BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Còn nhiều bất cập

23/05/2011 09:18

Từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước, năm 2010 cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho 350.000 người theo chính sách Quyết định 1956 để thực hiện Đề án, trong đó 48,6% người học các nghề về nông nghiệp. Tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt khoảng 70%. Một số tỉnh đã trích ngân sách địa phương để hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại trong thời gian học nghề cho một số nhóm LĐNT ngoài diện hưởng chính sách Quyết định 1956.

 Sau 1 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chỉ tiêu đào tạo nghề cho 3 đối tượng chính sách năm 2010 mới chỉ đạt 50%, và bộc lộ nhiều bất cập.

 Chỉ tiêu tuyển sinh đạt 50%

Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) có 3 đối tượng được đặt hàng dạy nghề là lao động thuộc hộ nghèo, lao động DTTS, lao động bị thu hồi đất canh tác và phải đảm bảo sau khi tốt nghiệp trong vòng 3 tháng có ít nhất 90% số học sinh tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

 Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho hay: Sau 1 năm thực hiện Đề án mới dạy nghề được cho 6.000 người/kế hoạch 12.000 người của năm 2010. Trong quá trình khảo sát lấy ý kiến của các địa phương và cơ sở dạy nghề, do lao động nông thôn (LĐNT) thuộc 3 đối tượng chính sách trên phần lớn có trình độ học vấn thấp, chủ yếu sống ở vùng cao, miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ít doanh nghiệp dám đầu tư, cơ hội việc làm thấp. Có nhiều trường sau khi khảo sát thấy không thể tuyển sinh được nên đã đề nghị hủy hợp đồng hoặc xin giảm chỉ tiêu đào tạo. Trong khi đó nhiều đối tượng LĐNT khác có nhu cầu học nghề, có cơ hội việc làm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động thì chưa được học nghề.

 Về phía địa phương, ông Lưu Xuân Thảo, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Ba Bể (Bắc Kạn) khẳng định, các lớp đào tạo mở chủ yếu về ngành nông nghiệp như chăn nuôi, cây trồng rất phù hợp, nhưng vẫn không thu hút được người dân tham gia nhiều vì, bà con chủ yếu là lao động chính trong nhà nên đi học thì không ai ở nhà làm nương, rẫy được.

Còn nhiều bất cập

Theo ông Cao Văn Sâm, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số lượng đào tạo ít bởi, vẫn có tình trạng một số địa phương còn lúng túng trong việc xác định quy trình tổ chức đào tạo, bố trí lớp học và thực hiện chính sách cho học viên thuộc các đối tượng khác nhau. Có nhiều nơi chậm xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu. Thậm chí có tiền về rồi nhưng lại chậm phê duyệt định mức chi phí đào tạo cho từng nghề. Đối với lao động cận nghèo vẫn chưa có chính sách hỗ trợ tiền ăn trong quá trình học nghề cho nên chưa khuyến khích, thu hút họ tham gia học nghề để góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững.

Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn thông tin thêm: “Một vấn đề khác cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn là đội ngũ giáo viên vừa thiếu lại vừa yếu. Điển hình như ở Bắc Kạn các trung tâm dạy nghề công lập hiện nay chỉ có “bộ khung” là cán bộ lãnh đạo, quản lý, còn giáo viên thì hoàn toàn phải đi thuê, có khi sử dụng cả sinh viên mới ra trường chưa tìm được việc làm để giảng dạy. Giáo viên có trình độ chuyên môn thì không có khả năng thực hành, khả năng sư phạm. Còn người có khả năng thực hành thì không được hợp đồng vì không có bằng cấp.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các trung tâm dạy nghề còn thiếu thốn, học viên chủ yếu vẫn phải học “chay”; có trung tâm được đầu tư thiết bị giảng dạy nhưng lại phải xếp vào kho vì chưa có nhà để đưa ra sử dụng. Đó là những khó khăn, bất cập chủ yếu cần khắc phục trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng và số lượng người được dạy nghề”.

Cơ quan chức năng đề nghị Chính phủ dành 1.755 tỷ đồng để hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 800.000 LĐNT theo chính sách của Quyết định 1956; đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính cho khoảng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ chuyên sâu để cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho LĐNT. Ngoài ra, chọn các lớp dạy nghề theo mô hình mẫu ở các địa phương: 3-5 lớp/xã; 10-15 lớp/huyện.

Theo http://www.cema.gov.vn
Tìm kiếm