số lượng người tự ứng cử: Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố đã có 24 địa phương dự kiến số lượng người tự ứng cử từ 100 đến 114 người, chiếm tỷ lệ 1,29 đến 1,47 so với số đại biểu được bầu. Một số địa phương có số lượng người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh cao như Long An, Thái Bình mỗi tỉnh 10 người, thành phố Hà Nội 9 người, Bạc Liêu và Đắk Lắk mỗi tỉnh 7 người. Tuy nhiên, có 39 tỉnh, thành phố chưa dự kiến số lượng người tự ứng cử đại biểu HĐND các cấp ở địa phương. Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã trao đổi những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai công tác tổ chức bầu cử tại các địa phương và kiến nghị Bộ Nội vụ có hướng giải quyết để việc triển khai thực hiện công tác bầu cử đạt được hiệu quả cao. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đề nghị các cơ quan Trung ương và địa phương cần phải bám sát các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác bầu cử để tham mưu và tiến hành việc bầu cử đúng quy định; Làm tốt công tác thông tin - tuyên truyền về công tác bầu cử; Giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp; Đồng thời tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được giao, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm.